Gỡ vướng hồ sơ đất đai bị thất lạc

TRẦN HỮU 26/07/2021 07:24

Để tránh tình trạng mỗi địa phương giải quyết một kiểu về việc hồ sơ đất đai bị thất lạc, chính quyền tỉnh đã có hướng dẫn thực hiện.

Nhiều trường hợp tại thị xã Điện Bàn bị thất lạc hồ sơ 299, gây khó khăn trong việc quản lý đất đai. TRONG ẢNH: Một khu đô thị ở Điện Ngọc (Điện Bàn) chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.H
Nhiều trường hợp tại thị xã Điện Bàn bị thất lạc hồ sơ 299, gây khó khăn trong việc quản lý đất đai. TRONG ẢNH: Một khu đô thị ở Điện Ngọc (Điện Bàn) chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.H

Thời gian qua, nhiều trường hợp ở Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ khiếu nại, khiếu kiện đòi cơ quan nhà nước công nhận đất ở đối với trường hợp có vườn, ao trước ngày 18.12.1980.

Các thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất ở nhưng không có hồ sơ 299 (hồ sơ 299 là hồ sơ được lập theo Chỉ thị số 299, ngày 10.11.1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước), cơ quan tài nguyên - môi trường (TN-MT) chỉ công nhận diện tích đất ở nông thôn tối đa 300m2, dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân ghi là đất thổ cư (ký hiệu T). Trong khi đó, khi xét xử các vụ án đất đai có liên quan đến ký hiệu T, cơ quan tòa án đều công nhận toàn bộ đất ở.

Tìm phương án xử lý

Tại xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn), liên quan hồ sơ 299 có 8 tờ bản đồ lưu tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh nhưng tất cả đều không ký, đóng dấu. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) theo Nghị định 64 của Chính phủ có ghi đất T, thời hạn sử dụng lâu dài; bản đồ ký hiệu chữ T.

Còn tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), hồ sơ 299 đang lưu gồm 18 tờ bản đồ không ký, không có sổ Mục kê ruộng đất, không sổ Đăng ký ruộng đất. Hồ sơ cấp bìa đỏ theo Nghị định 64 của Chính phủ gồm có bìa đỏ ghi đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài; sổ địa chính ghi đất ở cộng đất vườn, thời hạn sử dụng lâu dài; sổ mục kê ghi đất T; bản đồ ký hiệu chữ T.

Trong khi đó, tại xã Điện Thắng Bắc và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), hồ sơ đất đai không có sổ mục kê, không có sổ đăng ký ruộng đất. Tại xã Điện Thắng (cũ), có hồ sơ địa chính cấp bìa đỏ năm 1990 nhưng hiện nay không lưu trữ tại các xã tách ra từ xã Điện Thắng cũ.

Hiện nay, các xã đang rà soát danh sách xã viên hợp tác xã (HTX) thời kỳ từ năm 1975 đến trước ngày 15.10.1993; sổ hộ khẩu các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn xã, phường giai đoạn trước 15.10.1993. Chính quyền các địa phương nói trên cũng thành lập Hội đồng xét nguồn gốc đất; lấy ý kiến những người có uy tín tại nơi cư trú sinh sống.

Trong khi đó, UBND thị xã Điện Bàn cũng thành lập Hội đồng thẩm định nguồn gốc đất từ việc họp xét của cấp xã, phường. Hội đồng thẩm định nguồn gốc đất thị xã Điện Bàn sẽ tiến hành họp thẩm định về nguồn gốc đất, quá trình hình thành, quản lý sử dụng đất và thống nhất thời điểm sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân theo xã, phường (có danh sách kèm theo) chuyển về UBND xã, phường; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của nhân dân, cũng như giải quyết khiếu nại trước khi trình UBND thị xã phê duyệt danh sách, công nhận đất ở theo quy định của pháp luật.

Theo phương án triển khai rà soát hồ sơ để làm cơ sở xác định lại đất ở tại 4 xã, phường trên địa bàn thị xã Điện Bàn do hồ sơ 299 chưa được xác lập trải qua 4 bước (gồm chuẩn bị hồ sơ, thành lập Hội đồng thẩm định nguồn gốc đất của thị xã, họp Hội đồng thẩm định nguồn gốc đất thị xã, trình thẩm định và ban hành quyết định công nhận đất ở cho nhân dân).

Trước đây, để giải quyết hồ sơ 299 bị thất lạc hoặc không đảm bảo cơ sở pháp lý, UBND huyện Thăng Bình cũng đã thành lập hội đồng cấp huyện xác nhận nguồn gốc đất. Tuy nhiên, cách xử lý này không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên ngành chức năng buộc phải “thổi còi”.

Lập hội đồng thẩm định

Tại cuộc họp mới đây với thị xã Điện Bàn và huyện Thăng Bình về giải quyết hồ sơ 299 bị thất lạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, đối với các trường hợp có Sổ đăng ký ruộng đất được lập theo hồ sơ 299 nhưng chưa được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại khoản 1, Công văn số 788, ngày 9.2.2021.

Đối với các trường hợp không có hồ sơ về đất đai, nếu có các hồ sơ khác chứng minh hộ dân sử dụng đất ổn định, lâu dài trước ngày 15.10.1993, như có trong danh sách xã viên HTX thời kỳ từ năm 1975 đến trước 15.10.1993; có sổ hộ khẩu xác nhận sinh sống trên địa bàn cấp xã giai đoạn 1975 đến trước ngày 15.10.1993 do cơ quan công an cung cấp, giấy tờ liên quan khác chứng minh được hộ gia đình sinh sống ổn định từ trước ngày 15.10.1993.

Các loại giấy tờ nêu trên nếu được Hội đồng từ cấp xã, huyện xác nhận, Sở TN-MT thẩm tra thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt thì được xem như hồ sơ đất đai được xác lập trước ngày 15.10.1993 để làm căn cứ cấp bìa đỏ và xác định hạn mức sử dụng đất theo quy định.

Theo UBND tỉnh, về quy trình xử lý hồ sơ đất đai bị thất lạc, chính quyền tỉnh thống nhất như phương án triển khai 4 bước của UBND thị xã Điện Bàn. Trong khi đó, thẩm quyền của cấp tỉnh, sau khi nhận được hồ sơ do cấp huyện gửi lên, Sở TN-MT chủ trì thẩm tra, tham mưu UBND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án xác lập hồ sơ đất đối với các trường hợp không có hồ sơ 299.

Tuy nhiên, UBND tỉnh đồng ý với cách xử lý của Sở TN-MT là dừng cấp bìa đỏ do UBND huyện Thăng Bình thực hiện theo hình thức thành lập Hội đồng cấp huyện xác nhận nguồn gốc đất theo Thông báo số 160, ngày 10.3.2017 của Tỉnh ủy. Các trường hợp đã ký quyết định cấp bìa đỏ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng nêu trên nhưng chưa giao cho họ thì phải hủy để làm lại cho đúng quy trình.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng hồ sơ đất đai bị thất lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO