Gỗ đấu giá… mất giá

BÍCH HẠNH 06/02/2015 10:05

Mỗi năm, Quảng Nam tịch thu hàng nghìn mét khối gỗ lậu, thu vào ngân sách hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, khi gỗ chờ đến ngày mở bán đấu giá công khai thì đã giảm chất lượng và giá trị kinh tế; thậm chí do phơi mưa nắng tháng này qua tháng nọ nên nhiều khúc gỗ đã thành đống củi mục, gây lãng phí lớn tiền của. Đến các hạt kiểm lâm hay trạm kiểm soát lâm sản nào ở các huyện miền núi trong tỉnh, lúc nào cũng thấy đống gỗ quý ngổn ngang ngoài trời.

Gỗ tịch thu về đến ngày đem đấu giá đã giảm rõ về chất lượng và giá trị. TRONG ẢNH: Gỗ trái phép tịch thu đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn.
Gỗ tịch thu về đến ngày đem đấu giá đã giảm rõ về chất lượng và giá trị. TRONG ẢNH: Gỗ trái phép tịch thu đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn.

Ở cấp huyện, hội đồng xử lý gỗ tịch thu được thành lập gồm nhiều ngành chuyên môn, trong đó phòng tài chính huyện sẽ thẩm định giá. Thông thường, hội đồng xử lý gỗ tịch thu địa phương chờ gỗ tập kết về với khối lượng lớn mới giải quyết bán đấu giá một lần, trong khi gần như ngày nào các ngành chức năng cũng tịch thu gỗ lậu. Hạt trưởng hạt kiểm lâm một huyện miền núi nói: “Từ khi tịch thu đến lúc bán đấu giá mất tối thiểu hơn 1 tháng. Đó là chưa kể những vụ cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc kéo dài, khiến gỗ hư mục theo thời gian. Gỗ thuộc nhóm 6, 7 nếu không bảo quản tốt, để ngoài trời một thời gian ngắn giá trị chỉ còn tương đương với… củi”.

Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp… là nguyên nhân gây chậm tiêu thụ gỗ tịch thu. Trường hợp gỗ tịch thu vô chủ, kiểm lâm lập biên bản, ra quyết định tạm giữ gỗ vắng chủ, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày. Trên thực tế, hiếm thấy trường hợp chủ sở hữu vi phạm nào đến ký vào biên bản xử phạt hành chính, bởi lẽ nếu người vi phạm đến nhận thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị tịch thu toàn bộ số gỗ đã khai thác hoặc mua bán trái phép. Cho nên sau thời gian thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chất lượng gỗ giảm sút. Bất cập nữa, rất nhiều trường hợp tổ chức bán đấu giá tang vật gỗ thì số tiền bán ra không đủ trả chi phí cho quá trình lập biên bản đến khi ra quyết định tịch thu và tổ chức bán đấu giá như tiền thuê người giữ tang vật, tiền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, tiền xác minh, phí định giá tài sản… Từ trước đến nay, nhiều người có nhu cầu mua nhưng rất khó có cơ hội trúng gỗ đấu giá, bởi lâm tặc thường chấp nhận mua giá cao, đem về trộn lẫn với gỗ trái phép để dễ qua mắt cơ quan chức năng. Có nhiều trường hợp kiểm lâm không dám đưa gỗ trái phép về bán đấu giá do tiền bán ra còn thấp hơn chi phí vận chuyển, thuê nhân công bảo quản…

 BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỗ đấu giá… mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO