Giúp người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

PHƯƠNG NAM 11/09/2017 13:38

Không chỉ chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho những người nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh còn là nơi giáo dục pháp luật, đạo đức, dạy nghề để giúp những người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng.

Học viên cai nghiện được học nghề để tạo thuận lợi khi hòa nhập cộng đồng. Ảnh: P.Nam
Học viên cai nghiện được học nghề để tạo thuận lợi khi hòa nhập cộng đồng. Ảnh: P.NAM

Làm tốt công tác cai nghiện

Trước khi vào Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, nhiều học viên nghiện ma túy tổng hợp nên trong giai đoạn cắt cơn thường xuyên la lối, thậm chí có đối tượng đập đầu vào tường hoặc có những hành động gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Thêm vào đó, phần lớn người nghiện có lối sống buông thả, không ít người có tiền án, tiền sự nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy công tác quản lý, bảo vệ học viên được cơ sở chú trọng hàng đầu. Cơ sở đã xây dựng nhiều nội quy, quy định về giờ giấc sinh hoạt, vui chơi thể thao... được phổ biến cụ thể tới học viên. Bất cứ lúc nào cũng có cán bộ trực để theo dõi, quản lý học viên. Sau khi cắt cơn, giải độc, học viên sẽ được phân loại để bố trí khu ở phù hợp. Hàng tuần, các khu tổ chức họp đánh giá, phân loại từng học viên. Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, kết quả phân loại là cơ sở để thực hiện việc miễn, giảm chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với học viên. “Chính nhờ làm tốt công tác quản lý nên trong những năm qua, cơ sở không xảy ra tình trạng bạo lực, thẩm lậu hàng cấm và bỏ trốn” - ông Trung cho hay.

Vào thăm nơi ở của các học viên, chúng tôi ngạc nhiên trước sự gọn gàng, sạch sẽ, chăn màn, mền gối được sắp xếp ngay ngắn. Học viên Tuấn (Điện Bàn) - Tổ trưởng tổ trách nhiệm chia sẻ: “Chúng tôi thường nhắc nhở nhau chấp hành nghiêm kỷ luật, giữ mỹ quan môi trường, thi đua giữa các tổ đội để cùng nhau tiến bộ”. Còn theo học viên  Hiệp (Tam Kỳ), anh cũng từng có ý định tự cai nghiện tại nhà nhưng không thành công. Sau 15 tháng vào cơ sở, anh đã cắt được cơn nghiện và quyết tâm cai nghiện thành công để trở về đoàn tụ với vợ con.

Chú trọng giáo dục, dạy nghề

Cùng với công tác cai nghiện ma túy, cơ sở còn đẩy mạnh việc giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi phục hồi nhân cách và phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS cho các học viên. Hàng tuần, học viên được học 3 buổi theo giáo trình của Bộ LĐ-TB&XH. Hiện nay, cơ sở tổ chức 1 lớp dạy nghề may công nghiệp cho các học viên. Ông Trung cho hay: “Việc làm là chiếc cầu nối để người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, chúng tôi chú trọng công tác dạy nghề và mong rằng sau khi về địa phương, các học viên đều có công ăn việc làm. Và để họ dứt bỏ hoàn toàn ma túy, rất cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên của gia đình, cộng đồng”.

Cơ sở còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút được 100% học viên tham gia, qua đó tạo không khí vui tươi phấn khởi, rèn luyện sức khỏe cho học viên. Học viên Thuận (Thăng Bình) chia sẻ: “Hồi ở nhà, tôi chẳng màng đến thể thao nhưng khi vào cơ sở luôn dành thời gian để rèn luyện thân thể. Những học viên khác có thể chơi bàn bi lắc, cờ tướng hay đàn ghi ta, ca hát. Chúng tôi cảm thấy mình khỏe khoắn hơn, không như trước, lúc nào cũng mệt mỏi”.

Có mặt tại đây, chúng tôi đã nghe các học viên xưng “em”, gọi cán bộ là “thầy, cô” khi trò chuyện. Đây cũng là cách tạo nên sự gần gũi giữa học viên và cán bộ. Đến nay, cơ sở đã kết nạp Đoàn cho gần 20 học viên có thành tích trong việc cai nghiện nhằm giúp học viên khi hòa nhập cộng đồng về địa phương có cơ hội tham gia sinh hoạt Đoàn ở cơ sở, từ đó tránh được nguy cơ tái nghiện. Đặc biệt, từ đầu năm 2016, cơ sở còn áp dụng mô hình “Ngủ hạnh phúc” để góp phần động viên, chia sẻ với các học viên đã có vợ. Những học viên nào cai nghiện tốt từ 2 tháng trở lên sẽ được cơ sở tạo điều kiện để cùng vợ tham gia mô hình này, tạo tâm lý phấn khởi, tiếp thêm sức mạnh cho học viên đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy.

Còn nhiều khó khăn

Từ năm 2016 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận 254 học viên, trong đó 250 học viên cai nghiện bắt buộc, 4 học viên cai nghiện tự nguyện. Tính đến ngày 30.6.2017, cơ sở đã cắt cơn giải độc cho 224 học viên an toàn, không có tai biến, đạt tỷ lệ 100%.

Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Dương Tấn Minh - Phó Giám đốc cơ sở phấn khởi cho biết, cơ sở đã được tỉnh quan tâm bố trí kinh phí xây dựng mới nhà văn hóa, sân bóng mi ni, nhà thực hành dạy nghề, nhà đón tiếp gia đình học viên… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như tường rào, cổng ngõ xung quanh cơ sở xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác quản lý và phòng chống thẩm lậu các chất cấm. Số lượng học viên đông nhưng chỉ có 1 giếng nước nên sinh hoạt của các học viên còn khó khăn. Đến mùa dông bão, toàn bộ các khu đều bị cúp điện.

Hiện tại, cơ sở cai nghiện đang quản lý hơn 146 học viên, phần lớn số học viên đều nghiện ma túy nặng; trong đó, có khoảng 10 - 15% mắc các bệnh xã hội, có nguy cơ lây nhiễm cao như lao, viêm gan, HIV/AIDS. Thế nhưng, vì trách nhiệm, tình thương, các cán bộ nơi đây đã không ngừng nỗ lực  giúp cai nghiện thành công cho học viên, giáo dục họ chuyển đổi hành vi, phục hồi nhân cách để trở về hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống gia đình yên ấm.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO