Gỡ điểm nghẽn công tác khai quật khảo cổ

XUÂN HIỀN 09/10/2022 09:09

Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Nam dự kiến sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X. Nếu được thông qua, đây được xem như một cú hích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh.

Nâng mức chi cho công tác khai quật khảo cổ là hoàn toàn phù hợp với hiện nay. Ảnh: BTQN
Nâng mức chi cho công tác khai quật khảo cổ là hoàn toàn phù hợp với hiện nay. Ảnh: BTQN

Nhiều trở ngại

Thông tin từ Viện Khảo cổ, nếu năm 1993, các nhà khảo cổ thuộc viện này thống kê toàn quốc có khoảng trên dưới 100 di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ kim khí. Chưa đầy 10 năm sau, con số này đã nhảy vọt lên tới 917 di tích, phân bố ở 50 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm tiếp theo, các nhà khảo cổ học điều tra và ước đoán, có đến 90% số lượng di tích khảo cổ thời kỳ kim khí được thống kê đã bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều di tích chỉ còn trên giấy.

Đối tượng thực hiện Nghị quyết là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khảo cổ. Mức chi cụ thể cho từng nội dung như: thù lao cho cán bộ khoa học, kỹ thuật; thù lao đối với chuyên gia tư vấn khoa học; thuê khoán nhân công đào, thăm dò, khai quật khảo cổ; viết báo cáo; lập hồ sơ khoa học… đều bằng từ 80% trở lên so với mức kinh phí quy định tại Thông tư số 67. Việc áp dụng mức chi của Thông tư số 67 theo nhìn nhận của nhiều người là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, cũng như đáp ứng được tính linh hoạt, yếu tố đặc thù của công tác này.

PGS-TS. Bùi Chí Hoàng cho rằng, hoạt động khảo cổ học ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế bởi thiếu kinh phí cho các hoạt động khảo sát, chỉnh lý, phân tích mẫu, mua sắm thiết bị hiện đại.

Theo ông, nguyên nhân chính là khảo cổ học chưa được xác định rõ tính đặc thù nên việc phân bổ kinh phí dàn đều, cào bằng. Do vậy, không có kinh phí để làm khoa học một cách bài bản, thiếu quy chuẩn về trang thiết bị hiện đại, đơn giá cho hoạt động khảo cổ học chưa phù hợp với thực tế về cả phía chuyên gia lẫn nhân công…

Theo PGS-TS. Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, trong quá trình thực hiện công tác khảo cổ học, nhiều bất cập liên quan khác cũng phát sinh như việc bảo vệ, bảo tồn di tích và di vật sau khai quật.

Hiện nay, lấp hố bảo tồn là biện pháp được sử dụng phổ biến do hầu như tất cả di tích khảo cổ học không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên các hố khai quật đều được đóng lại.

Hạn chế lớn của việc lấp hố bảo tồn là không có điều kiện trưng bày, quảng bá giá trị di tích, nhưng ưu điểm là sẽ bảo tồn nguyên vẹn được di tích dưới lòng đất để nó không bị hư hại, biến dạng bởi tác động của môi trường và con người.

Ngay tại Quảng Nam, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, Quảng Nam đã có đề án khai quật khảo cổ Phật viện Đồng Dương, nhưng do không có cơ chế nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, hoạt động khảo cổ học không phải là hoạt động diễn ra thường xuyên, quy mô, thời gian thực hiện các dự án khảo cổ cũng không cố định, do vậy việc dự toán tổng mức kinh phí hàng năm cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ rất khó khăn.

Nâng mức chi công tác khảo cổ

Chưa có con số cụ thể về tổng số địa điểm khảo cổ và khu vực có dấu hiệu di tích khảo cổ tại Quảng Nam, nhưng có thể thấy, di sản trong lòng đất của Quảng Nam khá phong phú, đa dạng. Từ các cuộc khai quật về di chỉ Bàu Dũ, Triền Tranh, các phế tích Chămpa ở kinh đô Trà Kiệu... đều cho thấy mức độ “giàu có” về di chỉ khảo cổ của Quảng Nam.

 

Tuy nhiên, vẫn như tình trạng khó khăn trên bình diện cả nước, công tác khai quật khảo cổ tại Quảng Nam vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Trong đó, theo khảo sát của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 25 phế tích Chăm phân bố chủ yếu ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành.

Nhiều nhất là huyện Duy Xuyên với 5 phế tích. Bên cạnh một số phế tích đã được lập hồ sơ xếp hạng bảo vệ, vẫn còn nhiều phế tích có giá trị khảo cổ đang có nguy cơ bị mất dấu.

Lâu nay, việc chi kinh phí cho các nội dung cụ thể của hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 104 năm 2007 của Bộ Tài chính - Bộ VH-TT&DL.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mức chi theo Thông tư 104 ở thời điểm hiện tại là quá thấp. Đơn cử: việc chi thù lao cho cán bộ khoa học, kỹ thuật chỉ từ 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/ngày; đối với chuyên gia tư vấn khoa học chỉ từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/ngày; thuê khoán nhân công đào, khai quật khảo cổ chỉ 70 nghìn đồng/ngày… Mức chi này đã không còn phù hợp với thực tế.

Chính vì vậy, tháng 9.2019, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 67 quy định nội dung, mức chi cho hoạt động khảo cổ. Điểm mới quan trọng của thông tư là nâng mức chi tối đa các nội dung khảo cổ từ 50% lên đến 350% so với quy định tại Thông tư 104.

Căn cứ phạm vi này, các địa phương sẽ tự quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đảm bảo theo quy định pháp luật.

Sau 3 năm Thông tư 67 có hiệu lực, đến thời điểm này Quảng Nam mới đưa ra nghị quyết là khá chậm, theo nhìn nhận của bà Trần Thị Bích Thu. “Lẽ ra sau khi Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 67 năm 2019 quy định về mức chi khai quật khảo cổ thì Quảng Nam phải có ngay nghị quyết liên quan. Vì địa bàn Quảng Nam hiện nay có rất nhiều điểm khảo cổ cũng như địa điểm có dấu hiệu của di tích khảo cổ các giai đoạn” - bà Trần Thị Bích Thu nói.

Dự kiến kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh trình dự thảo Nghị quyết về quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất nâng thêm mức chi cho các công việc đặc thù bằng tối đa mức Thông tư 67 quy định được đưa ra trước tình trạng khó khăn khi thực hiện công tác khai quật khảo cổ.

Sớm có mức chi mới cho công tác khảo cổ khai quật sẽ góp phần tạo điều kiện đánh thức những vốn liếng dày dặn đang ngủ yên trong lòng đất. Từ đây sẽ phác thảo nên diện mạo của xứ đất này từ những ngày xa xưa nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ điểm nghẽn công tác khai quật khảo cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO