Ngoài niềm vui được mùa, nông dân 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang càng phấn khởi hơn khi chính quyền địa phương quyết định thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho đầu ra của bắp.
Tại hội thảo đầu bờ về mô hình sản xuất cây bắp theo hướng hàng hóa vừa được tổ chức tại xã A Xan (Tây Giang), nông dân địa phương rất phấn khởi khi vụ bắp năm nay hứa hẹn thắng lớn. Ước tính với 50ha bắp lai của xã A Xan sẽ cho thu hoạch khoảng 200 tấn, năng suất cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống của bà con địa phương. Kết quả này một phần cũng nhờ cách “cầm tay chỉ việc” của cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang. Những trái bắp to, hạt mẩy đều, không có sâu bệnh là minh chứng cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Một điều quan trọng khác khiến bà con yên tâm, phấn khởi là huyện Tây Giang thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho đầu ra của cây bắp. Huyện Tây Giang trực tiếp đứng ra tìm thị trường bao tiêu sản phẩm của người dân. Với chính sách hỗ trợ này nông dân sẽ yên tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mà không sợ bị tư thương ép giá hay không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Chị Cơ Lâu Thị Lước (thôn Arầng III, xã A Xan) chia sẻ: “Mùa bắp năm nay, bà con chăm trồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên cây bắp phát triển rất tốt, ước tính năng suất sẽ cao hơn so với việc trồng bắp theo kiểu manh mún nhỏ lẻ của bà con ở những năm trước. Ông Tơ Ngol Tờ - Chủ tịch UBND xã A Xan cũng cho biết: “Năm trước diện tích cây bắp chỉ có 15ha, năm nay tăng lên 50ha và ước đạt năng suất cao nhất so với các năm. Theo tính toán qua 4 tháng chăm trồng, mỗi hộ dân có thu nhập khoảng 18 triệu đồng từ trồng bắp. Từ năm nay, huyện Tây Giang thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho đầu ra đối với một số sản phẩm nông nghiệp và đang thực hiện thí điểm trên sản phẩm cây bắp, nhất định sẽ kích thích bà con tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo thêm cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương”.
Ông Lê Văn Hiếu - Phó Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Tây Giang cho hay, mô hình trồng thí điểm bắp lai theo hướng hàng hóa đang được triển khai tại 4 xã vùng cao của huyện gồm Tr’Hy, A Xan, Ga Ry và Ch’Ơm với diện tích 90ha. “Phương thức cầm tay chỉ việc để bà con tin và làm theo, từ đó áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất mới chỉ là điều kiện cần; việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản để kích thích người dân yên tâm sản xuất đó chính là điều kiện đủ. Theo đó, địa phương xác định tổng hợp được hai điều kiện này sẽ tạo ra đòn bẩy giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao. Sau khi bắp được thu hoạch, phơi khô tách hạt thì chúng tôi sẽ thu gom, vận chuyển xuống đồng bằng bán cho tư thương theo giá mua tại đồng bằng. Đại diện của hộ dân sẽ đi theo ghi nhận thực tế giá cả để từ đó phổ biến lại cho bà con biết, yên tâm về giá cả của sản phẩm” - ông Hiếu nói.
HÀN GIANG - PHƯƠNG GIANG