Gò Nổi trong tuổi xuân mù sương

PHẠM PHÚ PHONG 30/01/2022 09:31

(Xuân Nhâm Dần) - Ai cũng nghĩ rằng thời gian luôn chuyển động. Có người như một triết gia ngồi “nhìn những mùa thu đi” hoặc ví “thời gian tựa cánh chim bay”, lại còn thấy được cả tốc độ “thời gian như bóng câu qua cửa”...

Đồng hoa hướng dương ở Gò Nổi. Ảnh: Q.T
Đồng hoa hướng dương ở Gò Nổi. Ảnh: Q.T

Với tâm hồn luôn nhuốm màu sương khói của tôi, dường như thời gian luôn đứng yên một chỗ, giương đôi mắt to tròn khắc nghiệt nhìn cuộc sống trôi qua, đầy những biến đổi, có cả sự ảo diệu, nhanh chậm tượng hình, như thước phim quay chậm, có những giao thoa, nhòe mờ, chồng lấp mù sương.

Những gì còn đọng lại, được lưu giữ như những ô ngăn trong ký ức bụi mờ luôn thể hiện phẩm hạnh của con người. Những người cả đời chạy theo danh vọng, tiền tài, đạt được càng nhiều càng choán chật những ô ngăn kia, không có chỗ cho ký ức an trú, nên đôi khi trở nên trống rỗng, vô cảm, lạnh lẽo, đơn côi.

1. Khi chuẩn bị bước vào ngưỡng tuổi của người “xưa nay hiếm”, tôi muốn lắng nghe ký ức phôi pha đang nói những gì, nên ngồi tỉ mẩn lôi những ô ngăn phủ bụi mù sương, mới nhận ra rằng cái ngăn nặng đầy trong tôi là ký ức tuổi thơ về quê hương Gò Nổi, gắn liền với những mùa xuân.

Có lẽ, bắt nguồn từ sự đa đoan của dòng sông Thu Bồn khi chảy về đến Giao Thủy rẽ thành hai nhánh, một nhánh chảy xuôi, một nhánh vòng qua làng Tư Phú quê hương của chí sĩ Trần Cao Vân, người đã từng tuyên bố rằng, đất này là “đất sinh ra người tài giỏi, có quyền đuổi giặc yên dân”.

Nơi hợp lưu hai dòng để xuôi về Cửa Đại là đoạn cầu Câu Lâu. Sông chia rồi nhập, tạo nên mảnh đất gò nhỏ lắm bến, nhiều bãi, là nơi những biền dâu xanh ngắt, quê xưa một thời ươm tơ, dệt lụa hiện hình những đường cong thiếu nữ nhấp nhô trong ký ức bao thế hệ chưa xa.

Gò Nổi trong con mắt tuổi thơ tôi là dòng sông uốn cong, xanh điệp màu với biền dâu và chân trời dài xa tít tắp. Sát biền dâu xanh ngút mắt bởi phù sa bồi đắp đôi bờ, là thảm cỏ lùng non xanh, một thằng bé bảy tuổi là tôi, chăn số bò nhiều hơn số tuổi.

Những trưa hè tôi đóng cọc buộc bò kẻo chúng ăn dâu, rồi ngâm mình trôi theo dòng nước mát, ngửa mặt nhìn trời hát nghêu ngao, hoặc mơ về một tiếng ve kêu, một âm thanh dế rúc, một tiếng chim gù trên ngọn cây cao...

Lạ, cái thời không ti vi, không sách báo, chưa biết chữ “nhứt một” nên có sách cũng không đọc được, ước mơ của một thằng bé chăn bò nối dài suốt nhiều năm trời, đều không vượt qua ngọn cỏ, bờ tre!

Có hôm đang mơ màng thì nghe tiếng người la thất thanh, bò đứt dây ăn dâu người ta, có khi tồng ngồng không kịp mặc đồ, đã phải chạy đuổi bò và bị người ta đuổi theo dọa đánh cả bò lẫn đứa chăn ham chơi.

Có khi đang tưởng mình trôi về biển cả mù khơi, thì bò động đực giật đứt dây vụt chạy, thằng bé nước mắt ngắn dài chạy theo bò bán sống bán chết đến đầu đồng, cuối bãi muốn hụt cả hơi.

2. Sau này, tôi có tham gia viết báo, rồi đứng ra thành lập khoa báo chí cho trường, tôi mới nghiệm ra rằng, hai nguồn thông tin giải trí mà thời ấy thỉnh thoảng tôi được tiếp nhận một cách say mê là từ hai người hàng xóm: chiếc radio của ông Tư và giọng đọc truyện của chú Phục.

Đó là những truyện Tàu, viết theo lối chương hồi, in khổ nhỏ, có minh họa, mỗi truyện một chương, bán ba xu một cuốn, tôi say mê nhất là Tôn Tẫn Bàng Quyên, cho đến bây giờ sau bao nhiêu năm tôi vẫn có thể kể lại được.

Chiều chiều, sau công việc đồng áng về, tắm rửa, cơm nước xong, ông Tư ngồi uống nước ở bộ bàn ghế nhà trên, mở radio cho cả nhà và hàng xóm đến nghe, vì cả xóm Đình của tôi gần chục gia đình chỉ nhà ông Tư có chiếc radio.

Máy được đặt trang trọng trên bàn khách giữa nhà, sau bức màn mà bên trong là gian thờ, phủ lên một tấm vải màu đỏ, chỉ có người lớn và là đàn ông thì mới được mời ngồi trên ghế để nghe và cùng chủ nhà đàm đạo, bọn trẻ chúng tôi chỉ được ngồi lê la ngoài thềm đất lắng nghe say sưa, nhất là những chương trình vui xuân đón tết...

Trong đầu óc non nớt trẻ con của tôi thời đó, không biết bao nhiêu lần hiện ra câu hỏi, làm thế nào mà bên dưới cái làn vải đỏ bí hiểm kia, người ở đâu phát ra tiếng nói, thật là linh thiêng như một phép màu.

Đêm về, tôi thường sang nhà chú Phục ngủ, để nghe chú đọc truyện. Cho đến bây giờ, đã trải qua hơn sáu mươi năm, nhắc lại chuyện này tôi vẫn còn nghe giọng đọc rõ ràng, trong trẻo của người đàn ông thần kinh không bình thường, đã bước qua tuổi ba mươi chưa lập gia đình, sống với ruộng vườn để nuôi người mẹ già bị điên.

Có lẽ, tôi yêu văn học từ giọng đọc của chú và tôi sớm rời bỏ đàn bò đi tham gia cách mạng, làm liên lạc cho một đơn vị bộ đội địa phương là từ cái chết của chú. Là dân thường và do thần kinh không ổn định, chú bị bắt trong một trận càn, bị tra tấn và bị giết trước mắt tôi một cách dã man, mà ký ức tuổi thơ của tôi đã bao lần cố xóa, nhưng khó mà phai mờ...

3. Gò Nổi trong tôi là mùi thơm và cay cay đôi mắt của những cuộn khói đốt đồng sau mùa gặt, lẫn trong mùi phân khô trâu bò mà bọn trẻ chúng tôi ném vào trong lửa; là những cơn mưa xuân còn kéo dài qua mùa thu, mùa hạ, đám trẻ chúng tôi cũng lớn dần, thế mà cả trai lẫn gái vẫn cởi hết áo quần, gọi vang xóm rủ nhau đi tắm mưa...

Cách đây mấy tháng, trước đợt dịch lần thứ tư bùng phát, có mấy người bạn từ Mỹ về, từ Sài Gòn ra, bây giờ người nào cũng đã là bà nội, bà ngoại, kẻ nghỉ hưu, người thương gia giàu có. Buổi chiều ngồi trên nhà hàng nổi Sông Hương, nhìn dòng nước trong xanh biêng biếc, lòng chúng tôi bỗng chợt nhớ Thu Bồn. Một “bà nội” mà thời gian đã nhẫn tâm cày xới nhiều nếp nhăn trên gương mặt ngày xưa đẹp như thiên thần, đột ngột hỏi tôi, ông có nhớ cái thời chiều nào cũng gọi nhau tắm mưa?

Nhớ chớ sao không. Chẳng hiểu sao, đã mười một, mười hai tuổi, đã tham gia sinh hoạt đội thiếu niên, mà trai gái chiều nào vẫn tồng ngồng đùa giỡn dưới mưa? Lại lăn tăn, vì sao mà tắm truồng hè? Vì thời đó tắm bận đồ thì sau đó lấy chi mà mặc...

Sau mùa xuân 1968, chúng tôi ly tán mỗi đứa mỗi nơi, tôi bị bắt vào giam lao Kho đạn, nhưng trong mỗi chúng tôi đều mang theo bên mình bóng tre xanh của làng quê, hơi thở của rơm rạ ruộng đồng, dòng nước mát của sông quê, bởi nhờ đó mà chúng tôi có được nhựa sống mùa xuân để nẩy lộc đâm chồi, đầy kiêu hãnh để lớn khôn thành người.

Với tôi, còn có lời dặn dò của ba tôi khi tôi rời “trạm đường dây” không ra miền Bắc học mà ở lại để “chơi trò chiến tranh với Mỹ”; còn có giọng đọc truyện của chú Phục và bóng hình người bạn gái dưới mưa... Tôi giàu có hơn khi còn có cả một chân trời ký ức, dẫu có đầy mù sương nhưng chẳng dễ phôi pha.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gò Nổi trong tuổi xuân mù sương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO