Gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 27/11/2019 10:51

Những kiến nghị đúng luật của doanh nghiệp (DN) cần phải được tháo gỡ, nhất là các vấn đề ách tắc, khó khăn. Đây là yêu cầu của lãnh đạo tỉnh đối với các sở ban ngành liên quan nhằm thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D

Nhiều kiến nghị

Sự cố mất điện liên tục (11 lần trong 10 tháng qua), không chỉ gây bất ổn sản xuất mà Công ty CP May Hòa Thọ Phú Ninh còn phải đền bù hợp đồng do chậm tiến độ, mất uy tín với khách hàng.

Theo báo cáo DN này chuyển đến Sở KH&ĐT hồi đầu tháng 11.2019, số lần sự cố mất điện đã giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018, chất lượng điện cũng được nâng cao, sự cố lưới điện được xử lý nhanh hơn, song các DN tại Cụm công nghiệp Chợ Lò phụ thuộc vào tuyến đường dây 22KV (nhận điện từ trạm 110KV Tam Kỳ), đi dọc theo đường lên hồ Phú Ninh, vòng theo con kênh chính rồi quay xuống trở lại Tam Kỳ với chiều dài gần 20km. Tuyến đường dây này hầu hết đi qua khu vực có nhiều cây cối nên khả năng sự cố mất điện rất cao, nhất là vào mùa dông sét. Không chỉ vậy, việc khai thác keo của dân cũng dễ tạo nên sự cố mất điện. DN đề nghị ngành điện lực sớm đầu tư xây dựng tuyến trung thế 22KV mới cấp điện cho Cụm công nghiệp Chợ Lò từ hướng Trường Xuân lên (chỉ 1,5km).

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV bê tông Hiệp Hưng (Cụm công nghiệp Đại An – Đại Lộc) nêu bất lợi khi không có đường vận chuyển vật liệu bê tông. Hiện DN này phải mượn đường của một DN khác mới có thể ra quốc lộ 14B. Nếu DN này lấy lại mặt bằng thì coi như Hiệp Hưng “không lối thoát”. Địa phương cần hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến đường để DN khai thác dự án thuận lợi.

Còn Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông (Phú Hải, Đại Hiệp, Đại Lộc) cho rằng đã kết nối, ký kết hợp đồng mua mây của các hộ dân ở các xã Tà Pơơ, Đắc Pre, Đắc Pring, La Dêê, Zoiuh (Nam Giang) với giá cao (5.000 đồng/kg) so với DN khác, nhưng bị bắt giữ khi thu mua, vận chuyển vì không có chỉ tiêu khai thác, thu mua mây năm 2019 ở Nam Giang theo quyết định của UBND huyện này.

Theo ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông, trong khuôn khổ dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, công ty đã và đang trồng 110ha mây dưới tán rừng tại các xã Tà Pơơ, Đắc Pre, La Dêê, Cà Dy và đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá bán theo giá thị trường, nhưng quyết định giao khai thác độc quyền cho một DN khác khiến họ gặp bất lợi.

“Quyết định của UBND huyện Nam Giang đã tạo ra sự độc quyền khai thác và thu mua mây tại địa phương, cản trở sự tự do cạnh tranh và gây thiệt hại cho người bán khi buộc phải bán mây cho đơn vị duy nhất với giá bán thấp hơn thị trường 25%. Dự án Trường Sơn Xanh của Lục Đông sẽ không hoàn thành được mục tiêu nâng cao sinh kế cho bà con dân tộc vùng cao” – ông Hiếu nói.

Bảo vệ lợi ích DN

Ông Thiều Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận đường dây điện cấp cho Cụm công nghiệp Chợ Lò quá tải, hành lang tuyến có nhiều cây cối dễ gây ra sự cố. Nhưng dù suất đầu tư có lớn thì điện lực đã có phương án để cấp điện ổn định cho DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói không chỉ tại Chợ Lò mà nhiều cụm công nghiệp khác cũng lặp lại tình trạng này. Ngành điện phải có phương án bảo đảm quyền lợi cho DN. Cần một sự sòng phẳng từ hai phía. Không thể làm mất đi cơ hội kinh doanh của DN. Nếu ở một nơi liên tục xảy ra sự cố thì hai phía cùng nhau xây dựng kế hoạch để xử lý hoàn hảo. DN nên xây dựng kế hoạch hàng năm (kế hoạch sản xuất, nhu cầu sử dụng điện, mùa cao điểm với các hợp đồng đã ký kết, sản xuất tăng ca…). UBND sẽ làm việc với ngành điện về kế hoạch bảo đảm cấp điện cho sản xuất, nhất là cấp điện cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nhà máy sản xuất lớn…

Về kiến nghị của Công ty TNHH MTV bê tông Hiệp Hưng, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ (tối đa không quá 20 tỷ) làm đường cho Cụm công nghiệp Đại An, nhưng địa phương phải cam kết lấp đầy với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Phải khẳng định cho được hỗ trợ đầu tư cụm công nghiệp là phải đồng bộ. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, sẽ cân đối ngân sách bố trí đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp năm 2020 - 2021. UBND huyện Đại Lộc xem xét các nguồn cuối năm tạo mặt bằng đi lại tạm thời. DN có thể hỗ trợ thêm cho địa phương, tạo mặt bằng cho mình để không ảnh hưởng đến DN khác.

Kiến nghị của Lục Đông đã nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan quản lý cho dù bà Đỗ Thị Thủy – Phó phòng Tài chính kế hoạch Nam Giang cho rằng địa phương khó khăn, không quản lý được nguồn thu, các khoản đóng góp nên mới ra quyết định giao chỉ tiêu khai thác mây và quản lý cho một DN.

Cả đại diện kiểm lâm, ngành nông nghiệp và Hiệp hội DN đều cho rằng không thể giao chỉ tiêu khai thác độc quyền. Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam nói một văn bản ban hành không căn cứ, không đúng luật cần phải được bãi bỏ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Nam Giang phải hủy bỏ quyết định không đúng luật này. Nếu thiếu nguồn thu thì phải tính cách khác. Không thể sử dụng biện pháp sai quy định.

Theo ông Thanh, DN Lục Đông đã được lựa chọn thực hiện chuỗi giá trị từ mây với dự án Trường Sơn Xanh, tạo sinh kế bền vững cho người dân khu vực miền núi thì phải ưu tiên tạo điều kiện. Song Lục Đông cũng phải lên kế hoạch ký kết với dân khai thác, thu mua hàng năm gửi UBND huyện Nam Giang, chủ rừng…

“Ngành chức năng và địa phương cần phục vụ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, tạo thuận lợi cho DN. Những lỗi của cơ quan quản lý phải được xử lý, không làm khó DN” – ông Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO