Gỡ "thẻ vàng" thủy sản: Ngổn ngang nhiều phần việc

VIỆT NGUYỄN 11/07/2023 07:40

Thời điểm đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sang nước ta kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) lần thứ 4 thay vì tháng 5 đã giãn đến tháng 10. Dù vậy, việc gỡ “thẻ vàng” vẫn còn ngổn ngang nhiều phần việc.

Quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản đang là điểm yếu trong chống khai thác IUU của tỉnh do hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu. Trong ảnh: Ngư dân cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản đang là điểm yếu trong chống khai thác IUU của tỉnh do hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu. Trong ảnh: Ngư dân cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vẫn còn khai thác bất hợp pháp

Trong 3 lần trước đến kiểm tra, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) đã nhấn mạnh nếu còn để tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, Việt Nam sẽ không được rút “thẻ vàng”.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam đã vượt ranh giới cho phép khai thác hải sản. Cụ thể, tàu cá QNa-94916 do ông Trần Đình Lên làm thuyền trưởng đã vượt ranh giới vịnh Bắc Bộ hay tàu cá QNa-91697 của ông Phan Bá Tầm làm chủ đã vượt quá vùng biển Trường Sa để đánh bắt hải sản.

Trung tá Nguyễn Bá Tố - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Núi Thành) cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ tàu cá có chiều dài 15m trở lên phải lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình; tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá để ngăn chặn, xử lý vi phạm về khai thác IUU.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, từ năm 2021 đến nay Quảng Nam có 2 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt và tịch thu tàu. Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình và vượt ranh giới cho phép trên biển. Lực lượng chức năng của tỉnh rất khó khăn để liên lạc và yêu cầu tàu cá quay về vùng được phép khai thác của Việt Nam theo quy định.

Trong khi đó, công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc (TXNG) hải sản vẫn là điểm yếu trong chống khai thác IUU của tỉnh. Nguyên nhân là hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu, lại thiếu nguồn nhân lực tại các cảng để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá và sản lượng hải sản khai thác theo quy định.

Ở phía bắc của tỉnh chưa có cảng cá chỉ định nên các tàu xuất, nhập ở bãi ngang của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và bến cá Hội An, các bến cá tư nhân tự phát nên phần lớn sản lượng khai thác hải sản chưa được giám sát qua cảng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, tổng số lượt tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản qua 2 cảng chỉ định là Tam Quang và An Hòa (Núi Thành) là 1.339 lượt với tổng sản lượng hải sản bốc dỡ chỉ hơn 2.000 tấn, quá ít so với thống kê sản lượng hải sản khai thác 6 tháng đầu năm (đạt hơn 50.000 tấn).

Cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase) đối với khối tàu có chiều dài dưới 15m gặp khó khăn do thống kê của 6 địa phương nghề cá còn chậm. Đây cũng là bất cập trong việc thống kê, báo cáo TXNG hải sản, thống nhất dữ liệu tàu cá… Do đó, tiến tới công nghệ số hóa nghề cá và khắc phục IUU còn vướng.

Nhiều việc phải làm

Đối với các tàu cá vượt qua vùng biển nước ngoài không thể không áp dụng chế tài xử phạt nặng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu ngành thủy sản nghiêm túc trong xử phạt các tàu cá vi phạm để triển khai hiệu quả khuyến nghị của EC. Quan trong hơn, xử phạt mạnh tay để đưa nghề cá vào nền nếp, phát triển nghề khai thác hải sản bền vững chứ không phải là làm để đối phó với EC.

Ông Hồ Quang Bửu nói, ngành thủy sản thường xuyên thông báo, cảnh báo các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài đến các địa phương ven biển và các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng, công an, qua đó phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ, xử lý các tàu cá vi phạm.

Nhằm khẩn trương gỡ “thẻ vàng” cùng cả nước và thực hiện chủ trương ổn định lâu dài cho nghề cá của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm giúp ngư dân tiết kiệm thời gian, quản lý tốt sản lượng khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong TXNG hải sản.

Bộ KH-ĐT cần quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn để tỉnh sớm nâng cấp khu neo đậu và cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) để đáp ứng nhu cầu neo đậu, TXNG hải sản của ngư dân.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần hướng dẫn ranh giới được phép khai thác tại các khu vực biển chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước khác để vừa đảm bảo an ninh chủ quyền trên biển vừa hạn chế tình trạng tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý...

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Nam đang khẩn trương thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Về xác nhận, chứng nhận và TXNG hải sản khai thác, tỉnh thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, đảm bảo hồ sơ TXNG cho các lô hàng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU và các thị trường khác.

Đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định; thuyền trưởng phải thông báo trước 1 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.

Ngành thủy sản và các địa phương ven biển khẩn trương rà soát tàu cá có chiều dài dưới 15m, số tàu cá chưa được cấp phép khai thác thủy sản, kịp thời cập nhật các số liệu đăng ký tàu cá, cấp phép tàu cá vào hệ thống Vnfishbase...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ "thẻ vàng" thủy sản: Ngổn ngang nhiều phần việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO