Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tổ chức cuối tuần qua đã thu hút nhiều ý kiến của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ giảm 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.
Chương trình hỗ trợ giảm 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước sau 5 tháng triển khai trên địa bàn tỉnh mới có 10 khách hàng tiếp cận được sau khi vay vốn ở các chi nhánh ngân hàng thuộc tỉnh là Agribank, SHB, ACB, Public và VietinBank Hội An. Tổng số tiền hỗ trợ là 17 triệu đồng.
Nhiều vướng mắc
Ông Trần Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Agribank Quảng Nam cho rằng, đặc thù cho vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung phần lớn ở khách hàng hộ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thời vụ, không đăng ký kinh doanh nên không đáp ứng được điều kiện để hỗ trợ lãi suất 2%.
Khi vay vốn, doanh nghiệp đã sử dụng vốn đối ứng trước để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên theo quy định không được hỗ trợ lãi suất. Đến nay, tại Agribank Quảng Nam chỉ có 1 khách hàng đủ điều kiện đã được hỗ trợ giảm lãi suất 2%.
Gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% là một phần trong chương trình phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Quy mô hỗ trợ lên tới 40 nghìn tỷ đồng, dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Có khoảng 10 nhóm ngành nghề được hỗ trợ như hàng không, du lịch, vận tải kho bãi, nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo.... Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% nghĩa là doanh nghiệp khi được giảm 2% so với lãi vay hiện hành thì số tiền này sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù cho các ngân hàng thương mại.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Giám đốc MBBank Quảng Nam, căn cứ quy trình, quy định hướng dẫn, MBBank Quảng Nam sàng lọc, lựa chọn những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện để thông báo thu thập hồ sơ hỗ trợ lãi suất.
Vướng mắc lớn nhất MBBank Quảng Nam gặp phải là nhiều khách hàng không muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% do sợ thanh tra, kiểm tra sau này.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh số đông là vừa và nhỏ, thường không có bộ máy kế toán chuyên nghiệp nên dù chưa biết thực hiện thủ tục, hồ sơ có sai hay không nhưng cứ nghe sẽ thanh tra, kiểm tra là… rất ngại.
Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết qua rà soát có hàng nghìn khách hàng thuộc diện được hỗ trợ giảm lãi suất, nhưng không có nhiều người nộp đề nghị hỗ trợ. Do đó, dù muốn giải ngân nhanh cũng không thể.
Ông Đặng Bảo Trí - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam nói, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vay vốn tập trung cho sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề nên trong số vốn đã vay, không thể chứng minh dòng vốn sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
Có những trường hợp, khách hàng đủ điều kiện để hỗ trợ lãi suất thì khi sắp áp dụng đụng phải việc chậm trả nợ, dù chỉ… 1 ngày vẫn không triển khai được theo quy định.
Lại có nhiều trường hợp khách hàng vay vốn là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khách hàng FDI đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất thì đang vay vốn bằng USD cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Gỡ vướng thế nào?
Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Nhựa Patco (Cụm công nghiệp Trảng Nhật, xã Điện Hòa, Điện Bàn) cho biết, đơn vị đã được hỗ trợ giảm 2% lãi suất trong dư nợ vốn vay 3 tỷ đồng từ tháng 10. Số tiền được hỗ trợ giúp doanh nghiệp phần nào giảm chi phí sản xuất.
“Tôi vay thật, đầu tư thật nên không ngại thanh tra, kiểm tra sau này. Trong bối cảnh hậu COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên mong muốn tiếp cận sự hỗ trợ để khôi phục và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh” - ông Tuấn nói.
Ông Đặng Bảo Trí cho rằng, trong diễn biến khó lường của tình hình kinh tế, xác định khách hàng “có khả năng phục hồi” để thực hiện hỗ trợ giảm 2% lãi suất là rất khó cho ngân hàng thương mại.
Ông Trí đề xuất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tham mưu Trung ương có quy định rõ hơn về khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Việc trả nợ của khách hàng được tính mỗi tháng chứ không phải mỗi ngày nên mong Trung ương điều chỉnh để khách hàng có thể nhận hỗ trợ lãi suất nếu trả chậm nhưng thời gian vẫn còn nằm trong quỹ đạo trả nợ của tháng.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói, hỗ trợ giảm 2% lãi suất là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tiếp thu toàn bộ ý kiến của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để đề xuất, tham mưu Ngân hàng Nhà nước kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam duy trì đường dây nóng để các doanh nghiệp thông tin, thông báo kịp thời về triển khai gói hỗ trợ lãi suất, vướng chỗ nào tiếp tục gỡ vướng chỗ đó. Giải pháp khác là tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện ngân hàng nào chậm, lơ là triển khai gói hỗ trợ khi khách hàng đủ điều kiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Ông Phạm Trọng đề nghị các ngân hàng thương mại phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng gói hỗ trợ lãi suất 2% để giúp doanh nghiệp nắm rõ, vượt qua “tâm lý sợ hậu kiểm”, đẩy nhanh triển khai chính sách.