Núi Thành bắt buộc phải sử dụng biện pháp mạnh cưỡng chế hộ còn chây ỳ, chưa chịu bàn giao mặt bằng đoạn qua địa bàn huyện, để triển khai xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
|
Lực lượng Ban cưỡng chế địa phương tiến hành tháo dỡ nhà ông Lê Văn Mận. Ảnh: C.TÚ |
Sáng một ngày cuối tháng 8, có khá đông người đổ về thôn Đa Phú 2 (xã Tam Mỹ Đông). Họ chính là các thành viên thuộc Ban thực hiện cưỡng chế huyện Núi Thành và xã Tam Mỹ Đông, triển khai nhiệm vụ cưỡng chế tháo dỡ nhà ở, thu hồi đất của hộ ông Lê Văn Mận. Không hề tỏ sự chống đối khi những người thực thi công vụ tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc và chặt dọn cây cối, song ông Mận tiếp tục không đồng thuận nhận tiền. Sau hơn một buổi khẩn trương thực hiện, Ban thực hiện cưỡng chế đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, thu hồi diện tích hơn 718m2 đất giao cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, còn gia đình ông Mận tự nhận tài sản. Theo lãnh đạo địa phương, sự vụ kéo dài rồi dẫn tới kết cục như trên là điều chẳng đặng đừng. Những người có trách nhiệm đã áp dụng mọi cơ chế quy định, kể cả các hội đoàn thể nhiều lần vận động, đối thoại và giải thích, vậy mà hộ ông Lê Văn Mận tiếp tục yêu sách đòi hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng 162 triệu đồng chứ không phải 124,5 triệu đồng. Trong khi đòi hỏi ấy là phi thực tế, vì đây thuộc trường hợp không đảm bảo điều kiện áp dụng khung giá trên. Cận sân nhà ông Mận, từ đường tộc Lê Văn đã được cháu con di dời tự bao giờ. Vài ngày trước thời hạn cưỡng chế có hiệu lực, đại diện gia tộc Lê Văn có vào vận động nhưng vẫn không lay chuyển được ông Lê Văn Mận.
Tập trung làm đường cao tốc đúng tiến độ Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau khi kiểm tra tiến độ các dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các nhà thầu phải tập trung làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng và an toàn. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26m, xây dựng 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, 1 hầm đường bộ dài 540m và nhiều hạng mục khác. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối vận chuyển quốc tế qua hành lang Đông Tây, có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Trung nói riêng và đất nước nói chung, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2017. Do đó, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tập trung hoàn thành phần còn lại công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện chính sách bồi thường hợp lý cho người dân; bảo đảm người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn; tạo điều kiện cho các hộ tái định cư có nhà ở và việc làm để ổn định đời sống, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. T.S (theo chinhphu.vn) |
Trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Núi Thành - Trương Văn Trung cho hay, đối với những trường hợp chây ỳ như hộ ông Lê Văn Mận, địa phương buộc phải áp dụng biện pháp mạnh. Cho dù có tốn kém về tài chính, tiêu tốn thời giờ và gặp nhiều phiền toái ngoài “kịch bản”, huyện bắt buộc phải thi hành. Núi Thành đang nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm gỡ ách tắc mặt bằng còn lại của đường cao tốc. Địa điểm nào người dân cản trở nhà thầu làm việc (ảnh hưởng đất nông nghiệp ở xã Tam Xuân 1, nằm ngoài vạch hoặc trúng cống chui phát sinh), địa phương tổ chức đối thoại mà cứ ách tắc thì sẽ tổ chức bảo vệ thi công. Theo báo cáo của chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Núi Thành, đến thời điểm này, nhiều xã trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Vướng mắc chủ yếu nằm tại các xã Tam Mỹ Tây và Tam Mỹ Đông, điển hình là nhiều trường hợp đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, hoặc chưa chịu nhận tiền. Theo thống kê, đến cuối tháng 8, xã Tam Mỹ Tây có 19 hộ và xã Tam Mỹ Đông có 24 hộ nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Phó Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Núi Thành - Phan Châu Hoàng cho biết, hầu hết những hộ vừa nêu đang làm nhà tại các khu giao đất thô, một số trường hợp mới nhận tiền đang chuẩn bị làm nhà. Họ thống nhất tháo dỡ trước công trình phụ, chặt hạ cây cối và phần đất vườn (trừ phần nhà chính) để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án.
Lãnh đạo chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Núi Thành khẳng định, những trường hợp đã, đang làm nhà thì đơn vị sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện và UBND các xã tập trung vận động các hộ khẩn trương bàn giao mặt bằng; trong đó ưu tiên những vị trí thi công đường chính. Ngoài các hộ kể trên, xã Tam Mỹ Tây hiện tồn tại 5 trường hợp chưa nhận hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng. Để khai thông từng điểm vướng cụ thể, huyện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và ban hành quyết định cưỡng chế hộ ông Phạm Hồng Quang. Còn tại xã Tam Mỹ Đông đang gặp ách tắc 6 trường hợp ven tuyến ĐH7.NT, thuộc địa bàn thôn Phú Quý 3. Dù trước đó 7 hộ nằm cạnh đã đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng, song 6 trường hợp này cho rằng mức hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng của UBND tỉnh còn thấp so với giá thực tế khi họ giao dịch mua bán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, các hộ không chứng minh được giấy tờ mua - bán, giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Người có trách nhiệm đã nhiều lần giải thích, vận động nhưng 6 trường hợp trên vẫn không chấp hành nhận tiền và không bàn giao mặt bằng. Theo ông Trương Văn Trung, huyện Núi Thành đang củng cố hồ sơ, hoàn thiện mọi thủ tục để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đúng quy định. Được biết, biện pháp mạnh đầu tiên sẽ áp dụng đối với trường hợp ông Nguyễn Tấn Hữu (mua lại đất của Trần Văn Chung và Châu Thị Ngọc) và ông Châu Ngọc Ba (mua lại đất của Phạm Bé và Phan Thị Ngọc).
CÔNG TÚ