Gỡ khó trong giao đất giao rừng

TRẦN NGUYỄN 06/03/2015 09:19

Khó khăn trong công tác giao đất giao rừng (GĐGR) trên địa bàn tỉnh thời gian qua là tiến độ thực hiện chậm, vướng mắc bởi hồ sơ pháp lý, nhiều nơi giao rừng nhưng chưa giao đất...

Tồn tại

Quá trình GĐGR ở một số huyện miền núi Quảng Nam vẫn triển khai nhưng rất chậm chạp. Tại huyện Tây Giang, đến nay có 70 thôn thuộc 10 xã đã lập hồ sơ thủ tục giao cho 56 cộng đồng làng với tổng diện tích hơn 41.923ha rừng để quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, diện tích giao cho hộ gia đình chỉ gần 7.000ha (chiếm hơn 8,2% tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn huyện). Thời gian qua, thông qua cơ chế khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, địa phương này đã thí điểm thành công giao 1.300ha đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại xã Bha Lêê. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền, với diện tích Nhà nước vừa tiến hành giao rừng và giao đất, đồng bào quản lý, sử dụng rất tốt; ngược lại khi chỉ giao rừng mà không giao đất thì vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nhiều trường hợp không xác định được phạm vi ranh giới đất lâm nghiệp được giao trên thực địa nên phát sinh tranh chấp chủ sử dụng ở vùng ranh giới. Do giao đất chưa gắn với giao rừng, kèm theo các điều kiện cụ thể về cơ chế hưởng lợi nên hiệu quả sử dụng đất rừng thấp, đời sống người dân không mấy được cải thiện. Chính vì vậy, nhiều nơi buộc phải thu hồi diện tích rừng.

Người dân sẽ phát triển tốt vốn rừng nếu được giao đất. TRONG ẢNH: Trồng keo tại xã Tam Trà (Núi Thành). Ảnh: T.N
Người dân sẽ phát triển tốt vốn rừng nếu được giao đất. TRONG ẢNH: Trồng keo tại xã Tam Trà (Núi Thành). Ảnh: T.N

Các diện tích rừng và đất rừng giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, cộng đồng dân cư chỉ mới dừng lại ở khâu thủ tục hồ sơ, chứ chưa phổ biến việc cắm mốc ngoài thực địa. Rừng được Nhà nước giao hẳn hoi, nhưng nhiều chủ rừng vẫn phàn nàn về địa vị pháp lý. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, là chủ rừng, nhưng đơn vị chỉ đứng trên danh nghĩa chứ chưa có giấy tờ hợp pháp. Chủ rừng thì phải có quyết định giao đất, giao rừng, đằng này đơn vị không có quyết định nào chứng minh là chủ dù đang quản lý hơn 75.000ha rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, quy định về trách nhiệm, quyền lợi của chủ rừng còn chung chung, nhu cầu về sử dụng đất và bảo vệ rừng chưa thật sự tác động tích cực đến đời sống của đồng bào. Điều tra, quy hoạch, đánh giá chất lượng rừng để làm cơ sở cho việc giao rừng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn do không có kinh phí thực hiện.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo thống kê, cộng đồng dân cư (gồm nhóm hộ, thôn) ở các huyện miền núi từ quản lý 160.540ha rừng đến nay chỉ còn 13.790ha. Chính quyền các huyện Đông Giang, Bắc Trà My giải thích, sở dĩ tiến độ GĐGR ì ạch là do nhiều nơi diện tích giao cho chủ rừng và người dân có độ chênh lệch lớn trên bản đồ và thực địa; thậm chí có nơi rừng có chủ song vẫn xảy ra tình trạng phát rừng làm rẫy, vận chuyển gỗ trái phép. Nhiều thôn thành lập tổ đội bảo vệ, quản lý rừng còn mang tính hình thức.

Trong khi thận trọng GĐGR cho cộng động dân cư, thì UBND tỉnh đã mạnh dạn sắp xếp, đổi mới các lâm trường và thành lập mới các ban quản lý rừng nhằm quản lý, sử dụng rừng hiệu quả hơn. Đến nay, UBND tỉnh đã điều chỉnh mở rộng lâm phận và sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn, Sông Tranh, Đắc Mi và thành lập mới 2 ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung. Theo đó, rừng có chủ với diện tích 487.430ha (chiếm 67,71% tổng diện tích đất lâm nghiệp và chiếm 46,7% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Trong đó, diện tích giao cho các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ là 351.078ha (chiếm gần 49% diện tích đất lâm nghiệp), hộ gia đình, cá nhân 117.999ha (chiếm hơn 16% diện tích đất lâm nghiệp) và các tổ chức khác 18.353ha. Khi xác định diện tích được giao, các chủ rừng sẽ được hưởng lợi dịch vụ chi trả môi trường theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, người dân nằm trong các lưu vực lòng hồ thủy điện đã và đang được hưởng lợi dịch vụ này. Tại huyện Phước Sơn, hàng nghìn héc ta đất nương rẫy cũ, đất hoang đang xúc tiến giao cho đồng bào.

Theo ông Từ Văn Khánh – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), GĐGR cần thực hiện đồng thời với cắm mốc ngoài thực địa, xác định trạng thái giàu nghèo cụ thể. Cộng đồng dân cư nào không quản lý tốt, phải lập tức thu hồi để giao lại cho đối tượng khác. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang rà soát lại các ban quản lý rừng phòng hộ trong chức năng thực hiện kế hoạch trồng rừng. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều địa phương, ban quản lý rừng phòng hộ chưa hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu trồng rừng được giao. Đối tượng tham gia trồng rừng sản xuất theo các dự án phần lớn là người nghèo nên họ không có điều kiện tự bỏ vốn đầu tư thêm. Cơ chế hưởng lợi trồng rừng phòng hộ chưa phù hợp với thực tế. Các dự án trồng rừng theo nguồn vốn ODA thực hiện đồng thời với dự án 661, nhưng chính sách hưởng lợi của mỗi dự án khác nhau, khiến người dân so bì. Cũng theo ông Khánh, vấn đề hậu GĐGR cần được quan tâm, giám sát chặt chẽ; bên cạnh đó cần tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển vốn rừng trên mảnh đất mình được giao.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó trong giao đất giao rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO