Thực hiện chương trình “Đoàn Thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2015 - 2020, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nghèo có việc làm ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng hành
Giai đoạn 2017 - 2020, Tỉnh đoàn giao chỉ tiêu cụ thể các cấp bộ đoàn toàn tỉnh phấn đấu giảm nghèo bền vững cho 786 hộ thanh niên là chủ hộ nghèo. Các huyện, thị, thành đoàn trực tiếp vận động và giúp đỡ ít nhất 35 hộ thanh niên đăng ký và phấn đấu thoát nghèo bền vững. Đối với các đơn vị đoàn trực thuộc, Tỉnh đoàn triển khai hỗ trợ ít nhất 20 hộ thanh niên nghèo tại đơn vị được phân công kết nghĩa. Điều này đã chứng tỏ sự vào cuộc quyết liệt của tổ chức Đoàn đối với công tác hỗ trợ thanh niên giảm nghèo, lập nghiệp.
Việc tập trung hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN nghèo có cuộc sống ổn định được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm. Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt sự nỗ lực phấn đấu của mỗi ĐVTN, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động trợ lực cho ĐVTN phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát huy tính sáng tạo, khẳng định bản lĩnh, sức trẻ trên mọi lĩnh vực.
Với quan điểm các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo được triển khai cụ thể, rõ việc, đúng người, ưu tiên thanh niên dân tộc thiểu số, đảm bảo tính bền vững, Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo các cấp bộ đoàn chủ động nắm bắt tình hình thực tế các hộ gia đình thanh niên nghèo; khảo sát nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên. Từ nhu cầu thực tiễn, nhiều giải pháp, chương trình thiết thực được xây dựng, triển khai tới các cơ sở đoàn, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia như: phối hợp Trung tâm Dạy nghề Thanh niên tổ chức dạy nghề, tư vấn xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho ĐVTN, bộ đội xuất ngũ trở về địa phương; xây dựng tổ, nhóm góp vốn, góp công lao động, hỗ trợ sinh kế phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; hướng dẫn các hộ có đủ điều kiện làm thủ tục vay vốn…
Hiệu quả bước đầu
Từ những trợ lực của tổ chức đoàn và tinh thần vươn lên vượt khó, nhiều ĐVTN nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Những mô hình kinh tế được đầu tư mở rộng về quy mô sản xuất thu hút lao động tham gia, tạo việc làm và tăng thu nhập cho ĐVTN. Tiêu biểu anh Nguyễn Văn Danh (thôn Hội Tường, xã Bình Lâm, Hiệp Đức). Năm 2017, anh Danh được tổ chức đoàn hỗ trợ 1 con bò giống, 1 vườn cây ăn quả và hướng dẫn kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Đoàn xã cũng giới thiệu vợ anh Danh vào làm việc tại Công ty May Quế Thọ. Với sự hỗ trợ đó, gia đình anh đã thoát nghèo có cuộc sống ổn định, xây dựng được ngôi nhà khang trang. Hiện nay anh đang mở rộng thêm quy mô trồng cây keo, chăn nuôi bò.
Trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Vũ (xã Duy Hải, Duy Xuyên) cũng là một ví dụ tiêu biểu. Cuối năm 2016 vợ anh lâm bệnh nên mọi gánh nặng mưu sinh từ tiền thuốc cho vợ đến tiền ăn học 3 con thơ đều do mình anh gánh vác. Lúc này, Đoàn thanh niên địa phương đã chủ động nắm bắt, tìm hiểu hoàn cảnh, đồng thời hỗ trợ kinh phí trao tặng anh máy làm cơ khí. Đến nay anh đã mở rộng sản xuất, nhận thêm công trình bên ngoài và giải quyết việc làm cho 4 nhân công với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng...
Theo báo cáo của Tỉnh đoàn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì được hơn 320 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; có 459 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý tại các xã, phường, thị trấn. Tổng số dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay gần 550 triệu đồng, giải quyết cho 15.926 hộ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh cho biết, thời gian tới, để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế, vật chất, kỹ thuật để giúp ĐVTN. Đồng thời biểu dương, khen thưởng những mô hình điển hình tiên tiến; khuyến khích và tạo điều kiện để ĐVTN đi xuất khẩu lao động; vận động ĐVTN chủ động tự tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.