Song song với kiến nghị tìm kiếm một “ông chủ” đủ năng lực để tổ chức thăm dò, khai thác và quản lý sau khi đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, Quảng Nam kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho phép đưa khu vực khoáng sản cát trắng vùng Đông của tỉnh ra khỏi Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia. Đây được xem là những rào cản về mặt tài nguyên mà tỉnh đang nỗ lực cùng các bộ ngành tháo gỡ.
Không phải đóng cửa mỏ là xong
Ngày 1.4, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên có buổi khảo sát thực địa và làm việc với UBND tỉnh. Liên quan đến mỏ vàng Bồng Miêu, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong quá trình chờ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, nhiều vướng mắc đã nảy sinh.
Bên cạnh những phức tạp do tình hình khai thác khoáng sản trái phép, vẫn chưa có quy định về việc chuyển kinh phí từ ngân sách địa phương về Trung ương để thực hiện đề án và cơ chế chi trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã giải thể, phá sản.
Ngày 15.3, Bộ TN-MT ban hành Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu. Trên cơ sở quyết định này, ngày 28.3, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại Bồng Miêu, giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện đề án, các sở, ngành liên quan phối hợp triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, rất khó dứt điểm việc khai thác trái phép tại khu vực Bồng Miêu. “Sau 5 năm, đã phát sinh nhiều điểm khai thác trái phép, trong khi xác định địa điểm đóng cửa mỏ chỉ ở một số khu vực. Do đó phải vừa triển khai đề án, vừa ngăn chặn khai thác trái phép, vừa có phương án triệt để hơn.
Tỉnh kiến nghị thực hiện song song: vừa đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán và các công tác tiếp theo để thực hiện đề án đóng cửa mỏ; vừa tính toán đến việc cho đấu giá, đấu thầu công khai, minh bạch chọn lựa một nhà đầu tư để thăm dò, đánh giá trữ lượng, quản lý và khai thác.
Phải có ông chủ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý; chính quyền không thể đưa quân mãi để lên giữ bãi vàng Bồng Miêu” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề xuất.
Tránh lãng phí tài nguyên
Đối với nguồn tài nguyên cát trắng ở vùng Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, lâu nay việc khai thác khoáng sản cát trắng rất manh mún, khi nào có dự án được cấp phép mới làm thủ tục xin khai thác, rất mất thời gian. Trong khi trên thực tế, vùng cát trắng nằm không đồng đều, rải khắp vùng Đông.
“Đây là vùng động lực phát triển, Quảng Nam mong muốn Bộ TN-MT rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia ở khu vực vùng Đông, cho phép tỉnh lập thủ tục khảo sát thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác nhanh khoáng sản nêu trên trong giai đoạn 2022 - 2030 để phục vụ chế biến sâu cát trắng theo định hướng hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành silicat tại Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị.
Nhận định chủ trương của tỉnh là hoàn toàn xác đúng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, bài toán khó là cân bằng giữa khai thác khoáng sản và phát triển bền vững, dự trữ lâu dài cho con cháu, đảm bảo an ninh năng lượng. Quảng Nam là địa phương giàu khoáng sản, bộ đã hoạch định một số diện tích quy mô nhỏ để khai thác tài nguyên.
Không nhà nước nào có kinh phí để giữ suốt đời. Bộ tán thành quan điểm của tỉnh, nên có một tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực quản lý, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, chứ không phải đóng cửa mỏ là xong, không thể giữ 24/24 giờ, 365/365 ngày. Nên chọn hướng tổ chức đấu giá hoặc lựa chọn đơn vị có đủ năng lực tài chính, công nghệ để cấp phép thăm dò khai thác thì mới có thể giải quyết triệt để.
Đối với dự trữ cát trắng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, dự trữ phải là dự trữ lớn, có sản lượng lớn, do đó Bộ sẽ xem xét kiến nghị những diện tích nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp hoặc các dự án đã được Thủ tướng cấp phép thì sẽ đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, tạo mặt bằng sạch cho tỉnh triển khai các dự án, một phần trong số đó sẽ đồng ý thăm dò khai thác.
“Việc này vừa đảm bảo tránh lãng phí tài nguyên, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, giảm bớt áp lực trong việc quản lý của chính quyền, các cấp ngành địa phương” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.