"Gỡ bí" cho du lịch phía nam

PHẠM QUỐC 18/09/2022 08:18

Liên kết du lịch giữa ba địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh đã được khởi động từ lâu nhưng đến nay vẫn không mấy khả quan. Và các địa phương lại nhen nhóm hy vọng về sự chuyển động thông qua lần “bắt tay” mới nhất.

Khu vực phía nam có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú nhưng chưa có cách làm, sản phẩm bài bản để thu hút khách du lịch. Ảnh: Q.T
Khu vực phía nam có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú nhưng chưa có cách làm, sản phẩm bài bản để thu hút khách du lịch. Ảnh: Q.T

Rào cản nằm ở đâu?

Từ khi ngành du lịch mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, ngoài vài sự kiện thường niên thu hút được kha khá du khách như lễ hội “Tam Kỳ - mùa hoa sưa”, ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch Núi Thành… thì du lịch 3 địa phương phía nam của tỉnh hầu như không có chuyển động gì mới.

Ngày 12.9, UBND TP. Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh ký kết kế hoạch liên tịch phát triển du lịch năm 2022. Kinh phí dự kiến triển khai chương trình khoảng 1,87 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho việc mời đơn vị tư vấn hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch 3 địa phương khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nhìn nhận, giữa 3 địa phương có một số chuỗi sản phẩm về văn hóa - lịch sử, thiên nhiên chuyển tiếp rất độc đáo nhưng không thể liên kết, khai thác được.

Đơn cử như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ) - nhà thờ cụ Phan Châu Trinh (Phú Ninh) - nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (Núi Thành)…

Tại 3 địa phương trên sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch. Về yếu tố hạ tầng chung cũng không quá bất lợi. Chỉ có yếu tố hạ tầng phát triển du lịch tại điểm đến thì còn sơ sài.

Những khu lưu trú cao cấp như TUI Blue Nam Hoi An (huyện Núi Thành) đi vào hoạt động là điều kiện tốt để níu chân khách du lịch ở lại lâu hơn với khu vực phía nam. Ảnh: Q.T
Những khu lưu trú cao cấp như TUI Blue Nam Hoi An (huyện Núi Thành) đi vào hoạt động là điều kiện tốt để níu chân khách du lịch ở lại lâu hơn với khu vực phía nam. Ảnh: Q.T

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, rào cản lớn khiến du lịch khu vực này không phát triển được chính là cách làm và con người để làm.

“Ở khu vực này hầu như thiếu vắng chủ thể tham gia biến tài nguyên du lịch thành sản phẩm hay nói cách khác là kết nối giữa người mua với đơn vị du lịch hầu như không có.

Khi xúc tiến thì chúng ta chỉ quảng bá tiềm năng lợi thế chung chung chứ không có sản phẩm cụ thể. Doanh nghiệp lữ hành dẫn dắt cũng không có. Sở tham gia rất nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến, tổ chức đào tạo du lịch nhưng hầu như không có doanh nghiệp khu vực phía nam tham gia, đi cùng” - ông Sơn nói.

Một nguyên nhân khác đã được phía doanh nghiệp đề cập nhiều mà nếu tháo gỡ sẽ tạo ra đột phá cho du lịch 3 địa phương chính là kết nối du lịch đường hàng không và đường biển. Dù vậy, nhìn vào dự thảo quy hoạch của đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì có thể thấy trong ngắn hạn rất khó lòng để sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế cũng như cảng Kỳ Hà được phép đón tàu biển du lịch.

Cần cụ thể hóa sản phẩm

Ông Văn Bá Sơn nói, thời gian qua khách sự kiện - hội nghị ở Tam Kỳ rất nhiều nhưng chưa có sản phẩm để giới thiệu. Tháng 10 tới đây, Quảng Nam cũng đăng cai diễn đàn du lịch Mê Kông 2022 và Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh cần khẩn trương có tour tuyến cụ thể để giới thiệu với hàng trăm đại biểu quốc tế.

Chúng ta cần tạo một “hub” (hệ sinh thái du lịch), trong đó lấy Tam Kỳ làm trung tâm và trong bán kính khoảng 15km khi khách tỏa đi là có thể thưởng lãm các sản phẩm đặc sắc.

Khu vực phía nam của tỉnh hầu như không có sự kết nối giữa người mua với đơn vị du lịch. Ảnh: Q.T
Khu vực phía nam của tỉnh hầu như không có sự kết nối giữa người mua với đơn vị du lịch. Ảnh: Q.T

Khi hạ tầng sân bay, cảng biển giúp du khách tiếp cận khu vực vẫn ở trạng thái chờ, tại chương trình ký kết diễn ra hồi đầu tuần qua, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất phải có mục tiêu cụ thể, vừa sức có thể hiện thực hóa được ngay trong năm 2022 để làm đòn bẩy tạo ra sinh khí mới cho du lịch vùng.

Nhiệm vụ được đề ra ngay trong những tháng còn lại của năm là phải xây dựng video clip quảng bá chung 3 địa phương, xây dựng bản đồ và cẩm nang du lịch chung, xây dựng tour tuyến kết nối 3 địa phương để giới thiệu với du khách.

Theo đại diện Viện Phát triển công nghệ xanh - đơn vị tư vấn cho du lịch 3 địa phương, với những nguồn lực hiện tại để liên kết phát triển chuỗi chương trình tham quan đa dạng cho du khách ở khu vực này thì rất khó tạo đột phá để thu hút du khách.

Thu hút khách giáo dục - trải nghiệm có thể là một hướng đi khả thi bởi loại hình khách này có tính lặp lại, nối tiếp. Việc khai thác, xây dựng chương trình giáo dục - trải nghiệm cũng tạo ra tính bền vững cho du lịch 3 địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP TMDV Tâm Group cho biết: “Loại hình khách giáo dục trải nghiệm rất triển vọng và khá tương thích với nguồn tài nguyên du lịch khu vực phía nam. Về phía đơn vị, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phát triển tour trải nghiệm gắn với học tập, dã ngoại và cố gắng đẩy nhanh tiến độ làm việc với phía Tam Kỳ để đưa vào khai thác ngay trong năm nay”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Gỡ bí" cho du lịch phía nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO