Gỡ khó nguồn cung vật liệu xây dựng

THÀNH CÔNG 23/12/2022 07:07

Ủy quyền cho cấp huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá các mỏ, đề xuất bổ sung những mỏ khoáng sản mới (là vật liệu xây dựng thông thường) phù hợp với quy hoạch, loại bỏ các điểm mỏ không phù hợp... là những giải pháp đang được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai. Khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng (VLXD) cho các địa phương dần được tháo gỡ, tạo tiền đề đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá đối với các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Ảnh: T.C
Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá đối với các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Ảnh: T.C

Cần bổ sung thêm điểm mỏ

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin, tính đến ngày 20/12/2022, trên địa bàn tỉnh có 57 giấy phép khai thác khoáng sản VLXD thông thường còn hiệu lực và 28 trường hợp đang thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan để xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Để đẩy nhanh công tác đấu giá khai thác các mỏ này, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá đối với các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

“Sở TN-MT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện công tác đấu giá, hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ đất đai liên quan đến thực hiện dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh.

Thời gian qua, đã có 8 địa phương tổ chức đấu giá tổng cộng 23 khu vực (21 khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường và 2 khu vực khoáng sản vàng phân tán nhỏ lẻ). Vấn đề kinh nghiệm, năng lực, công nghệ được xem xét khi lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản” - ông Thọ nói.

Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 715 điểm mỏ được quy hoạch. Theo số liệu tổng hợp, từ khi có quy hoạch đến nay, 125 điểm mỏ thuộc quy hoạch đã được cấp phép khai thác.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các địa phương và sở, ngành liên quan xem xét các điểm mỏ đảm bảo phù hợp quy hoạch để báo cáo UBND tỉnh thống nhất, cấp phép cho các đơn vị đủ điều kiện được thăm dò, khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu địa phương.

Các yếu tố được xem xét bao gồm: thuận lợi về giao thông; có trữ lượng lớn khai thác tập trung, quy mô công nghiệp, đảm bảo yêu cầu quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng, tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ rừng (đặc dụng, phòng hộ, tự nhiên), công trình hạ tầng.

Việc bổ sung các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Ảnh: T.C
Việc bổ sung các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Ảnh: T.C

“Qua khảo sát, hiện nay các địa phương miền núi thiếu nguồn cung cấp đá, cát xây dựng. Các địa phương đồng bằng có nhu cầu vật liệu đất san lấp để phục vụ san nền các dự án phát triển đô thị rất lớn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, một số khu vực có trong quy hoạch đã thay đổi địa hình, dòng chảy làm thay đổi khu vực khoáng sản. Một số vị trí đã phê duyệt quy hoạch nhưng khi khảo sát, đề xuất thăm dò, khai thác chưa có giao thông kết nối, ảnh hưởng khu vực dân cư, môi trường...

Do đó, các địa phương đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để làm cơ sở thực hiện thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác, phục vụ nhu cầu vật liệu thông thường” - ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói.

Giải quyết vướng mắc

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, đơn vị chỉ có một mỏ cát tại xã Phước Xuân được UBND tỉnh cấp phép với trữ lượng khai thác khoảng 45 nghìn mét khối từ năm 2019, thời hạn khai thác đến năm 2025.

“Nhu cầu về VLXD trên địa bàn vẫn rất lớn, khi kinh phí cho xây dựng cơ bản từ nhiều nguồn lên đến gần 300 tỷ đồng mỗi năm. Tháng 10 vừa qua, Phước Sơn đã được bổ sung 4 điểm mỏ, gồm 2 mỏ cát và 2 mỏ đất san lấp, địa phương đã bắt tay ngay việc thực hiện các quy trình thủ tục để đấu giá cấp quyền khai thác.

Chúng tôi mong muốn các sở, ngành, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, hướng dẫn quy trình thủ tục để đẩy nhanh quá trình đấu giá, tạo điều kiện có thêm nguồn cung về VLXD” - ông Điểm đề nghị.

“Nhu cầu về cát sỏi cơ bản được đáp ứng, nhưng vẫn đang gặp khó về đất san lấp phục vụ các công trình trọng điểm” - ông Lê Đỗ Tấn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đề cập.

Tại địa phương này, qua khảo sát, nhiều vướng mắc về lập thủ tục xin đấu nối tuyến đường để khai thác hoặc tiêu chí cảnh quan của các tuyến giao thông là rào cản lớn cho việc bổ sung mỏ khai thác đất san lấp vào quy hoạch.

“Chúng tôi đã buộc phải dừng cấp phép 2 điểm mỏ của 2 doanh nghiệp, do thiếu hồ sơ về việc cho phép đấu nối đường vận chuyển ra các tuyến quốc lộ, đường xã... Ngoài ra, theo quy định mới, việc đảm bảo hành lang an toàn cho đường dây 500kV qua địa bàn huyện cũng gặp khó khăn, do mỏ khai thác nằm gần đường dây này” - ông Khương cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, hiện nay tỉnh ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đấu giá, cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ VLXD mang tính cấp thiết tại khu vực miền núi, hoặc các địa phương đang có bức xúc về nhu cầu VLXD thông thường.

“Thời gian tới, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, các sở ngành cũng như các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến vấn đề này. Căn cứ quy định phân cấp, ủy quyền, văn bản hướng dẫn, các địa phương phải nhanh chóng rà soát, kiến nghị bổ sung điểm mỏ vào quy hoạch, khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền.

Đồng thời kiên quyết loại bỏ các mỏ không phù hợp, kịp thời đề xuất, kiến nghị để hướng dẫn giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Cùng với đó, phải theo dõi, quản lý chặt chẽ đối với công tác cấp phép, đánh giá trữ lượng, khai thác tại các điểm mỏ theo đúng quy định của pháp luật” - ông Trần Văn Tân nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó nguồn cung vật liệu xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO