Gỡ khó từ bệnh viện

XUÂN HIỀN 23/08/2020 08:28

Các bệnh viện (BV) đang “căng mình” để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bên cạnh nỗ lực, vẫn còn đó những khó khăn không chỉ về nhân lực, vật lực phải đối diện…

Các chốt chặn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm việc 24/24h để kiểm soát lượng người vào bệnh viện. Ảnh: X.H
Các chốt chặn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm việc 24/24h để kiểm soát lượng người vào bệnh viện. Ảnh: X.H

BỆNH VIỆN “SẠCH” COVID

Mỗi khoa phòng tổ chức một chốt kiểm soát bên cạnh các chốt chặn ngay từ cổng bệnh viện, phòng khám. Nỗ lực giữ bệnh viện “sạch Covid” đang được đội ngũ nhân viên BV Đa khoa tỉnh (TP.Tam Kỳ) thực hiện ở mức nghiêm ngặt nhất.

Vừa khám vừa sàng lọc

Chỉ sử dụng một cổng chính vào BV, đóng tất cả cổng khác. Hình thành rào chắn để kiểm soát lượng người vào ra mỗi ngày. Tựa như một phên giậu đầu tiên góp phần bảo vệ BV trong những ngày cao điểm của dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Văn Khoa – Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh nói: “BV Đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ giữ BV “sạch Covid” để chịu khám chữa bệnh cho người dân toàn tỉnh và thậm chí ở các tỉnh lân cận”.

Sạch Covid chính là tiêu chí được Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh giao cho BV Đa khoa, bên cạnh các BV điều trị cho bệnh nhân dương tính như BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam hay Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (bao gồm Phòng khám đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc). Nhiệm vụ này, theo như nhìn nhận của đội ngũ y bác sĩ, cũng khó khăn và căng thẳng hệt như các nơi được giao điều trị Covid trên địa bàn.

PGS-TS.Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, trong cuộc chiến chống Covid-19, BV là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn khống chế dịch bệnh. BV cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, BV không chỉ đối phó với dịch bệnh Covid-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng.

“Hiện nay ngoài phòng chống dịch Covid-19, các BV cũng phải thực hiện công tác phòng chống bệnh bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ho gà, bệnh cúm, sởi... Các BV cần bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả” - PGS-TS. Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Vì vậy, quan trọng không kém các nơi điều trị Covid trong thời điểm này, các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ điều trị, cấp cứu và khám chữa bệnh cần phải song song quá trình sàng lọc bệnh nhân Covid. 

Mỗi ngày tiếp nhận từ 700 - 1.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, phải làm sao để đảm bảo môi trường không nhiễm khuẩn khiến đội ngũ y tế tại đây phải căng mình làm việc.

Ông Nguyễn Ngọc Văn Khoa nói thêm, phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêu chí BV an toàn bằng cách thường xuyên khử trùng BV và đặc biệt, chống lây nhiễm chéo trong cán bộ nhân viên. Hiện tại mỗi khoa phòng đều có các bước sàng lọc trước khi vào khoa đó.

“BV cũng đã trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ cho đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, áp lực đặt ra là các y bác sĩ phải tăng cường áp dụng các quy trình ở mức nghiêm ngặt nhất để BV tuyệt đối sạch Covid trong thời điểm này” - bác sĩ Khoa trải lòng. Nghĩa là phải vừa đảm bảo việc khám chữa bệnh như thông thường, vừa phải đảm bảo sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. 

Sàng lọc nhiều cấp

Ngay ở cổng cấp cứu - hiện là cổng duy nhất để vào BV, tất cả mọi người kể cả nhân viên BV, bệnh nhân và người nhà đều được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Tại Phòng khám sẽ có một chốt kiểm soát tiếp theo, nhân viên đề nghị người đến khám chữa bệnh ngoài đo thân nhiệt, sát khuẩn tay còn phải kê khai y tế. Nếu có các yếu tố dịch tễ liên quan đến các địa phương đang xảy ra dịch bệnh sẽ được nhân viên BV chuyển qua Phòng khám bệnh nhân nghi nhiễm Covid đặt tại gần Khoa Cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Văn Khoa – Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho biết, khi bệnh nhân chuyển qua phòng khám nghi nhiễm sẽ có thêm một quá trình sàng lọc nữa. “BV hiện có 2 khu cách ly với đầy đủ các chuyên khoa. Bệnh nhân ở phòng khám nghi nhiễm sẽ được chuyển đến khu cách ly này điều trị” - bác sĩ Khoa nói.

Khu cách ly được tận dụng từ 2 khoa Y học nhiệt đới và Y học cổ truyền với số lượng bệnh nhân lên đến 60 người. Bệnh nhân ở khu cách ly 1 nếu được xét nghiệm âm tính sẽ chuyển sang khu 2 để tiếp tục điều trị và cách ly đúng với số ngày quy định. Ngược lại, nếu xuất hiện trường hợp dương tính sẽ được chuyển đến các cơ sở chuyên điều trị Covid của tỉnh. 

Khuyến cáo và tiến đến yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà thăm nuôi, mỗi khoa phòng của BV Đa khoa tỉnh đã có những cách làm khác nhau để kiểm soát chặt chẽ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà - cử nhân điều dưỡng Khoa Ngoại tiết niệu - BV Đa khoa tỉnh cho biết, ban đầu, Khoa Ngoại tiết niệu tiến hành phát áo cho người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, lại xảy ra trường hợp người nhà vào khoa lại tuồn áo ra cho người ở bên ngoài. “Chính vì vậy, chúng tôi sử dụng vòng đeo tay cho cả người nhà và bệnh nhân. Vòng đeo tay này nếu bị mở ra sẽ được nhân viên phát hiện ngay” - chị Hà nói.

Cùng với vòng đeo tay, BV tiến hành phát thẻ cho người nhà khi vào chăm sóc bệnh nhân. Những cách thức này nhằm góp phần hạn chế tình trạng quá nhiều người cùng lúc ra vào BV. 

BV Đa khoa tỉnh đang tiếp nhận 46 ca bệnh nặng, đa số là các ca bệnh chạy thận, thở máy từ BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam chuyển đến. Trong khi đó, số máy chạy thận của BV hiện nay lại không đáp ứng đủ, mặc dù BV Đa khoa Trung ương đã điều chuyển 5 máy hoạt động ổn định cho cơ sở y tế này...

XOAY VÒNG ĐỘI NGŨ NHÂN VIÊN

Xoay vòng đội ngũ nhân viên để ai cũng có thời gian nghỉ ngơi sau một đợt tham gia công tác chống dịch. Đây là cách để BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam vận hành trong điều kiện nhân lực đang khó khăn.

Bệnh nhân và người nhà cũng như nhân viên y tế phải tuân thủ các nguyên tắc về quy trình thăm bệnh, chăm sóc bệnh để giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm. Ảnh: X.H
Bệnh nhân và người nhà cũng như nhân viên y tế phải tuân thủ các nguyên tắc về quy trình thăm bệnh, chăm sóc bệnh để giảm thiểu các rủi ro lây nhiễm. Ảnh: X.H

Đại diện lãnh đạo BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, ngay khi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 có quyết định giao nhiệm vụ cho BV tiếp nhận điều trị người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn Quảng Nam và các tỉnh lân cận, BV đã ngay lập tức kích hoạt các biện pháp ở mọi khâu. BV đã tiến hành thiết lập toàn bộ hệ thống, phân luồng, phân khu, hướng dẫn biển báo, lối đi, rào chắn cách ly, chủ động thực hiện nghiêm ngặt quy trình sàng lọc, phân luồng bệnh nhân theo đúng quy định.

Song song với việc điều trị, BV tập trung hướng dẫn chung, thậm chí đào tạo cho đội ngũ nhân viên về các quy trình chống lây nhiễm chéo cũng như các kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho bản thân. Liên tục các lớp học được mở ra với nội dung đào tạo liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 dành cho đội ngũ nhân viên. 

Chị Nguyễn Thanh Hải Âu - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, BV gấp rút tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho tất cả nhân viên y tế trước khi tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và các nhân viên hỗ trợ thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt như: mặc và tháo phương tiện bảo hộ đúng kỹ thuật, rửa tay, quản lý, xử lý chất thải, bệnh phẩm, dụng cụ chăm sóc bệnh nhân... Các lớp đào tạo này do các giảng viên của BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia làm việc lại BV và Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV trực tiếp đào tạo và giám sát. 

Tại BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đợt 1 đã có hơn 300 người tham gia điều trị những bệnh nhân Covid đầu tiên, trong đó có 200 người trực tiếp thực hiện các công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 và các bệnh hồi sức nặng. Ngày 18.8, kíp trực đợt 1 được tan ca và thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định. Một kíp trực khác lại lên đường vào “vùng đỏ” thay cho đội ngũ này.

Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế - Trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19 của tỉnh cho biết, hiện nay các cơ sở được chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid đều cần phải tính toán chi tiết cho bài toán nhân lực.

“Thiếu nguồn nhân lực lấy mẫu xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng như cơ sở điều trị Covid là lo lắng lớn nhất hiện nay của chúng tôi. Cạnh đó là thiếu máy móc, trang thiết bị, chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị, vận chuyển bệnh nhân, thậm chí việc thanh toán BHYT trong xét nghiệm Covid-19 vẫn còn nhiều vướng mắc” - ông Mai Văn Mười nói.

Ở một góc độ khác, trong lúc phải vừa chi viện cho Phòng khám Đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc, vừa đảm bảo nhân lực tại BV Đa khoa khu vực Quảng Nam (Điện Bàn), ông Nguyễn Tải - Giám đốc BV này cho biết, việc điều chuyển và đào tạo nguồn nhân lực trở nên rất cấp bách. 

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu cần có những phương án dự phòng nâng cao, đáp ứng các điều kiện ứng phó lâu dài ngay cả trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. UBND tỉnh thống nhất phương án lập khu lưu trú dã chiến cho nhân viên y tế của BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong khuôn viên của phòng khám để nhường toàn bộ cơ sở hạ tầng sẵn có thực hiện việc cách ly, điều trị bệnh nhân. Quy mô của khu điều trị này sẽ đảm bảo đủ khả năng tăng lượng thu dung bệnh nhân lên khoảng 100 người.

Tùy theo mức độ diễn biến dịch bệnh, các phương án, kịch bản sẽ được triển khai một cách phù hợp, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho sức khỏe và tính mạng của nhân dân. UBND tỉnh sẽ có những chỉ đạo cụ thể, quyết tâm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong BV, nhất là các khu điều trị bệnh nhân nặng và bệnh nhân mắc Covid-19.

GIẢI PHÁP TỪ NGƯỜI TRONG CUỘC

Cùng với nỗ lực là hàng loạt những vấn đề các cơ sở y tế phải đối diện. Chúng tôi ghi nhận ý kiến từ những người liên quan.

Lớp tập huấn về cách thức bảo hộ khi thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: BVĐKTW
Lớp tập huấn về cách thức bảo hộ khi thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: BVĐKTW

Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam: Cần hỗ trợ từ BHYT

Đợt dịch này phức tạp hơn, BV Đa khoa tỉnh được chỉ đạo là giữ cho được “BV sạch Covid” để cấp cứu và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh. Vì không chỉ có Covid-19 mà người dân còn phải được khám chữa bệnh, điều trị và cấp cứu. Do đó, chúng tôi cam kết cố gắng nỗ lực giữ sạch BV để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Riêng với công tác chống dịch, để thành công thì các chốt chặn hết sức quan trọng. Trong cách ly nên phân tầng, những bệnh nhân F1 khu riêng, F2 khu riêng. Các cơ sở y tế tuân thủ nguyên tắc điều trị. Theo đó, cần ra một khuyến cáo đối với các trạm y tế xã là khi cấp phát thuốc nên cấp thuốc huyết áp, tiểu đường, còn sốt ho phải đưa ra BV để sàng lọc. Sở Y tế cần yêu cầu các cơ sở bán thuốc ai bị sốt ho không được bán. Kinh nghiệm của BV Đa khoa tỉnh là thành lập khu điều trị riêng cho những bệnh nhân có dấu hiệu, do đó, các cơ sở điều trị cần phân luồng. Chúng tôi xây dựng mỗi khoa một chốt chặn, quản lý chặt chẽ người nuôi bệnh. 

Trong khi Bộ Y tế yêu cầu nên xét nghiệm rộng rãi thì BHYT lại ngại chuyện thanh toán. Nguyên tắc để được BHYT thanh toán thì tỉnh phải phê duyệt hóa chất, vật tư. Các cơ sở y tế tư nhân có thể làm được vì thu tiền, trong khi đó cơ sở công lập lại không thể. Do đó bên cạnh việc cần đầu tư một máy xét nghiệm PCR chúng tôi kiến nghị tỉnh cần phải làm việc với BHYT để hỗ trợ BV. Ngoài ra, nếu trước đây, chúng tôi chỉ khám chữa bệnh phục vụ một phần cho người Quảng Nam, nay bệnh nhân tăng lên đông vì người bệnh không thể đi các nơi khác. Trong đó có các ca hiện rất nặng như phải chạy thận hoặc thở máy. Cho nên bài toán khó hiện nay là mua sắm máy móc, vì ngại sau dịch lại lãng phí.

Ông Đinh Đạo - Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam:Nghĩ ngay đến chuyện đào tạo nhân lực

Hiện số lượng bệnh nhân chúng tôi dự kiến có khả năng điều trị được là 100 bệnh. Nếu từ bệnh 101 trở lên thì phải tăng thêm nhân lực, vật lực. Hiện nay đội ngũ chúng tôi làm việc xoay vòng, có những bác sĩ đã ở BV thậm chí đến 60 ngày. Anh em cần phải có thời gian để phục hồi sức lực. Phải có kịch bản, kế hoạch hoạt động chi tiết nếu lượng bệnh nhân tiếp tục tăng lên. Tôi đơn cử tại BV, hiện nhân viên hồi sức tích cực chống độc phải chạy vòng, thậm chí nơi ăn nghỉ sinh hoạt đang thiếu thốn. Đến lúc đổi ca thì tất cả khách sạn hiện đã được trưng dụng để phục vụ đội ngũ y bác sĩ tăng cường đến BV. Tôi đề nghị phải có kịch bản xây dựng BV dã chiến, có nơi ăn ở và mọi thứ để phục vụ đội ngũ y bác sĩ. 

Ngoài ra, BV đang bắt đầu đối diện với tình trạng thiếu người. Tổng số nhân viên chúng tôi có là 766 người, trong đó, nhân viên có con nhỏ dưới 36 tháng và trường hợp vợ chồng làm cùng đơn vị, buộc phải chia ra hoặc vợ ở vùng đỏ hoặc chồng ở vùng đỏ lên đến 240 người. Hộ lý thiếu, điều dưỡng thiếu. UBND tỉnh cần phải nghĩ ngay đến câu chuyện đào tạo điều dưỡng, nhân lực điều trị Covid. Ở đây câu chuyện tập huấn cực kỳ quan trọng. Phải nghĩ ngay đến câu chuyện đào tạo cho toàn ngành ngay lúc chúng ta đang có một lực lượng chuyên gia đầu ngành ở tại Quảng Nam khá đông. Ngoài ra, bây giờ, BV chúng tôi đang tồn một cơ số thuốc khá lớn. Ngay khi nhận quyết định là BV điều trị bệnh nhân dương tính Covid, số lượng thuốc này phải để lại trong kho. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh yêu cầu BHYT chấp nhận thanh toán thuốc từ BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam chuyển cho BV Đa khoa tỉnh và các đơn vị y tế khác trong địa bàn để giải quyết tồn đọng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó từ bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO