Quảng Nam đang triển khai đồng bộ giải pháp để góp phần cùng cả nước đáp ứng các khuyến cáo, thoát khỏi “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 10.2017.
Tàu cá phải đáp ứng nhiều tiêu chí mới được xuất bến vươn khơi. Ảnh: V.QUANG |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, ra quân kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá không chỉ để gỡ “thẻ vàng” thủy sản mà còn nhằm mục đích phát triển bền vững nghề cá của tỉnh. Do đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ vào cuộc để tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác hải sản.
Ngư dân hưởng ứng
Đội tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ bán hải sản rồi nhổ neo vươn khơi sản xuất trong những ngày qua. Nhiều ngư dân chia sẻ rằng, chính bản thân không muốn tàu nước ngoài xâm phạm ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì không có lý do gì mình lại vượt ra ngoài vùng biển của Tổ quốc để đánh bắt. “Ngư trường truyền thống của nước ta dồi dào hải sản nên chỉ cần chuyên cần và năng động là có thể thu được sản lượng cá, mực lớn sau mỗi chuyến biển. Chúng tôi sản xuất trên các vùng biển xa vừa vì sinh kế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, do đó không việc gì phải xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nước khác để đánh bắt hải sản” - ngư dân Nguyễn Quang Tiến (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91471 có công suất 450CV theo nghề lưới vây nói. Ngư dân Trần Anh - bạn biển lâu năm của anh Tiến nói: “Tôi được biết không ít ngư dân trên địa bàn huyện đi “bạn” cho các tàu của tỉnh khác đã sang các vùng biển của Indonesia, Malaysia đánh bắt hải sản trái phép và bị bắt, giam giữ lâu ngày. Không chấp nhận rủi ro như vậy nên trước khi làm lao động cho chủ tàu tôi đòi hỏi cam kết không sang vùng biển nước bạn khai thác hải sản”.
Thời điểm này, trạm kiểm soát tàu cá thuộc các đồn biên phòng bố trí khắp địa phương ven biển như Kỳ Hà (Núi Thành), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bình Minh (Thăng Bình), Cửa Đại (Hội An) đều hướng dẫn, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi sản xuất trên biển, không xâm phạm vùng biển của nước bạn, không dùng thuốc nổ để khai thác hải sản. Trước khi ra biển, chủ tàu bắt buộc phải đưa phương tiện đến trạm kiểm soát biên phòng, xuất trình hồ sơ giấy tờ để được kiểm tra, gồm giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, sổ nhật ký, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và sổ danh bạ thuyền viên. Cán bộ kiểm soát biên phòng kiểm tra tỉ mỉ hồ sơ, giấy tờ liên quan. Nếu đáp ứng sẽ tiến hành bước tiếp theo là kiểm tra kỹ càng trang thiết bị đảm bảo an toàn hàng hải, phao cứu sinh, thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, kiểm tra ngư cụ, thuyền viên trên tàu. Thượng tá Đinh Đức Liên - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, khi các nội dung kiểm tra đạt yêu cầu, lực lượng chức năng mới cho phép chủ tàu điều phương tiện xuất bến.
Khẩn trương hành động
Ngày 23.10.2017, EC ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Theo đó, đến ngày 23.4.2018, nếu Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót theo khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) thì sẽ rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc các mặt hàng thủy sản của Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thời gian để đáp ứng các yêu cầu của EC không còn nhiều nên Quảng Nam phải khẩn trương triển khai các giải pháp, cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Do đó công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên biển sẽ được thực hiện gắt gao trong thời gian đến. Lực lượng thanh tra thủy sản sẽ tổ chức thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ nguồn lợi hải sản; khai thác hải sản; quản lý tàu cá và thuyền viên; đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Nếu vi phạm, các chủ tàu cá sẽ bị phạt nặng. Công tác tuần tra sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát nhóm tàu làm nghề giã cào, việc sử dụng xung điện, chất nổ hay các nghề đắnh bắt làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi hải sản; đồng thời ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt hải sản sai vùng, sai tuyến. Chi cục Thủy sản sẽ sử dụng hệ thống thông tin trạm bờ và các kênh thông tin khác để kiểm tra, phân tích, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu cá.
Công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá cũng sẽ được tiến hành ở các cảng cá. Ban quản lý cảng cá kiểm tra hồ sơ, thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác, đối chiếu các thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác của tàu cá. Khi tàu cá đáp ứng đầy đủ các quy định, ngành chức năng đóng dấu xác nhận và thu hồi nhật ký khai thác. Trường hợp phát hiện tàu cá vi phạm quy định pháp luật về thủy sản, Ban quản lý cảng cá lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Ban quản lý cảng cá có trách nhiệm lưu trữ nhật ký khai thác, giấy kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản của các tàu cá để làm cơ sở cho việc xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác; định kỳ hằng tháng chuyển dữ liệu kiểm tra về Sở NN&PTNT lưu trữ. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc kiểm tra, thanh tra tại cảng cá bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo khuyến nghị của EC. Cụ thể, ít nhất 20% sản lượng cá ngừ chuyển từ tàu cá lên bến được kiểm soát; 5% sản lượng cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ được kiểm soát khi lên bờ.
VIỆT NGUYỄN