“Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà”. Không dưng chúng tôi cùng bật thốt lên mấy dòng thơ của trung niên thi sĩ Bùi Giáng, khi nhìn thấy hình dung thi nhân được tạc họa bằng gỗ mộc từ một nghệ nhân của làng...
Tất cả sản phẩm và cả những tác phẩm chạm khắc kỳ công của Bùi Văn Thu - nghệ nhân ưu tú về điêu khắc mộc mỹ nghệ, đều xoay quanh cảm hứng quê nhà. Có thể vì những quan sát rất thật của một người lớn lên và ở mãi với làng, hay cũng chính vì lòng yêu quê hương thành thật mà một mực muốn giữ gìn những quý báu của nơi chốn thiêng liêng này...
Hồn Việt
Bùi Văn Thu (sinh năm 1977) không là một cái tên lạ với những người để tâm tới sự phát triển của làng nghề và nghề truyền thống của Quảng Nam. Từ năm 2011, anh đã gắn dấu ấn tuổi tên mình với những tác phẩm chạm khắc mỹ nghệ tinh xảo.
Lúc ấy, nhiều người nhầm lẫn Bùi Văn Thu là nghệ nhân của làng mộc Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh). Anh nói mình cũng đã từng mong sẽ là một phần của làng mộc danh tiếng này, vì người thầy dạy những ngón nghề chạm khắc cho người thợ trẻ lúc ấy, chính là cụ ông Đinh Thẩm - người cuối cùng nắm giữ những bí truyền về một chiếc bàn xoay ma thuật của riêng Văn Hà.
Và dù không sinh ra, không chọn gắn với Văn Hà, nhưng hẳn trong tâm trí của gã thợ mộc này, ngay khi bắt đầu kể chuyện đời mình từ những thớ gỗ, vẫn ít nhiều có hơi hướm của một làng mộc nức tiếng một thuở.
Ngược dòng thời gian những ngày rất cũ, nhiều người vẫn còn dấu ấn về một người thợ trẻ tài hoa với dòng sản phẩm mộc mỹ nghệ được chạm trổ tinh vi, lạ lùng và mang rất nhiều cảm xúc.
Lúc ấy, đâu năm 2012, tôi vẫn nhớ tại cuộc trưng bày sản phẩm truyền thống làng nghề tại Hội An, người khắp nơi cứ mãi xuýt xoa về tác phẩm “Mỹ Sơn, phố chợ, Chùa Cầu” của một người thợ với tên mộc mạc: Bùi Văn Thu.
“Đó cũng là lần đầu tiên tôi tự tin mang đứa con tinh thần của mình đi triển lãm” - nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Thu nói. Sau chuyến ấy, người thợ trẻ làm nghề tự tin hơn, với chính say mê và tài nghệ của mình.
Trong suốt câu chuyện ở gian nhà hơn 2/3 diện tích để trưng bày sản phẩm mộc mỹ nghệ của cơ sở Vân Long - tên gọi xưởng sản xuất mà anh cùng vợ gầy dựng, là những hoài niệm về từng tác phẩm mà người đàn ông này kỳ công tạo tác.
Và tôi gần như quên hẳn một Bùi Văn Thu là ông chủ của doanh nghiệp sản xuất mộc mỹ nghệ, để cảm ở người đàn ông này lòng say mê quê nhà. Không học tập bài bản qua trường lớp, chỉ bằng cách kế tục, truyền nghề, rồi mày mò từ thực tế, vậy mà Bùi Văn Thu đủ bản lĩnh để kể cho người nghe về từng mảng miếng văn hóa góp nhặt làm nên danh vị cho anh ngày hôm nay.
Trong chừng mực câu chuyện về những sản phẩm anh đã mang ra thị trường, những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ anh làm để định vị tuổi tên trong các cuộc triển lãm, thì xuyên suốt vẫn là cảm hứng về quê hương, về linh hồn của những làng quê Việt.
Một người luôn đặt quê nhà trong từng câu chuyện, luôn mong sẽ góp chút sức mọn gìn giữ những giá trị văn hóa xưa, thì chắc hẳn phải là người tử tế. Tôi nghĩ vậy. Tử tế với cách anh làm, tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ trong sản phẩm.
Hay tử tế, ngay cách anh chọn chủ đề để liên tục đưa những sản phẩm mộc mỹ nghệ thành hàng lưu niệm với ý tưởng sẽ bày biện tuần tự những giá trị quý giá mà quê hương mình sở hữu. Là Chùa Cầu, là trăng phố Hội, là đền tháp cổ, là bóng nón hay thấp thoáng những mẹ quê trong phiên chợ chiều..., những hình ảnh đời thật tự khắc đi vào từng vân gỗ, từ đôi tay chạm trổ tài hoa của người thợ xứ Tam An.
Lòng an tĩnh
Bùi Văn Thu mang nhiều hơn dáng dấp của một nhà nông chân còn lấm lem phèn đất, hơn là một người thoáng ẩn hiện tư chất nghệ sĩ. Nhưng lạ lùng, càng trò chuyện, càng nhìn thấy ở người đàn ông này một kiến văn đáng nể từ chính tinh thần tự học, tự đọc của mình.
Anh say mê trung niên thi sĩ Bùi Giáng, và từng ngày chạm trổ nên hình dung nhà thơ bằng thứ gỗ mun với sắc màu gần như độc nhất. “Chạm khắc chân dung, với tôi gần như là nghệ thuật chạm trổ khó nhất. Làm sao để toát lên được thần thái của nhân vật, làm sao để người khác nhìn vào và đọc được phần nào cảm xúc người đã khắc họa” - Bùi Văn Thu nói.
Do vậy, anh chỉ chọn những chân dung mà mình tâm đắc, để tạc họa, đầu tiên là cho mình. Tôi hình dung những bức chạm trổ về dung nhan gần như là miền ẩn dật sau cùng của người làm nghề này - nơi những tiếng ồn thị phi không còn nghe thấy được, nơi người mang tâm hồn nghệ sĩ thanh thản và bằng an.
Một người họa sĩ tâm tình với tôi rằng, những con chim đẹp nhất, và hót hay nhất, khi ở trong môi trường của chúng, dù là một khu rừng đang cháy. Có lẽ đời này ai cũng như vậy, khi sống đúng với mê say làm đúng với thiên phú của mình, thì đều sẽ tận hiến trong hạnh phúc, dù có khi là bộn bề nghiệt ngã và thách thức.
Bùi Văn Thu có thái độ lạc quan và an tĩnh đến điềm nhiên. Mộc mỹ nghệ với anh vừa là sự nghiệp nhưng cũng là một cuộc chơi. Có lẽ lòng hãnh tiến đã khai mào cuộc chơi, nhưng chính tình yêu đã nuôi và duy trì cho cuộc đeo đuổi dài hơi đầy tính chuyên nghiệp.
Tôi nhớ khi gặp anh tại Festival nghề truyền thống vùng miền lần đầu được tổ chức tại Quảng Nam hồi cuối tháng 4 này, Bùi Văn Thu vẫn trăn trở về sự sống còn của làng nghề mộc Văn Hà.
Anh nói mình quá đau lòng khi tại làng nghề trăm năm này, một người bạn làm nghề - cũng là truyền nhân của cụ Đinh Thẩm, phải lắc đầu và bỏ nghề vì không còn đủ sức để đeo đuổi. Ở cuộc giữ gìn gần như là đơn độc này, những nghệ nhân như Bùi Văn Thu, có lẽ phải chịu nhiều hơn những mất mát nữa...
Ở xưởng Vân Long, anh vừa sắm chiếc máy CNC - công nghệ tạo khắc để giúp làm ra hàng loạt sản phẩm mỹ nghệ. Mua để ứng dụng sản xuất 2 sản phẩm mà anh vừa được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, mang tên “Người mẹ thời gian” và “Khát vọng tuổi trẻ”, vẫn những hình ảnh là dấu ấn của Quảng Nam làm chủ đạo.
Tham gia OCOP nghĩa là anh phải chấp nhận câu chuyện vươn ra thị trường với số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giá cả ở tầm mức có thể chấp nhận được. Đó cũng là nghịch lý của những người làm mộc mỹ nghệ truyền thống, ít ra với người đau đáu giữ nghề như Bùi Văn Thu. Bởi lẽ, mỗi sản phẩm thủ công gần như là một nét bào, nét chạm, nét khắc khác nhau từ chính đôi bàn tay người thợ.
Ứng dụng công nghệ, ở một góc độ nhất định, có lẽ ít nhiều sẽ giết chết những sáng tạo mà chỉ ẩn hiện ở đôi tay tài hoa của người có thiên phú. Và chắc chắn sẽ dập tắt những xúc cảm của người tạo tác, vì máy móc, đã có thể làm thay con người. Hẳn cũng chính công nghệ ứng dụng sẽ là căn cớ ngày càng ít đi những thợ trẻ theo nghề.
“Nhưng nếu không theo công nghệ, chúng tôi không đủ sức để giữ nghề. Nên buộc lòng chỉ có thể lấy cái này nuôi cái kia” - Bùi Văn Thu nói. Và may mắn, người đàn ông này có cả vợ và con đều dốc lòng vì điêu khắc gỗ truyền thống. Nên lòng an tĩnh trước những xoay trở của thời cuộc, tôi đồ rằng phải xuất phát từ những vun đắp của cả người bên cạnh...