Dịch bệnh khiến tôm nuôi chết hàng loạt trong vụ 1 này. Thực tế đó cho thấy rất nhiều hạn chế chưa được giải quyết trong nhiều năm qua của nghề nuôi tôm Quảng Nam.
Quá nhiều cái khó
Chưa đến kỳ thu hoạch nhưng thấy tôm thẻ chân trắng ngắc ngoải sau 2 tháng thả nuôi, ông Phan Đức Tiến (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) đành thu hoạch chạy… bệnh. Tôm thông thường có giá hơn 100 nghìn đồng/kg nhưng vì cỡ nhỏ và nhiễm bệnh nên ông Tiến chỉ bán được với giá gần 40 nghìn đồng/kg.
“Tính tổng cộng ở 3 ao nuôi tôi thu được gần 50 triệu đồng. Như vậy đã là may. Coi như hòa vốn, mình có tiền để tái đầu tư vụ nuôi sau” - ông Tiến nói.
Không “may mắn” như ông Tiến, dịch bệnh đốm trắng đã khiến cho tôm nuôi trên 1ha của ông Ngô Long Bình (thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành) chết hàng loạt sau 40 ngày thả nuôi. Chi phí đầu tư của ông Bình về tôm giống, thức ăn, công thuê người cải tạo ao nuôi, thuốc thú y, tiền điện... với khoảng 60 triệu đồng gần như mất trắng.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, điểm nghẽn lâu nay chưa được khơi thông của nghề nuôi tôm trên địa bàn là hạ tầng yếu kém. “Nghề nuôi tôm cần thủy lợi riêng chứ không thể dùng chung mãi với các ngành nông nghiệp khác.
Kênh cấp, kênh thoát nước, đường, điện cũng cần đầu tư kiện toàn. Người nuôi tôm cần thay đổi cách nuôi với quy trình kỹ thuật tiên tiến hơn, nên mua tôm giống có kiểm dịch, nhất là xử lý môi trường nước trong ao thật tốt để bảo vệ tôm nuôi” - ông Hiệp nói.
Một khó khăn khác, nhiều người đang lo lắng vì giá vật tư, thức ăn cho tôm tăng mạnh từ cuối năm 2022 đến nay. Trong khi đó, vốn đầu tư của hầu hết hộ nuôi còn hạn chế nên khó mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại để nuôi tôm.
Nói như một hộ nuôi tôm với diện tích khá lớn là ông Hồ Trung Tuấn (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình): “Chạy đôn chạy đáo khắp xã, huyện để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng thương mại. Cán bộ tín dụng bảo cần thẩm định kỹ mới có thể cho vay. Chờ mãi không được, hối thúc thì phía ngân hàng bảo thế chấp không đảm bảo nên thôi”.
Tìm cách tháo gỡ
Quảng Nam khuyến khích các hộ nuôi tôm góp sức, dồn điền đổi thửa để nuôi tôm theo hướng hàng hóa lớn. Nhiều năm qua, dù có chính sách và các hình thức hỗ trợ nhưng trên địa bàn tỉnh mô hình tổ hợp tác hay hợp tác xã nuôi tôm vẫn chưa phát triển. Các hộ nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết.
Mới đây, tại hội nghị tìm giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nuôi tôm nước lợ tiếp tục đối diện với nhiều mối nguy là xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, hạn hán, biến đổi môi trường, vật tư tăng giá…
Các tỉnh thành cần triển khai đề án, chương trình phát triển nuôi tôm bền vững theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Việc quan trọng nữa là tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời đưa ra khuyến cáo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm.
“Ưu tiên phát triển nghề nuôi tôm theo hướng nâng cao giá trị. Tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến phù hợp, hiệu quả. Chú trọng các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh” - ông Tiến nói.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương có nghề nuôi tôm kiểm soát tốt tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh; cảnh báo, vận động người dân nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người nuôi tôm biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Hỗ trợ người nuôi tôm áp dụng và được chứng nhận nuôi tôm VietGAP, GlobalGAP, ASC... để nâng cao giá trị.