Gỡ khó cho PPP

TRỊNH DŨNG 22/09/2017 08:15

UBND tỉnh đã đề xuất trung ương tổ chức một diễn đàn PPP (đầu tư theo đối tác công - tư) cấp địa phương vào tháng 9 này. Không riêng Quảng Nam, nhiều địa phương cũng đang gặp khó khăn vướng mắc về hình thức đầu tư PPP. Hy vọng sau diễn đàn đối thoại chính sách này, sẽ tìm được giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Âu thuyền, cảng cá Hồng Triều (Duy Xuyên) là một trong những dự án chấp thuận đầu tư theo hình thức PPP.
Âu thuyền, cảng cá Hồng Triều (Duy Xuyên) là một trong những dự án chấp thuận đầu tư theo hình thức PPP.

Lo ngại xung đột pháp lý

Danh mục đầu tư theo hình thức PPP năm 2017 trên địa bàn Quảng Nam gồm 31 dự án, đang triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Trong số này, 4 dự án đầu tư đã có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, 12 dự án khác đã được sự thống nhất của HĐND tỉnh với tổng vốn đầu tư dự kiến 2.870,5 tỷ đồng (nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 226,9 tỷ đồng và ngân sách địa phương 14 tỷ đồng) và 15 dự án khác đã được UBND tỉnh giao Sở Y tế chuẩn bị dự án đầu tư cho giai đoạn 2017 - 2020. Thống kê sơ bộ của Phòng Thẩm định dự án đầu tư thuộc Sở KH&ĐT cho thấy, hiện tại các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại Quảng Nam còn quá ít, chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu.

Trong một báo cáo về tiến độ chuẩn bị tổ chức diễn đàn đối thoại PPP cấp địa phương và tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP tại Quảng Nam, ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT nêu khá nhiều tồn tại về việc thực hiện lộ trình đầu tư này. Khó khăn đầu tiên được tính đến là nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư cho các dự án (của cả trung ương và địa phương) chưa được bố trí. Thiếu kinh phí, các cơ quan đề xuất dự án chưa có nguồn để thuê tư vấn thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc thẩm định các dự án chậm. Các văn bản góp ý thường không đáp ứng thời gian theo yêu cầu của đơn vị chủ trì thẩm định. Các ngành, địa phương thiếu quan tâm dẫn đến thiếu đầu tư nghiên cứu trong việc đề xuất danh mục dự án. Lo ngại nhất của cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư chính là các văn bản quy phạm pháp luật chỉ mới dừng lại ở tầm nghị định, chịu sự chi phối của nhiều luật chuyên ngành (từ bước chuẩn bị đến triển khai dự án đầu tư, vận hành, khai thác…), dẫn đến việc triển khai gặp rất nhiều xung đột về pháp lý. Không ít băn khoăn từ việc thanh toán cho Nhà nước đầu tư thực hiện các dự án BT bằng khu đất, quỹ đất để thực hiện các dự án khác, có được xem là vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án hay không? Hoặc quỹ đất của địa phương có hạn, nhưng các quy định của Chính phủ chưa có phương án thanh toán khác cho các dự án BT ngoài phương thức thanh toán bằng quỹ đất. Những khó khăn, vướng mắc này, địa phương không thể gỡ được. Đành phải chờ một khung pháp lý cho PPP đủ mạnh từ trung ương.

Cách tiếp cận khác cho PPP

Trung tuần tháng 9.2017, Công ty CP Bamboo Capital Group đã đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Đề xuất này chưa được UBND tỉnh chấp nhận. Nhưng việc xúc tiến của Bamboo Capital hay của không ít nhà đầu tư khác cho thấy, doanh nghiệp tư nhân đặt cược cơ hội đầu tư theo hình thức PPP vào Quảng Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều khó khăn. Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhu cầu đầu tư lớn, nhưng kế hoạch đầu tư trung hạn chủ yếu dành cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí vốn thanh toán nợ đọng, trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát dừng dự án, cắt giảm quy mô, giãn, hoãn tiến độ một số dự án chưa thật sự cần thiết, nhưng khả năng cân đối vẫn không bảo đảm. Cần thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án hạ tầng. Nhưng, hiện tại việc xác định các hình thức đầu tư PPP mơ hồ, chưa có cơ chế phân định rõ ràng giữa hình thức đầu tư PPP và xã hội hóa đầu tư, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi lựa chọn mô hình đầu tư. Vai trò nhà nước và tư nhân trong từng dự án, lĩnh vực cụ thể chưa rõ ràng. Nguồn vốn cho dự án PPP cũng gặp nhiều khó khăn bởi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành trung ương ít được phân bổ cho nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP và việc huy động vốn tín dụng thương mại cho các dự án PPP không dễ. Thời gian triển khai dự án quá dài. Từ lúc công bố danh mục đến khi lập xong báo cáo khả thi, đủ điều kiện thẩm định đến đầu tư mất đến 2 năm; nhanh nhất cũng khoảng 1,5 năm.

Những vướng mắc của hình thức đầu tư PPP đã được nhìn thấy. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT lập tổ công tác nghiên cứu sửa nghị định về PPP và xây dựng dự luật về PPP. Khi luật về PPP được ban hành cùng với dư địa đầu tư rất rộng mở, dự án PPP chắc chắn sẽ là những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới đầy hấp dẫn cho khu vực kinh tế tư nhân, thu hút một lượng vốn lớn từ khu vực này, song hành với Nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, ngay cả việc chuyển nghị định thành luật vẫn nặng vào việc điều chỉnh cho các dự án quốc gia, còn các cách tiếp cận khác của đầu tư PPP ở cấp địa phương chưa được đề cập.

Không chỉ riêng Quảng Nam, các địa phương khác cũng đang gặp khó khăn trong tiến trình đầu tư PPP. Quảng Nam xây dựng kế hoạch, đề xuất tổ chức một diễn đàn đối thoại PPP cấp địa phương vào tháng 9 năm nay với sự tham dự của các chuyên gia về PPP của Bộ KH&ĐT, Tài chính, đại diện UBND các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng cùng 10 doanh nghiệp tham gia các dự án PPP trên địa bàn Quảng Nam. “Hy vọng thông qua diễn đàn đối thoại với các bộ, ngành trung ương, sự hướng dẫn về việc triển khai dự án cụ thể, tiến trình, quy mô các dự án nhỏ và vừa cấp địa phương… sẽ tháo gỡ được khó khăn cho sự thúc đẩy các dự án đầu tư PPP” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó cho PPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO