Giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập: Bước đệm cần thiết

LÊ DIỄM 13/09/2016 09:49

Một người chỉ thực sự cai nghiện ma túy thành công khi đã tái hòa nhập cộng đồng thành công. Chính vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện để những người cai nghiện có thể tái hòa nhập sau cai nghiện là bước đệm cần thiết mà Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh đang thực hiện.

Học viên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh tham gia cổ vũ và giao lưu thi đấu bóng chuyền với công an các huyện, thành phố.  Ảnh: D.L
Học viên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh tham gia cổ vũ và giao lưu thi đấu bóng chuyền với công an các huyện, thành phố. Ảnh: D.L

Những tháng ngày đầu tiên được đưa lên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh (xã Sông Trà, Hiệp Đức) thực sự là những ngày đầy sợ hãi, lo lắng đối với học viên N.V.T. Đến trung tâm vào cuối tháng 5.2016, anh T. cảm thấy sợ, vì ở ngoài được dùng ma túy mỗi khi lên cơn nghiện, vô trung tâm rồi anh sợ sẽ không thể lấn át được cơn nghiện khi không có ma túy. Ở trong trung tâm, ban đầu anh T. cũng như bao học viên khác, lầm lỳ, ít nói, nhưng đến khi lên cơn thì sẵn sàng đập phá hay hành hạ bản thân. Và mỗi lần lên cơn nghiện, anh T. đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ cán bộ, nhân viên của trung tâm. Được cắt cơn đúng cách nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh T. không còn thấy sợ mỗi khi lên cơn nghiện nữa. Ngược lại, anh mong sao mau chóng cai nghiện được để trở lại là một chàng thanh niên hoạt bát, chăm chỉ làm việc như ngày nào. Bây giờ, anh T. đã dám nói về bản thân, dám đối mặt để có thể làm lại từ đầu. Tiếp xúc với chúng tôi, anh T. khá thoải mái, không e ngại kể về quá khứ: “Trước tôi làm nghề lái xe tải đường dài. Khi đến với nghề, tôi không hề nghiện ngập, nhưng bước vào nghề rồi, bị rủ rê khi lái xe đường dài mệt mỏi, cần phải tỉnh táo để tập trung lái xe nên tôi dùng ma túy đá. Dần dần tôi ngập sâu trong ma túy, không thể dứt ra được, dù gia đình biết và hết lời khuyên can. Nói thật là tôi biết mình đã sai, nhưng sa vào rồi không dễ gì dứt ra, nên dù biết cũng chịu chứ không vượt qua được những cơn nghiện. Cho đến khi đến trung tâm, tôi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, của những cô thầy ở đây nên nhận ra con đường sai trái. Từ khi lên đến đây chỉ mới hơn 3 tháng nhưng tôi đã dần trở lại bình thường”. Anh T. cho biết, ở trung tâm, không chỉ được cai nghiện mà anh và các học viên khác còn được tham gia những hoạt động chung do trung tâm tổ chức, được rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần, chuẩn bị những điều kiện tâm lý tốt nhất để sau này tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Đợt giao lưu bóng chuyền được tổ chức giữa Trung tâm Giáo dục lao động xã hội với công an các huyện, thành phố trong tháng 8 vừa qua, trong đội bóng của trung tâm có một người mà không ai nghĩ đó là học viên đang cai nghiện tại trung tâm. Thân hình rắn rỏi, gương mặt luôn nở nụ cười thật tươi, N.T.V. không ngần ngại nhận mình là học viên đang cai nghiện. Anh chia sẻ: “Rất nhiều người cũng như anh chị vậy đó, không nghĩ tôi là một học viên đang cai nghiện. Nói thật, nếu không được lên trung tâm để cai nghiện tập trung, tôi không biết giờ này mình ra sao nữa. Gia đình giờ lên thăm cũng không thể nhận ra tôi so với hồi còn nghiện. Chỉ mới hơn 3 tháng thôi mà tôi thay đổi nhiều lắm, sức khỏe tốt hơn, tinh thần phấn chấn hơn. Đặc biệt có được đợt giao lưu bóng chuyền với các đội là công an các huyện, thành phố trong tỉnh thế này, tôi mới thấy rằng xã hội vẫn còn dành cho chúng tôi con đường quay về. Tôi hứa sẽ hết sức cố gắng để sau này khi tái hòa nhập cộng đồng tránh xa con đường lầm lỗi trước kia, và làm lại cuộc đời mình”. N.T.V. cho biết tại trung tâm, anh cũng như các học viên khác được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao khá sôi nổi, được học đàn ghi ta, đánh cờ tướng trong các giờ sinh hoạt tập thể. Anh chia sẻ cảm nhận rằng, những cán bộ, nhân viên tại trung tâm tuy rất nghiêm, tính kỷ luật rất cao nhưng cũng rất gần gũi, động viên để học viên có thêm tinh thần, dũng khí và quyết tâm từ bỏ con đường lầm lỗi.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh cho biết: “Trung tâm không chỉ tập trung cho công tác cai nghiện mà còn tạo điều kiện để học viên được giao lưu, học hỏi, để các em nhận thấy rằng xã hội dành sự quan tâm đến mình rất lớn chứ không hề bỏ rơi, xa lánh. Tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên trung tâm tổ chức giao lưu bóng chuyền, văn nghệ với công an các huyện, thành phố và đã diễn ra rất thành công. Học viên được tham gia đánh bóng chuyền, diễn văn nghệ, làm cổ động viên, rất hào hứng. Hy vọng với những cố gắng tạo cho học viên có đời sống tinh thần lành mạnh ngay khi đang cai nghiện sẽ giúp các em tự tin hơn sau khi cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng”. Ông Trung cho biết, ở các khu điều trị cai nghiện của trung tâm đều được trang bị một cây đàn ghi ta, 2 bộ cờ tướng để học viên tập đàn hát, giải trí mỗi giờ sinh hoạt tập thể. Điều này giúp học viên tham gia các hoạt động tập thể tự tin hơn, sau này trở về với đời sống thường nhật sẽ dễ dàng hơn. Sắp tới, trung tâm sẽ đưa tổ chức đoàn thanh niên đến với học viên, duy trì sinh hoạt hàng tháng để giáo dục các em tốt hơn. Được giao lưu với đoàn viên thanh niên bên ngoài, mà gần nhất là Đoàn xã Sông Trà hay Huyện đoàn Hiệp Đức, giúp học viên tiếp cận với các hoạt động bổ ích. Từ đó học viên sẽ dần xóa được mặc cảm, tự ti, không có cảm giác bị xa lánh. Trung tâm cũng sẽ tùy theo sở thích hoặc điều kiện của mỗi học viên để đào tạo nghề phù hợp để sau này khi ra khỏi trung tâm các em có nghề trong tay để chọn cho mình con đường tái hòa nhập tốt hơn.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập: Bước đệm cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO