Ngành GD-ĐT đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, từ định biên giáo viên, định mức học sinh đến phân bổ nguồn kinh phí…, cần sớm được tháo gỡ để phát triển.
Loay hoay định mức học sinh, giáo viên
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho biết, giáo dục Quảng Nam tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực, trong đó mới nhất là thành tích xuất sắc tại kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia (đạt 42 giải), cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia (đạt 2 giải, trong đó có 1 giải Nhất).
Thời gian đến, toàn ngành tập trung hoàn thành các nhiệm vụ năm học; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và các kỳ thi cấp tỉnh, tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đề án nâng cấp, chuẩn hóa trường THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030... Tuy nhiên, ngành GD-ĐT đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức bình quân HS/lớp, định biên giáo viên (GV), nhân viên.
Tại buổi làm việc mới đây với ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị Sở GD-ĐT và các sở, ngành chức năng tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển cơ sở vật chất, kinh phí, đội ngũ.
Trong đó, Sở GD-ĐT báo cáo cụ thể đề xuất định mức HS/lớp theo Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh; Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh xin Trung ương về tăng biên chế GV, khẩn trương tham mưu chính sách thu hút GV, nhất là GV công tác miền núi; Sở Tài chính tham mưu phân bổ kinh phí theo quy định.
Ông Thái Viết Tường cho biết, hiện nay có sự không thống nhất về định mức bình quân HS/lớp giữa Nghị quyết 36 (8/12/2021) của HĐND tỉnh (về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022) và Quyết định 2428 (4/9/2020) của UBND tỉnh (phê duyệt đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với bố trí đội ngũ ngành GD-ĐT đến năm học 2024 - 2025).
Hơn nữa, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nên biên chế HS/lớp phải linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị trường học.
“Đối với các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố, ở những khối lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì định mức bình quân tiểu học nên là 25 HS/lớp, THCS và THPT là 35 HS/lớp, thấp hơn 3 HS/lớp so với Quyết định 2428” - ông Tường nói.
Vấn đề định biên GV, nhân viên, ngành cũng đang gặp nhiều lúng túng. Sở GD-ĐT cho biết, đang thực hiện phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc theo chỉ tiêu biên chế viên chức quản lý, GV/lớp theo Quyết định 2428.
Tỷ lệ này thấp hơn so với Thông tư số 06, ngày 16/3/2015 của liên Bộ GD-ĐT - Nội vụ (quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập) và Thông tư 16, ngày 12/7/2017 của Bộ GD-ĐT (hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập).
Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Bắc Trà My thông tin, chương trình giáo dục phổ thông mới không cho lớp ghép dù chỉ 10 HS, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh lại tồn tại nhiều lớp ghép mà lý do liên quan đến biên chế.
Ông Tường cho rằng, cần giao biên chế GV và giao ngân sách hằng năm cho các trường học trực thuộc sở theo Nghị quyết 36; đồng thời trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giao biên chế GV, nhân viên theo Thông tư 06 và 16.
Cần sớm tháo gỡ
Bên cạnh 2 nội dung nêu trên, Sở GD-ĐT còn gặp vướng mắc cần sớm tháo gỡ ở một số vấn đề liên quan đến phân bổ kinh phí tiền lương GV thừa, kinh phí chi hoạt động các trường THPT, tổ chức tập huấn các mô đun dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới…
Theo Sở GD-ĐT, hàng năm đều rà soát và xây dựng kế hoạch điều động để đảm bảo cân đối tỷ lệ GV/lớp giữa các trường THPT. Tuy nhiên, có thực tế việc thừa - thiếu cục bộ giữa các trường học khu vực đồng bằng và miền núi nhưng vẫn ở trong định biên cho phép của toàn ngành. Do đó, kiến nghị phân bổ kinh phí tiền lương GV thừa theo thực tế tại các trường học.
Liên quan đến vấn đề kinh phí chi không thường xuyên phân bổ cho các đơn vị trường THPT, theo Sở GD-ĐT, chưa đảm bảo tỷ lệ chi cho con người 82% và chi hoạt động 18%.
Ông Tường giải thích, do phải chi không thường xuyên tại Sở GD-ĐT để thực hiện những nhiệm vụ chung toàn ngành nên nguồn chi phân bổ cho các trường THPT còn lại rất thấp. Vì vậy, nên bố trí dự toán kinh phí chi không thường xuyên tại sở để thực hiện những nhiệm vụ chung toàn ngành tách riêng với nguồn phân bổ chi thường xuyên cho các trường.