GMS với nền nông nghiệp “xanh”

Nam Việt 09/04/2013 08:56

Tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) vừa diễn ra Hội nghị hợp tác các nước Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông (GMS-Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc) trong lĩnh vực phát triển nền nông nghiệp “xanh”.

Tham dự hội nghị có hơn 130 quan chức cấp cao ngành nông nghiệp, môi trường, du lịch… đến từ các thành viên GMS cùng các tổ chức phát triển trong khu vực. Nông nghiệp hiện vẫn là thế mạnh và cũng là ngành kinh tế trọng điểm của các thành viên GMS, trực tiếp là sinh kế của khoảng 200 triệu người trong khu vực, đóng góp khoảng 22,6% GDP của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, GMS thừa nhận sản xuất nông nghiệp đang phải chịu áp lực do ô nhiễm môi trường đất, nước và chất lượng nông sản bị suy giảm do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, tùy tiện xả chất thải. Ngược lại, nông nghiệp cũng đang chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, các thành viên GMS cần phải giải quyết hàng loạt mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt, lâu dài và đặt trong tổng thể, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường.

GMS chú trọng phát triển nông nghiệp “xanh”.                     Ảnh nguồn: Education news
GMS chú trọng phát triển nông nghiệp “xanh”. Ảnh nguồn: Education news

Tại hội nghị, ông Javed Mir, Giám đốc phòng Môi trường - nguồn lực tự nhiên - nông nghiệp chi nhánh Đông Nam Á của Ngân hàng châu Á khẳng định, từ khi 6 thành viên chung dòng Mê Kông thiết lập chương trình hợp tác kinh tế vào năm 1992, tăng trưởng GDP trong tiểu vùng đã đạt mức bình quân 8% một năm, trong khi thu nhập thực tính trên đầu người từ năm 1993 đến nay đã tăng trên 3 lần. Tuy nhiên, để duy trì nền nông nghiệp bền vững cần đảm bảo yếu tố môi trường. Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, các đoàn đại biểu đã thảo luận nhiều cơ hội hợp tác giữa nhóm làm việc vì môi trường và nhóm làm việc vì nông nghiệp theo Chương trình hợp tác Kinh tế GMS với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á. Qua đó, nhằm giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay trong chính sách phát triển bền vững nền nông nghiệp như khan hiếm đất sản xuất, tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, an ninh nguồn lương thực trong khối… Cuối năm 2012, cả 2 nhóm làm việc này đã bắt đầu khởi động giai đoạn hai nhằm hỗ trợ 14 triệu USD cho Chương trình hỗ trợ Nông nghiệp cốt lõi và Chương trình Môi trường cốt lõi. Cũng từ năm 1992, GMS đã đầu tư 15 triệu USD cho các dự phát phát triển đường bộ nội vùng, sân bay, đường sắt, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phòng ngừa dịch bênh…

Sau một ngày làm việc, các đại biểu tham quan các dự án, các mô hình phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường tại tỉnh Xiêng Khoảng. Đây cũng là một trong những tỉnh phát triển theo mô hình “xanh” trên đất nước Lào.

Trước đó, Hội thảo khoa học và công nghệ quốc tế chuyên đề môi trường và phát triển bền vững lưu vực sông Mê kông 2013 đã được tổ chức tại TP.Hồ Chính Minh. Điều này sẽ tạo lập cơ sở khoa học để chính phủ các nước ra quyết định; gợi mở các nghiên cứu phát triển cho các nhà khoa học, các nhà quản lý nước và các chuyên gia kinh tế, hành chính, các cơ quan quốc tế và các tổ chức tư nhân hoạt động trong khu vực sông Mekong.

Nam Việt (theo Laonews)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
GMS với nền nông nghiệp “xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO