Gỡ khó cùng doanh nghiệp trồng, chế biến gỗ

TRẦN HỮU 01/08/2017 08:26

Nhận ra rào cản trong ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng như quy hoạch vùng trồng, trong khuôn khổ chương trình “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo tỉnh vừa gặp gỡ với hơn 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến lâm sản để lắng nghe ý kiến, chia sẻ  của doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ của tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.Ảnh: T.HỮU
Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ của tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.Ảnh: T.HỮU

Doanh nghiệp trải lòng

Lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản đóng góp rất lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở 9 huyện miền núi của tỉnh. Các nghị quyết của HĐND tỉnh, chỉ thị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh gần đây về phát triển vùng tây, đều xem kinh tế rừng như cứu cánh của xóa đói giảm nghèo. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho miền núi, song gần như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm sản vẫn còn đắn đo đầu tư vào khu vực khó khăn, hạn chế về hạ tầng này. Nhiều nhà máy chế biến gỗ, gia công mỹ nghệ ra đời để tiêu thụ vùng nguyên liệu rộng lớn nhưng do quy hoạch thiếu tầm nhìn xa nên xảy ra tình trạng nơi thừa chỗ thiếu nhà máy.

Đặt cơ sở sản xuất ở địa bàn xã Quế Thọ (Hiệp Đức) hơn 3 năm nay, nhà máy chế biến gỗ MDF thuộc Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam chưa thể khai thác hết công suất hoạt động. Nhà máy tiêu thụ nguồn nguyên liệu có nguồn gốc hầu hết là gỗ rừng trồng tại địa phương, nhưng chất lượng hạn chế do giống cây trồng là keo giâm hom với đặc điểm thân gỗ sau ba bốn năm là bắt đầu rỗng ruột. Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam với công suất 200 nghìn mét khối sản phẩm/năm, mỗi năm  cần đến 500 - 600 nghìn mét khối gỗ, tương đương với diện tích trồng rừng khoảng 30 - 50 nghìn héc ta mới đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ hiện nay nhà máy mua tự phát gỗ từ rừng trồng của người dân, chưa được UBND tỉnh đồng ý cho công ty lập quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy với diện tích lớn trong bán kính 50 - 70km để đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho nhà máy hoạt động ổn định và lâu dài. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho rằng, mật độ quy hoạch các nhà máy chế biến dăm gỗ hiện nay là quá dày, bất hợp lý nên chính quyền tỉnh cần xem xét quy hoạch các nhà máy chế biến gỗ cách xa nhau, tránh việc cạnh tranh nguyên liệu không lành mạnh. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình trồng rừng gỗ lớn phải nhanh chóng được cụ thể hóa. “Chúng tôi đề xuất phải mạnh mẽ tích tụ đất rừng từ quỹ đất mà địa phương quản lý để cho doanh nghiệp thuê trồng rừng gỗ lớn. Sớm thành lập hội chủ rừng của tỉnh và của huyện hay hợp tác xã để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người đại diện nhằm ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Cạnh đó, Chính phủ cần triển khai chính sách cho vay vốn trồng rừng đối với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn và chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng” - ông Hùng kiến nghị.

Cơ hội cho ngành chế biến gỗ

Nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp trên địa bàn tỉnh hiện nay vừa thiếu lại không đảm bảo chất lượng, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến như  Công ty CP Cẩm Hà, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai... phải nhập khẩu ít nhất 40% nguồn nguyên liệu gỗ nước ngoài để chế biến, xuất khẩu. Thực tế nguồn gỗ trên địa bàn tỉnh phần lớn khai thác sau 4 - 5 năm trồng và được trồng với mật độ dày, nên phục vụ cho chế biến đồ gỗ rất ít. Nhiều lô hàng về sản phẩm gỗ xuất khẩu buộc phải trả về nước do thiếu minh bạch trong sử dụng nguồn gốc lâm sản. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc chính quyền tỉnh gặp gỡ với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực lâm sản thời điểm này là rất ý nghĩa và cần thiết vì ngành lâm nghiệp đang tái cơ cấu mạnh mẽ, chủ trương phát triển cánh rừng gỗ lớn phục vụ vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến gỗ.
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định, việc đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sẽ khiến cho các đơn hàng từ Mỹ dịch chuyển sang các nước xuất khẩu gỗ ở khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam là nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất ở ASEAN. Đây là cơ hội cho ngành gỗ trong nước tận dụng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang, nhất là đồ gỗ nội thất.  Thêm vào đó, hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước và khu vực trong thời gian qua cũng đang tạo cơ hội lớn về thị trường cho ngành gỗ. Điển hình như xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc đang có tiến triển kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực. Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng chọn ưu tiên phát triển mặt hàng ván nhân tạo vì mặt hàng này hoàn toàn sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, làm chủ được công nghệ để sản xuất, chế biến sản phẩm.

Với không khí cởi mở, một doanh nghiệp chế biến gỗ tại huyện Bắc Trà My đề cập vướng mắc trong việc mua lại gỗ của người dân bản địa. Đại loại như, người dân chở vài cây gỗ mang đến cơ sở bán thì bị cán bộ kiểm lâm truy nguồn gốc gỗ rất mất thời gian, doanh nghiệp cũng không thể mua số gỗ vườn của người dân. Tuy nhiên, ý kiến này đã được ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và ông Từ Văn Khánh - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh giải thích cặn kẽ rằng, đó là luật pháp hiện hành quy định bất cứ gỗ nào khai thác đều phải có xác nhận của kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã, để phòng trừ lâm tặc chặt gỗ rừng tự nhiên đem tiêu thụ. Chia sẻ sản phẩm gỗ tre mỹ nghệ bán rẻ ra nước ngoài, ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành) cho biết, sản phẩm chế biến mây tre của cơ sở ông và nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ khác trong nước không thua kém gì nước ngoài, nhưng buồn ở chỗ giá cả quá thấp. Ông nêu ví dụ, một sản phẩm giỏ đựng đồ đạc gia công trong nước bán 6USD thì qua Malaysia, hay Singapore lại bán đến 36USD, nghĩa là cao gấp 6 lần. Vùng nguyên liệu mây tre đầu vào của nhà máy mua từ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và các huyện miền núi của tỉnh nhưng có nơi chất lượng hạn chế. Ông Thiên mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh sớm thành lập hội chủ rừng để các đối tác, tổ chức nước ngoài an tâm trong xúc tiến đầu tư, hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, bởi các tổ chức nước ngoài thông thường họ tin cậy hội nghề nghiệp hơn là cơ quan nhà nước.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Cuộc gặp gỡ thân mật giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp vừa qua không phải là lần đầu tiên nhưng tái khẳng định tinh thần “nuôi dưỡng” nguồn thu ngân sách của tỉnh, khi dự báo nguồn thu thuế năm 2017 sẽ tụt giảm. Cuộc gặp mặt chỉ diễn ra 2 giờ đồng hồ nhưng đã kết nối nhiều ý tưởng hay về khởi nghiệp, về chia sẻ những trắc trở, thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhiều doanh nghiệp cho hay, chính sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết đầu tư và tầm nhìn quy hoạch dài hạn là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” dẫn đến ngành sản xuất, chế biến gỗ phát triển chậm chạp. Do vậy, để doanh nghiệp có sản phẩm chế biến đồ gỗ xuất khẩu cạnh tranh với thị trường thì ngành lâm nghiệp phải mạnh dạn đầu tư loại keo nuôi cấy mô, có vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền làm cầu nối để các doanh nghiệp thực hiện việc thuê đất của người dân trồng rừng và việc thuê đất phải đảm bảo quyền lợi cũng như đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Hơn 5 ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp hầu như được lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, đại diện chính quyền tỉnh giải đáp, thông tin đa chiều và cam kết sẽ xem xét tháo gỡ một số rào cản đến phát triển ngành lâm nghiệp, chế biến gỗ. Quan điểm trước sau như một của UBND tỉnh là kịp thời điều chỉnh chính sách sát với thực tế theo thẩm quyền, đồng hành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ: “Chương trình “Cà phê doanh nhân” gặp gỡ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến lâm sản là dịp để lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cùng nhau giải quyết những phát sinh, vướng mắc, cũng như  lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời còn nhằm kết nối, tìm kiếm ý tưởng, dự án để hỗ trợ khởi nghiệp, thực hiện và thương mại hóa sản phẩm, tạo diễn đàn mở để các tổ chức, cá nhân giao lưu, học hỏi và tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp”.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó cùng doanh nghiệp trồng, chế biến gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO