Chuyện đầu tuần

Gỡ "nút thắt" PAPI

LÊ VŨ 08/07/2024 07:39

Năm 2024, Quảng Nam lại khẳng định quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh…

Quyết tâm này nhằm cải thiện chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) để thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Sau thời gian đầu khó khăn, mục tiêu trên càng có thêm động lực hoàn thành khi các chức danh lãnh đạo UBND tỉnh đã được kiện toàn và Quảng Nam vẫn còn 6 tháng cuối năm để hiện thực hóa đạt kết quả nếu mỗi cá nhân trong tập thể đều quyết tâm.

Sở dĩ nói “lại khẳng định quyết tâm” là vì năm nào UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, nhưng kết quả thường không như mong đợi; nhất là năm 2023 chỉ đạt 40,59 điểm, tụt 17 bậc và xếp thứ 48 trong 61 tỉnh thành, thuộc nhóm 16 tỉnh thành đạt điểm thấp nhất.

Chỉ số PAPI của Quảng Nam tiến thì bước chậm, lùi thì nhảy xa. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ tỉnh còn có nhiều “nút thắt” bởi các quy định, chính sách chưa phù hợp từ cấp trên.

Xin nêu một ví dụ sát sườn: Từ cuối năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, và đang chỉ đạo tham mưu phân cấp đối với 2 thủ tục hành chính.

Ngoài ra, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 6 quyết định ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, với tổng số 201/390 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 30, ngày 5/3/2020 của Chính phủ, việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhưng vẫn phải sử dụng con dấu của UBND tỉnh. Quy định này làm hồ sơ phải chạy ngược, dẫn đến kéo dài thời gian, chưa thực sự theo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính.

Xây dựng chính quyền liêm chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đây vừa là mục tiêu hướng đến, vừa là giải pháp cải thiện chỉ số PAPI; nhưng có đến được đích để nâng cao chỉ số này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam vào cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhìn nhận “khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp là cơ chế, thủ tục còn rườm rà” và ông không đồng tình với cách làm “còn nhiêu khê, kéo dài thủ tục hành chính không cần thiết”.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định “tỉnh sẽ vào cuộc rà soát, vướng mắc nào nếu vượt thẩm quyền sẽ đề xuất Trung ương tháo gỡ, nếu thuộc thẩm quyền của địa phương thì tỉnh sẽ tập trung nỗ lực xử lý…”.

Những giải pháp nào cần tập trung thực hiện?

Trước hết, tăng cường công khai thông tin và tiếp cận của công dân đối với các quyết định chính sách. Đảm bảo rằng các dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Một điều quan trọng, quá trình xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính không chỉ cần đơn giản hóa để giảm rườm rà, mà còn phải minh bạch hóa để ngừa tiêu cực.

Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc giám sát và đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương; điều này có thể thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền…

Suy cho cùng, dù là cách nào thì giải pháp quyết định vẫn nằm ở con người, cả cán bộ lãnh đạo và người thừa hành. Riêng với người đứng đầu, có thể không phải việc gì cũng đứng ra làm, nhưng cũng không phải đã phân cấp, ủy quyền là xong trách nhiệm, mà phải vào cuộc; đã phân công, phân nhiệm thì phải rõ người rõ việc, sát sao theo dõi, đánh giá, nhắc nhở... mới đem lại hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ "nút thắt" PAPI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO