Phần lớn nông sản Quảng Nam được nông hộ sản xuất với quy mô nhỏ, chưa chuyên môn hóa, khó đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Con đường phát triển tất yếu để phát triển nông sản hàng hóa, gia tăng chất lượng và xuất khẩu là liên kết sản xuất theo chuỗi.
NÔNG SẢN GẶP KHÓ ĐẦU RA
Từ câu chuyện ớt và dưa hấu rớt giá hiện nay, có thể thấy những bất cập của ngành trồng trọt Quảng Nam vẫn lặp lại vì chưa có giải pháp hữu hiệu một cách tổng thể.
Người trồng ớt lao đao
Ớt đang lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá”. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho hay, đông xuân năm nay nông dân địa phương sản xuất 115ha ớt.
Nhờ hạt giống chất lượng tốt, nước tưới chủ động, quản lý tốt dịch hại nên ớt được mùa với năng suất cao, bình quân đạt 30 tấn quả tươi/ha. Tuy nhiên các năm trước ớt bán với giá 8.000 đồng/kg thì nay mức giá dao động 2.500 - 3.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, nông dân toàn thị xã trồng 270ha ớt. Mặc dù sản lượng ớt cao hơn năm ngoái nhưng do đầu ra sản phẩm quá khó khăn, giá thu mua giảm mạnh nên nông hộ thất thu khoảng 90 triệu đồng/ha so với trước. Như vậy, với 270ha ớt chuyên canh, đông xuân này thu nhập của nông dân Điện Bàn tụt giảm hơn 24 tỷ đồng.
Ở huyện Duy Xuyên, Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng phối hợp với một số HTX hình thành những vùng nguyên liệu và đầu tư xây dựng nhà xưởng để liên kết sản xuất ớt. Những mùa trước việc liên kết “thuận buồm xuôi gió” nhưng nay rơi vào khó khăn vì không thể xuất khẩu.
Ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết, với 27ha đất chuyên canh ớt, nếu tính năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha thì vụ này nông dân Duy Châu thu được khoảng 810 tấn quả tươi.
Theo hợp đồng, khi giá ớt trên thị trường tăng cao thì Công ty Việt Thắng thu mua sản phẩm của nông dân theo giá thị trường. Còn nếu giá ớt tụt giảm sâu thì phía doanh nghiệp mua sản phẩm với mức giá sàn 5.000 đồng/kg tươi. Tuy nhiên, do bế tắc xuất khẩu nên công ty chỉ thu mua ớt tươi với giá 4.300 đồng/kg.
Sản phẩm từ ớt của Quảng Nam bị ách tắc ở thị trường ngoài nước không là câu chuyện mới. Tháng 9.2018, Malaysia đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu đối với ớt do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp, người nông dân, HTX cần rà soát lại quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến ớt, phòng ngừa, kiểm soát nguồn hàng ngay từ ban đầu để tránh tái diễn tình trạng trên.
Nhiều bất cập
Hiện nay, giá dưa hấu đầu ra xuống quá thấp khiến người nông dân lao đao. Nhiều năm trước, tư thương thu mua dưa hấu tại ruộng ở xã Điện Quang với mức 5.000 đồng/kg thì nay giảm một nửa, chỉ 2.500 đồng/kg. Do sản lượng dưa hấu còn rất nhiều nên ngành nông nghiệp Điện Quang kêu gọi mọi người “giải cứu” giúp nhà nông.
Hàng nghìn hộ dân ở vựa dưa hấu lớn nhất tỉnh là Phú Ninh rầu rĩ vì đầu ra bế tắc. Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay, vụ này, Phú Ninh sản xuất 404ha dưa hấu và năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Trước đây, tư thương thu mua dưa hấu với giá 5.500 - 7.000 đồng/kg nhưng vụ này chỉ mua với giá 4.500 đồng/kg. “Đầu ra bấp bênh là bài toán khó cho sản xuất dưa hấu” - ông Anh nói.
Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh sản xuất hơn 500ha dưa hấu, tập trung chủ yếu tại Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phú Ninh. Do không thể xuất khẩu, chủ yếu là tiêu thụ nội địa nên đầu ra dưa hấu rất khó khăn, giá rớt thấp.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành trồng trọt Quảng Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến về canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản.
Khi chi phí sản xuất vẫn còn cao thì nền nông nghiệp chưa được công nghiệp hóa, tức là nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào năng lực của người nông dân. Chất lượng nhiều mặt hàng nông sản Quảng Nam chưa đảm bảo, chỉ mới đáp ứng được thị trường “dễ tính”, còn thị trường chất lượng cao thì chưa tiếp cận được.
“Để giải bài toán bất cập này đòi hỏi nền nông nghiệp trồng trọt phải thực hiện liên hoàn các quá trình gồm nhiều khâu, từ chọn giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đến khâu chế biến, xúc tiến thương mại, nhất là vươn ra thị trường xuất khẩu. Các khâu có tác động hỗ trợ với nhau mà mục đích cuối cùng là làm nâng giá trị gia tăng chứ không chỉ đơn thuần chỉ quan tâm đến thị trường đầu ra” - ông Ngô Tấn nói.
HIỆU QUẢ LIÊN KẾT SẢN XUẤT
Thực tế liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả khả quan. Một số mô hình sản xuất hàng hóa thành công với sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nhà nông.
Những ngày này, nông dân hối hả thu hoạch lúa giống, phơi khô rồi cân bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng.
Ông Võ Trúc (thôn Phú Phước, xã Đại Minh, Đại Lộc) thông qua HTX Nông nghiệp Đại Minh liên kết với Tập đoàn Thái Bình sản xuất 2,5 sào giống lúa thuần BC15 có gen kháng đạo ôn theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, các ruộng lúa giống BC15 sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Sau khi phơi xong, bình quân 1 sào thu được 400kg hạt lúa giống khô, bán toàn bộ cho công ty với giá 8.700 đồng/kg, đạt giá trị gần 3,5 triệu đồng/sào (500m2).
“So với làm lúa thương phẩm, việc liên kết với doanh nghiệp canh tác lúa giống hàng hóa giúp thu nhập của gia đình tôi tăng thêm 800 nghìn đồng/sào. Đặc biệt, mô hình liên kết này giúp nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất vì đã có doanh nghiệp lo đầu ra của sản phẩm” - ông Trúc nói.
Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh cho biết, đông xuân năm nay đơn vị đứng ra làm khâu trung gian để Tập đoàn Thái Bình hợp tác với hàng trăm hộ nông dân ở địa phương sản xuất 170ha hạt giống lúa thuần BC15 và TBR225. Người dân đã thu hoạch xong diện tích lúa giống và đang cân bán sản phẩm cho công ty.
“Theo thống kê, vụ này năng suất bình quân của các cánh đồng chuyên canh lúa giống BC15 và TBR225 ở xã Đại Minh đạt khoảng 8 - 8,5 tấn/ha. Với giá thu mua do doanh nghiệp đưa ra là 8.700 đồng/kg thì trung bình 1ha đất canh tác 2 loại giống lúa trên đạt giá trị từ 69,6 - 74 triệu đồng, cao hơn 14 - 16 triệu đồng/ha so với làm lúa thường” - ông Phi nói.
Nhiều mô hình HTX liên kết sản xuất với người nông dân trồng đậu phụng, mè đen, nếp Hương Lân rồi chế biến, xúc tiến thương mại, bán ra thị trường, đem lại hiệu quả cao. Nhờ sản xuất sạch, chế biến theo công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt chất lượng nên khả năng cạnh tranh cao, được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.
“Người nông dân tăng thu nhập, HTX cũng tăng lợi nhuận, mô hình đã nâng cao giá trị kinh tế thu được trên một đơn vị canh tác. Chúng tôi đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, đón đầu thị trường để tiếp tục liên kết, tổ chức người nông dân sản xuất hàng hóa lớn, khai mở các tiềm năng của địa phương” - ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Bình Đào (Thăng Bình) cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao vai trò “bà đỡ”, tiếp sức người nông dân sản xuất nông nghiệp của các HTX trên địa bàn tỉnh. Ông khuyến cáo các HTX nên ưu tiên đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất nông sản an toàn, tăng cường ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản.
GẮN NÔNG NGHIỆP VỚI DU LỊCH
Canh tác nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái đang là hướng mở ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, chính quyền huyện Nông Sơn hỗ trợ dân làng Đại Bình (xã Quế Trung) đầu tư sản xuất nông sản hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Mô hình trồng bưởi với quy trình sạch trên diện tích 31ha gắn với du lịch của 90 hộ dân làng Đại Bình đã cho thấy hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết: “Thời gian qua, mô hình canh tác bưởi kết hợp du lịch sinh thái ở làng Đại Bình đã đem lại hiệu quả kép. Những vườn cây tạo không gian xanh, rợp bóng mát đã thu hút nhiều khách về đây nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Từ đó, người dân địa phương tiêu thụ được lượng lớn trái cây tại chỗ và phát triển mới một số loại hình dịch vụ như ăn uống, nước giải khát... để tăng thêm nguồn thu nhập”.
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, những năm tới huyện sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân đầu tư phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.
“Các ngành chức năng của huyện đang kết nối, mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ trồng trọt hữu cơ để chế biến rượu, nước ép trái cây, tinh dầu, mứt... nhằm tạo đầu ra ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất trồng trọt” - ông Tùng nói.
Ở TP.Hội An, trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp đã phát triển thành tour du lịch theo chuỗi gồm sản xuất, thu hoạch, chế biến và ẩm thực, thưởng thức các món ăn, qua đó, thu được giá trị kinh tế lớn.
Như ở An Farm Hội An (thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà), Lê Phạm Thiên Hằng và các bạn trẻ đồng sáng lập đã trồng rau quả hữu cơ, chế biến sản phẩm hữu cơ tiêu dùng, kết nối tour tham quan du lịch, vừa phát huy nông nghiệp sạch, vừa thu được giá trị kinh tế khá, đặc biệt là lan tỏa xu thế sản xuất sạch ở địa phương.
“Mùa nào thức nấy, các món ẩm thực chúng tôi dày công đầu tư như trà thảo mộc, nước chanh dây, nước astisô, gừng ngâm mật ong, nghệ ngâm mật ong, mứt quật, mứt gừng, mứt dâu tằm... được du khách thích thú, ấn tượng. Chỉ mong dịch Covid-19 được khống chế để các giá trị sản xuất, kinh doanh ngày càng phát huy hơn nữa” - chị Hằng nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, để du lịch phát triển bền vững, trong chiến lược phát triển, TP. Hội An tập trung các giải pháp xây dựng thành phố văn hóa và sinh thái, trong đó đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái.
“Sản xuất rau củ quả hữu cơ gắn với du lịch sinh thái là một trong những điểm nhấn phát triển bền vững của thành phố. Mô hình này vừa tạo đà cho du lịch vừa giúp địa phương bảo vệ nguồn đất, nước, sinh thái nói chung, tránh bị ô nhiễm” - ông Hùng nói.
TẤT YẾU SẢN XUẤT THEO CHUỖI
Quảng Nam cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị vì đây là giải pháp cốt yếu để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung, nông sản hàng hóa nói riêng, qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Nhiều rào cản
Mấu chốt để sản xuất theo chuỗi là phải tích tụ ruộng đất. Nhiều địa phương đang tập trung cho nhiệm vụ này để tổ chức sản xuất quy mô lớn nhưng gặp nhiều thách thức. Thị xã Điện Bàn đã dồn điền đổi thửa được 2.300ha/5.400ha đất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, mặc dù số diện tích đất lúa đã dồn điền đổi thửa tương đối lớn nhưng chủ yếu diễn ra tự phát, mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn giữa các doanh nghiệp và những hộ dân chưa có.
Huyện Duy Xuyên cũng đã dồn điền đổi thửa được 2.500ha/5.400ha, trong đó có 565ha được tích tụ để triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Một vấn đề đáng chú ý, do nhiều hộ nông dân chuyển sang ngành nghề phi nông nghiệp nên thời gian qua có gần 50ha đất lúa bỏ hoang rải rác. Cạnh đó, tình trạng suy giảm thâm canh cũng diễn ra tại nhiều vùng, chiếm khoảng 20% số diện tích đất lúa nêu trên.
Trên toàn tỉnh xảy ra tình trạng nhiều hộ nông dân bỏ hoang đất sản xuất hoặc suy giảm thâm canh nhưng không muốn giao lại ruộng đất cho chính quyền quản lý hoặc cho các doanh nghiệp thuê vì có tâm lý sợ mất đất. Vấn đề này chưa có hướng giải quyết căn cơ vì hiện nay chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, mới chỉ có 25% sản lượng thủy sản chế biến và 5% lượng rau củ quả sơ chế phục vụ xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ nội địa. Ngành chế biến nông sản của tỉnh chưa có bước phát triển mạnh, chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ.
Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến không ổn định, các doanh nghiệp và chủ cơ sở chưa tập trung đầu tư bài bản hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị máy móc cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại nên phần lớn là sơ chế theo phương thức thủ công truyền thống chứ ít có đơn vị chế biến sâu. Từ đó, dẫn đến sản lượng chế biến sâu không nhiều, chất lượng sản phẩm không cao nên khó khăn trong việc tiêu thụ, nhất là xuất khẩu...
Dồn sức thực hiện
Ông Ngô Tấn cho biết, nhờ nỗ lực thu hút đầu tư nên toàn tỉnh hiện có 400 - 420 doanh nghiệp, HTX hoạt động trên lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, sản xuất, cung ứng ra thị trường hơn 270.000 tấn rau củ quả các loại và hơn 100.000 tấn thủy sản chế biến. Một số chuỗi liên kết đã hình thành như nước mắm, thịt heo, tôm thẻ chân trắng, rau củ quả...
Tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, ít rủi ro sau khi được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và quy trình kỹ thuật sản xuất. Đồng thời doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý chặt, yên tâm về các yêu cầu an toàn thực phẩm của đối tác.
Để thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; khuyến khích, tạo thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp; phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi như doanh nghiệp liên kết với HTX, doanh nghiệp xây dựng khép kín các khâu sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Quảng Nam cần chú trọng hơn về sản xuất hàng hóa lớn. Muốn vậy, nhiệm vụ tích tụ, tập trung ruộng đất đặt ra khẩn trương. Các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, bằng nhiều hình thức khác nhau để quảng bá, thu hút các đối tác đầu tư vào nông nghiệp.
“Cần xác định rõ, doanh nghiệp và HTX là hạt nhân. Cơ quan chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, nhất là thủ tục về đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp đứng ra tích tụ đất đai bằng nhiều hình thức, như thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nhân dân theo quy định để đầu tư phát triển sản xuất. Nhà nước hỗ trợ về hành lang pháp lý, ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn lực để triển khai tích tụ đất đai thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích. Nhà nước gắn kết, lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, đề án, dự án, vốn vay từ các chính sách tín dụng nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sau khi được tích tụ” - ông Lê Trí Thanh nói.