Gỡ "nút thắt" cho công nghiệp Tam Kỳ

TƯỜNG VY 24/04/2015 08:57

Nhiều bất cập về cơ chế, chính sách khiến ngành công nghiệp TP.Tam Kỳ gặp rất nhiều khó khăn để phát triển.

“Đứng bánh”

TP.Tam Kỳ hiện quản lý 1 khu công nghiệp (CN) và 3 cụm CN - tiểu thủ công nghiệp (gọi tắt là cụm CN). Cụm CN Trường Xuân 1 ra đời sớm nhất trên địa bàn Tam Kỳ, được phê duyệt quy hoạch năm 2003 với diện tích 16ha. Đây được coi là “hình mẫu” của CN Tam Kỳ khi đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, điện nước, giải phóng mặt bằng sạch với tổng kinh phí 16 tỷ đồng từ khá sớm. Cạnh đó đã hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải 6 tỷ đồng (nguồn tài trợ của Đan Mạch) và hệ thống thu gom nước thải 2,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh). Hiện nay cụm CN Trường Xuân 1 đã được lấp đầy 100% với 18 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Tại đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển khá tốt, góp phần giải quyết lao động và nộp ngân sách cho địa phương. Chẳng hạn như Công ty TNHH Tuấn Đạt với ngành nghề may gia công hàng xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 2.400 lao động, doanh thu năm 2014 đạt hơn 410 tỷ đồng. Hay doanh nghiệp may Kim Anh, Công ty TNHH Tân Bình, mỗi đơn vị giải quyết trên 200 lao động, doanh thu gần 30 tỷ đồng mỗi năm.

Công ty TNHH Tuấn Đạt là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Ảnh: T.V
Công ty TNHH Tuấn Đạt là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Ảnh: T.V

Tuy nhiên, ngoại trừ cụm CN Trường Xuân 1, các khu, cụm CN còn lại đều rơi vào khó khăn. Khu CN Thuận Yên (230ha) được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và dự án đầu tư từ năm 2001, giao cho Công ty CP Vinaconex 25 quản lý đầu tư. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, trong đó có “qua tay” 1 đơn vị nữa nhưng không thành công, năm 2010 UBND tỉnh mới quyết định giao cho TP.Tam Kỳ tiếp tục quản lý để đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư. Có chủ mới, khu CN Thuận Yên được đầu tư 34 tỷ đồng hoàn thiện đường trục chính gồm các hạng mục như cấp thoát nước, điện chiếu sáng; 12,5 tỷ đồng cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch kêu gọi nhà đầu tư. Nhờ đó, đến nay tại đây đã thu hút được 14 doanh nghiệp đầu tư; trong đó nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Công ty CP Da giày Phước Kỳ Nam, TNHH Minh Phương, Xây lắp điện Quảng Nam.

Cùng số phận như khu CN Thuận Yên, tuy nhiên 2 cụm CN khác là Trường Xuân - Thuận Yên và Trường Xuân 2 lại lận đận hơn khi đang bị “đứng bánh” trong triển khai đầu tư. Cụm CN Trường Xuân - Thuận Yên (gần 49ha) được Tam Kỳ phê duyệt năm 2005 và được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trục đường chính, có lợi thế nằm dọc đường Nguyễn Hoàng nên rất thuận lợi cho phát triển. Tuy nhiên, sau 10 năm đến nay TP.Tam Kỳ chưa có nguồn kinh phí để bố trí đầu tư xây dựng. Tương tự, cụm CN Trường Xuân 2 (gần 33ha) được Tam Kỳ phê duyệt năm 2009 và UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trục đường chính. Thế nhưng, tất cả đến nay vẫn án binh bất động và cũng chưa được giải phóng mặt bằng.

Gỡ “nút thắt”

Khó khăn trong đầu tư xây dựng do nguồn lực hạn chế một phần, các khu, cụm CN trên địa bàn Tam Kỳ còn gặp vướng mắc rất lớn do cơ chế, chính sách. Theo UBND TP.Tam Kỳ, khu CN Thuận Yên là một trong những khu CN được hình thành đầu tiên của tỉnh và được Chính phủ đưa vào danh mục các khu CN được hưởng cơ chế hỗ trợ ngân sách của trung ương về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng đến nay khu CN này chưa được hưởng chính sách hỗ trợ này. Trong khi đó, cụm CN Trường Xuân - Thuận Yên và Trường Xuân 2 do vướng thời điểm phê duyệt quy hoạch theo quy định nên cho đến nay vẫn chưa được lập thủ tục thành lập để có thể tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh và Trung ương. Tuy nằm sát bên cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai nhưng lại không được hưởng những chính sách ưu đãi hấp dẫn từ Khu kinh tế mở Chu Lai nên rất khó khăn trong thu hút đầu tư.

Theo ông Bùi Quốc Đinh - Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, những vướng mắc về cơ chế chính sách đã kìm hãm sự phát triển của các cụm, khu CN trên địa bàn Tam Kỳ. Vì vậy, thành phố kiến nghị tỉnh xem xét cho khu CN Thuận Yên được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Quyết định 43 (19.3.2009) của Thủ tướng Chính phủ như khu CN Đông Quế Sơn. Đồng thời kiến nghị Trung ương cho khu CN Thuận Yên được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư như Khu kinh tế mở Chu Lai để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp. Đối với 2 cụm CN chưa có quyết định thành lập, tỉnh tạo điều kiện cho thành phố lập các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có như vậy thì 2 cụm CN này mới được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh theo Quyết định 06. Ngoài ra, cần điều chỉnh cơ chế đối với Tam Kỳ tại Nghị quyết 191 của HĐND tỉnh theo hướng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CN, thương mại, dịch vụ trên địa bàn thì toàn bộ tiền thuê đất trả tiền một lần mà doanh nghiệp phải nộp được điều tiết 100% về ngân sách thành phố để tái đầu tư hạ tầng.

Với những vướng mắc hiện nay, rõ ràng các khu, cụm CN trên địa bàn Tam Kỳ chỉ có thể phát triển nếu được tháo gỡ những “nút thắt” nêu trên. Nhưng không chỉ có vậy, song hành với đó phải là nỗ lực của địa phương, doanh nghiệp. Những động thái vừa qua, rất cần nhưng vẫn chưa đủ. Tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính, duy trì thường xuyên và có hiệu quả các cuộc đối thoại để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là những đòi hỏi chính đáng và cần thiết.

TƯỜNG VY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ "nút thắt" cho công nghiệp Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO