Giúp nông dân châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu

QUỐC TUẤN 20/03/2019 07:25

(QNO) - Với chủ đề "Vai trò của các tổ chức hợp tác nông dân nhằm giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu đối với nông dân châu Á", hội nghị thường niên lần thứ 19 của Tổ chức Hợp tác nông dân châu Á (AFGC) diễn ra tại TP.Đà Nẵng (từ ngày 20 đến 21.3) đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp gợi mở để đồng hành cùng nông dân trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự hội nghị thường niên lần thứ 19 tại Đà Nẵng của AFGC chụp hình lưu niệm. Ảnh: Q.T
Các đại biểu tham dự hội nghị thường niên lần thứ 19 tại Đà Nẵng của AFGC. Ảnh: Q.T

Nhiều thách thức

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, để đáp ứng lương thực cho dân số toàn cầu dự kiến hơn 9 tỷ người vào năm 2050 thì sản xuất lương thực phải tăng khoảng 70% so với hiện nay. Trong khi đó, theo ước tính, nông nghiệp chiếm 13,5% lượng khí thải trực tiếp nhà kính và 17% lượng khí thải gián tiếp do nạn phá rừng và thay đổi sử dụng đất.

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng và ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các quốc gia ở châu Á. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất liên quan đến dân số và tăng trưởng GDP trong 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển, chịu tác động rõ rệt của nước biển dâng.

Nông dân ngày càng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh: Q.T
Nông dân ngày càng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh: Q.T

Dự báo, đến năm 2050 sản lượng lúa xuân sẽ giảm khoảng 716kg/ha, lúa hè giảm 795kg/ha tương đương với hơn 1.475.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, năng suất, sản lượng một số nhóm sản phẩm chủ lực khác như: ngô, cà phê, sắn... cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Ngành thủy sản cũng bị thiệt hại đáng kể do nước biển dâng.

Theo TS.Phạm Thị Hồng Yến - Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), nhiều hợp tác xã (HTX) nước ta chưa tiếp cận các thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng, phát triển sản phẩm của HTX để có biện pháp ứng phó cùng với đó là việc việc dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn ít dẫn đến hạn chế năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Gợi mở giải pháp

Hiện nay, tổng lượng khí thải từ ruộng lúa ở các nước Đông Nam Á (chiếm khoảng 10,7% trong số các nguyên nhân gây ra khí thải của khu vực) trong đó chỉ riêng Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chiếm đến 78%. Từ việc nghiên cứu thực tiễn và chuyển giao công nghệ của Nhật Bản, 4 nước trong khu vực trong đó có Việt Nam đã triển khai dự án Liên hiệp quốc về kiểm soát độ ẩm, độ khô thích hợp để giảm thiểu khí nhà kính từ ruộng lúa.

Quản lý nước hiệu quả là một trong những giải pháp được các đại biểu đưa ra để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp. Ảnh: Q.T
Quản lý nước hiệu quả là một trong những giải pháp được các đại biểu đưa ra để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp. Ảnh: Q.T

Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã và đang triển khai thành công các mô hình: "Mỗi xã một sản phẩm", "Mỗi làng một sản phẩm" như Nhật Bản, Thái Lan, Sri Lanka... Tại Thái Lan, mô hình "mỗi xã một sản phẩm" - (OTOP) đã giúp hình thành 36.000 nhóm OTOP bao gồm một loạt các sản phẩm truyền thống địa phương đem lại doanh số gần 5 triệu USD (năm 2017). "Một trong số các mục tiêu của chương trình là phát triển ít nhất 64.570 mặt hàng OTOP với mức tăng doanh số trung bình hàng năm ít nhất 10%", ông Poramate Intarachumnum - Chủ tịch Liên đoàn HTX Thái Lan thông tin.

Tại hội nghị, đại diện Liên đoàn HTX nông dân tự do (FFFC) Philippines đưa ra nhiều chiến lược như cần đẩy mạnh để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu như: ngăn nước và quản lý nước, đa dạng hóa cây trồng, bảo hiểm cho mùa màng, phối hợp hành động thông qua các HTX... 

Trong năm 2018, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai hỗ trợ 77 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ con giống, vật tư, máy móc thiết bị... nhằm áp dụng công nghệ kỹ thuật, quy trình vào sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ nông dân với mức hỗ trợ 1.000 USD/mô hình.

Dự kiến, trong năm 2019 Liên minh HTX Việt Nam sẽ hỗ trợ 77 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị và theo mô hình OCOP với mức hỗ trợ dự kiến 2.000 USD/mô hình tại 63 tỉnh/thành trên toàn quốc.

Thành viên của AFGC bao gồm các tổ chức HTX và tổ chức đại diện nông dân cấp quốc gia từ 10 nước trong khu vực châu Á. Liên minh HTX Việt Nam là thành viên của AFGC từ năm 2001.

TS.Phạm Thị Hồng Yến bày tỏ: "Các tổ chức quốc tế phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động như xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình HTX nông nghiệp sạch... để giúp nông dân giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp nông dân châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO