Giúp người mù thoát nghèo

VINH ANH 30/07/2013 09:35

Nhiều năm qua, những nguồn vốn vay do trung ương, địa phương và các tổ chức xã hội hỗ trợ đã tạo nên “cú hích” lớn giúp người mù trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Ông Đoàn Nghiêu trở thành tỷ phú với cơ sở sản xuất đũa tre. Ảnh: VINH ANH
Ông Đoàn Nghiêu trở thành tỷ phú với cơ sở sản xuất đũa tre. Ảnh: VINH ANH

Đòn bẩy giảm nghèo

Theo ông Lê Văn Xin - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đối với hội viên người mù của tỉnh được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả của chương trình xóa đói giảm nghèo trong hội. Vì thế, từ năm 1992 đến nay, Hội Người mù tỉnh (gọi tắt là Tỉnh hội) đã phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội, ngành LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương các cấp để triển khai và quản lý các dự án cho vay vốn. Đến nay, Tỉnh hội đã thực hiện được 143 dự án cho người mù vay vốn theo kênh của Trung ương Hội; triển khai cho 459 lượt hội viên vay tổng số tiền 756 triệu đồng theo dự án của Úc tài trợ; thực hiện dự án vay vốn đầu tư cho các cơ sở sản xuất tập trung theo kênh địa phương với tổng số tiền 310 triệu đồng. “Từ các nguồn vốn vay, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, có mức sống trung bình khá. Điều đáng mừng, các cấp hội quản lý tốt nguồn vốn, hội viên vay sử dụng đúng mục đích, phát huy có hiệu quả, nên vốn và lãi luôn trả đúng hạn, không để vốn tồn đọng, nợ quá hạn” - ông Xin nói.

Tại Quảng Nam, qua 20 năm thực hiện chương trình vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho người mù (1992 - 2012), đã có 2.919 lượt người mù vay vốn quay vòng với tổng số tiền trên 10,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, có 1.102 lượt người mù giảm được nghèo và 1.769 lượt người vươn lên làm giàu.

Song song với việc cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, Tỉnh hội còn quan tâm đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hội viên. Nhiều trường hợp sau học nghề được Tỉnh hội hỗ trợ cho vay vốn mở cơ sở sản xuất, kinh doanh như xoa bóp, sản xuất tăm, đũa... Tính đến đầu năm 2013, Tỉnh hội đã hỗ trợ thành lập 7 cơ sở sản xuất tập trung với 13 tổ, giải quyết việc làm cho 215 lao động. Riêng năm 2012, doanh thu các cơ sở sản xuất do người mù làm chủ đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng, lương bình quân của người lao động từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng; các cơ sở xoa bóp bấm huyệt tạo thu nhập 1,5 - 2,7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhiều hội viên được hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn cách sản xuất chăn nuôi phát triển kinh tế tại gia đình.

Vượt lên chính mình

Năm năm trở lại đây, Trung ương Hội tăng thêm nguồn vốn vay cho người mù để mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó, nhiều người mù trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, mua sắm tiện nghi sinh hoạt. Điển hình như hội viên Đỗ Phú Kim (thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, Đại Lộc) không may bị mù đôi mắt từ năm lên 4 tuổi. Cuộc sống hàng ngày đều nhờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ và bà con hàng xóm. Khi lập gia đình, cuộc sống vợ chồng ông hết sức cơ cực. Năm 1995 ông được Tỉnh hội hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, định hướng phát triển kinh tế. Thời gian đầu còn e ngại, ông chỉ vay 2 triệu đồng đầu tư chăn nuôi heo, tận dụng nguồn phân bón sản xuất nông nghiệp. Thấy chăn nuôi heo đem lại hiệu quả kinh tế, ông mạnh dạn vay thêm 5 triệu đồng đầu tư mua máy xay xát, vừa tăng thu nhập vừa có thêm nguồn thức ăn mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau 3 năm, cuộc sống gia đình ông ổn định, mỗi tháng trả đầy đủ vốn - lãi đúng hạn, còn để dành được số vốn mở dịch vụ internet. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, đến nay ông đã có một tiệm kinh doanh dịch vụ internet tại nhà gồm 20 máy, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Có trường hợp người mù trở thành tỷ phú là ông Đoàn Nghiêu, ở thôn 2, xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Bản thân bị mù từ lúc nhỏ, nhưng với tinh thần “thép”, ông Nghiêu đã vượt qua bất hạnh để làm được những việc mà người lành lặn cũng phải thán phục. Hiện ông là chủ cơ sở sản xuất đũa tre có tiếng tại Quảng Nam. Có được thành công hôm nay, ông không bao giờ quên chặng đường gian nan lúc trước. Từ một cậu thanh niên mù, đi bán từng bó đũa, gói tăm kiếm tiền sống qua ngày, nay trở thành một ông chủ với số vốn trong tay lên đến hàng tỷ đồng. Thành công đó của ông nhờ vào “cần câu” kinh phí từ Trung ương Hội cho vay. Khởi điểm chỉ với 1 triệu đồng vốn vay, ông đầu tư nuôi heo, trồng cây ăn quả. Sau vài năm, cuộc sống gia đình ông ngày càng khá lên. Không tự thỏa mãn với những thành công ban đầu, năm 2002 ông mạnh dạn vay thêm 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư cơ sở sản xuất đũa (loại đũa dùng một lần). Thời điểm đó, việc mở cơ sở sản xuất đũa đối với ông là một bước ngoặt cũng là thách thức lớn. Ngày ấy ông phải mày mò, nghe ngóng từng li, từng tý để hoàn thiện và nâng cấp cơ sở sản xuất của mình. Đến nay, sản phẩm đũa tre cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn của ông đã đi khắp các tỉnh, thành phố. Hiện cơ sở sản xuất của ông Nghiêu tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, trong đó có 4 người mù. Ông còn đảm nhận đầu ra cho nhiều hội viên người mù sản xuất đũa tre tại nhà.

Đối với những người mù như ông Nghiêu hay ông Kim và nhiều người khác, ngoài niềm tin, nghị lực trong cuộc sống, những nguồn vốn vay thực sự đã trở thành “đòn bẩy” để họ giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp người mù thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO