Thời gian qua, Hội LHPN huyện Duy Xuyên triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống...
Hỗ trợ theo nhu cầu
Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững có vai trò quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua Hội LHPN huyện Duy Xuyên tích cực phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề - giới thiệu việc làm và trao tặng sinh kế. Cạnh đó, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, diễn đàn đối thoại với hội viên phụ nữ nghèo nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ hiệu quả.
Bà Lâm Thị Vỹ - Phó Chủ tịch Hội LHPN Duy Xuyên cho biết, hàng năm Huyện hội chỉ đạo các hội phụ nữ cơ sở tổ chức khảo sát, nắm danh sách hộ nghèo do hội viên làm chủ hộ và yêu cầu mỗi cơ sở hội giúp đỡ ít nhất 2 hộ nghèo thoát nghèo. Đồng thời phân công cán bộ hội phụ nữ các cấp tìm hiểu từng hoàn cảnh, nhu cầu của hội viên để từ đó hỗ trợ vốn, kiến thức phù hợp.
Theo bà Vỹ, từ năm 2018 đến nay, các cấp hội phụ nữ của huyện tích cực vận động hội viên thực hành tiết kiệm vì phụ nữ nghèo bằng việc nuôi heo đất và những hình thức khác.
Cùng với đó, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 54 mái ấm tình thương và sửa chữa 14 ngôi nhà cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, trao tặng phương tiện sinh kế như bò giống, heo giống, tủ bánh mì, máy ép nước mía… với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng cho 1.253 hội viên phụ nữ. Đáng chú ý, những năm qua hội nhận ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 216 tỷ đồng cho gần 6.000 hộ phụ nữ vay để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
Phát huy hiệu quả
Nhiều năm trước, gia đình chị Trương Thị Mười ở thôn Câu Lâu Đông (xã Duy Phước) là hộ nghèo do sinh kế không ổn định. Nhờ Hội LHPN xã quan tâm, chị Mười được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để xây dựng mô hình trồng nấm rơm.
“Nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật, lứa nấm rơm nào cũng phát triển tốt và cho năng suất cao. Đều đặn mỗi ngày, vợ chồng tôi thu hoạch nấm 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, sản lượng bình quân đạt 15 - 20kg.
Giá bán ngày bình thường 80 nghìn đồng/kg, còn ngày Rằm và mùng Một có giá đến 150 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ nấm chủ yếu là các chợ truyền thống trong huyện. Trừ chi phí, hằng tháng tôi lãi hơn 20 triệu đồng từ mô hình này” - chị Mười nói.
Năm 2017, chị Võ Thị Tám ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh) quyết định đầu tư nhà nuôi chim yến và xây dựng thương hiệu yến sào Bàn Thạch. Để theo đuổi nghề nuôi yến, chị Tám vay mượn hơn 2 tỷ đồng làm nhà nuôi với quy mô 4 tầng và mua sắm nhiều trang thiết bị. Theo chị Tám, mặc dù chi phí ban đầu khá cao nhưng nghề nuôi yến có nhiều thuận lợi, triển vọng.
“Mỗi đợt thu hoạch, tôi thu được 5 - 7kg tổ yến. Giá bán tổ yến thô là 28 triệu đồng/kg, tổ yến qua xử lý là 35 triệu đồng/kg, còn yến chưng sẵn là 100 nghìn đồng/lọ 300ml. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu về khoảng 60 triệu đồng. Thương hiệu yến sào Bàn Thạch đã được khách hàng nhiều nơi lựa chọn” - chị Tám chia sẻ.
Bà Lâm Thị Vỹ cho hay, thời gian qua các cấp hội phụ nữ của Duy Xuyên tích cực hỗ trợ xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả rất nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thu hút hơn 600 chị em tham gia. Chẳng hạn như, mô hình tổ phụ nữ liên kết trong sản xuất, câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế, tổ phụ nữ nông nghiệp sản xuất giỏi, tổ phụ nữ tiểu thương, tổ phụ nữ chế biến hải sản, tổ phụ nữ quấn chổi, tổ phụ nữ may giày da...
“Bằng nhiều hình thức tiếp sức, 5 năm qua Duy Xuyên có 840 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế hộ và thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay xuống còn 2,39%, giảm 3,51% so với năm 2016” - bà Vỹ nói.