Chính quyền - đoàn thể

Gỡ khó cho Đông Giang

ALĂNG NGƯỚC 04/03/2024 13:32

Từ những khó khăn đặc thù trong triển khai thực hiện cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư, công tác cán bộ, hạ tầng giao thông và các công trình trọng yếu…, huyện Đông Giang kiến nghị nhiều vấn đề kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

977a1040.jpg
Đông Giang kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nhằm tạo đà phát triển miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều khó khăn

Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, năm 2023, địa phương nỗ lực hoàn thành rất nhiều chỉ tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn chung hiện nay.

Ngoài thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.392 tỷ đồng, Đông Giang đạt bình quân 10,8 tiêu chí/xã về nông thôn mới (NTM), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 37,46%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,1 triệu đồng/người/năm…

Tuy nhiên, Đông Giang đang gặp khó trong việc triển khai cơ chế chính sách, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với tổng vốn giải ngân đến cuối tháng 1/2024 đạt 52,58% (tương đương hơn 178.078 tỷ đồng/338.678 tỷ đồng).

Một trong số vướng mắc được đề cập, bên cạnh văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh thiếu tính thống nhất, chưa sát thực tế và sửa đổi nhiều lần dẫn đến chậm trễ quá trình triển khai, việc phân bổ vốn cho 3 chương trình nêu trên còn chậm so với yêu cầu.

Trong khi đó, nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG không được phân bổ cả giai đoạn 2021 - 2025 mà giao từng năm ngân sách, mức giao không ổn định.

Điều này khiến địa phương không chủ động tham mưu đề xuất kế hoạch thực hiện các nội dung theo giai đoạn 2021 - 2025 mà phải trình các cấp theo từng năm, dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân không đảm bảo.

Nhiều dự án, nội dung các chương trình MTQG có sự trùng lắp, chưa sát với yêu cầu thực tế dẫn đến vốn giao nhiều nhưng không thể thực hiện...

977a2250.jpg
Thời gian tới, Đông Giang tập trung phát triển vùng dược liệu tại chỗ, đáp ứng theo định hướng chung của tỉnh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, ông Tài kiến nghị sớm có văn bản điều chỉnh, hướng dẫn tháo gỡ các nội dung khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2022 - 2023.

Đồng thời, xem xét kiện toàn bộ máy giúp việc các chương trình MTQG cấp huyện đối với các huyện miền núi theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp và có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ làm công tác theo dõi các chương trình MTQG các cấp cơ sở từ huyện đến thôn.

“Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm nâng mức hỗ trợ hàng năm đối với các xã duy trì đạt chuẩn NTM, xã phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; nâng mức nguồn vốn hỗ trợ các thôn xây dựng NTM kiểu mẫu ở các huyện miền núi từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng; hỗ trợ bổ sung kinh phí làm nhà ở (14 triệu đồng/nhà đối với làm mới và 7 triệu đồng/nhà đối với sửa chữa) cho các đối tượng hưởng lợi từ chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - ông Tài kiến nghị.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, định hướng của tỉnh tại Quy hoạch 72 là tập trung phát triển công nghiệp dược liệu, trở thành địa phương trung tâm lớn. Điều này rất phù hợp với đặc thù các huyện miền núi, trong đó có Đông Giang.

Thời gian tới cần sớm quy hoạch các vùng trồng dược liệu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào địa phương.

Đẩy mạnh sản phẩm OCOP gắn với kinh tế tập thể, đặc biệt kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Tập trung gỡ khó

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh mới đây, lãnh đạo huyện Đông Giang chia sẻ rất nhiều nội dung liên quan đến hiện trạng quốc lộ (QL) 14G, các tuyến đường nội thị, giao thông liên xã và kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp giúp quá trình lưu thông được thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương miền núi.

Ngoài ra, sớm phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Prao giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030 theo Quyết định số 4616 của UBND tỉnh; sớm thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán điều chỉnh dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; cho phép huyện tận thu tại chỗ nguyên liệu cát, đá xây dựng để phục vụ các công trình, dự án cấp thiết...

977a1096.jpg
Đông Giang tập trung phát triển nông - lâm nghiệp, chú trọng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong định hướng, Đông Giang cần tiếp tục phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp.

Trong đó, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng mở rộng kinh tế vườn kết hợp kinh tế trang trại và dược liệu, tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng.

Các nhóm kinh tế này cần được thực hiện theo hướng liên kết, quy hoạch và đầu tư bài bản, tạo chuỗi giá trị cung ứng, đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn của miền núi. Ngoài ra, tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn, trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, so với mặt bằng chung của tỉnh, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đông Giang vẫn còn thấp, việc giải ngân các nguồn vốn chương trình MTQG gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để giải quyết những khó khăn này, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Đông Giang bám sát và cụ thể hóa các nội dung theo Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy về phát triển vùng Tây.

Trên cơ sở phát huy nội lực, Đông Giang cần gắn sự hỗ trợ của tỉnh với đặc thù, khả năng nguồn lực hiện có của địa phương; đồng thời rà soát các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi để tranh thủ nguồn lực phù hợp, tạo động lực phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó cho Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO