Nhiều “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Điện Bàn, Phú Ninh và Núi Thành tiếp tục được các bên liên quan nêu ra và bàn giải pháp tháo gỡ tại cuộc họp ngày 24.11 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì.
Nhiều vướng mắc
Báo cáo của 3 địa phương cho biết, công tác GPMB dự án đường cao tốc hiện còn nhiều “điểm nghẽn”, đặc biệt là khâu tái định cư (TĐC) và đất cải táng mồ mả. Ở Núi Thành có 193 trường hợp đăng ký nhận suất đầu tư hạ tầng nhưng mới có 145 hộ nhận tiền. Địa phương còn 62 hồ sơ (31 trường hợp hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng) chưa lập phương án đền bù, hỗ trợ và TĐC. Trong khi đó, khu nghĩa địa đồi Mồ Côi phần mở rộng cũng chỉ hoàn thành san nền, phân lô để bàn giao tiếp 624 mộ tại khu mới. Trong khi đó Phú Ninh chưa bố trí 13 lô đất TĐC, 5 suất đầu tư hạ tầng chưa chi trả, 5 mồ mả ở xã Tam Thái chưa di dời. Tại Điện Bàn, thị xã vẫn đang “nợ” TĐC cho tổng cộng 75 hộ dân bị giải tỏa trắng, trong khi tiến độ thi công khu TĐC Phong Thử 1 chỉ đạt hơn 80% khối lượng. Cá biệt ở xã Điện Quang, hộ ông Phạm Thế Vinh đã nhận tiền đền bù, làm nhà TĐC nhưng không chịu tháo dỡ nhà cũ để bàn giao mặt bằng mặc dù thị xã Điện Bàn và xã Điện Quang nhiều lần giải thích, tuyên truyền vận động; Thanh tra tỉnh cũng đã trả lời thỏa đáng đơn khiếu nại.
Tiến độ thi công đường cao tốc bị ảnh hưởng do vướng mặt bằng. Ảnh: C.T |
Hiện vẫn còn nhiều hộ dân chưa thỏa mãn với giá trị đền bù, hỗ trợ. Tổng chiều dài mặt bằng cả 3 địa phương bàn giao được hơn 90%, nhưng phần còn lại rất khó giải quyết. Đơn cử như ở Điện Bàn, địa phương chưa thể vận động 25 hộ đồng tình nhận tiền đền bù. Trong đó, ngoài 1 nhà thờ đang chờ bố trí đất mới, xã Điện Thọ có 2 hộ yêu cầu bổ sung đất TĐC do tăng nhân khẩu, 22 hộ chờ giao đất TĐC và kiến nghị về giá bồi thường. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã - ông Phan Minh Dũng, người dân ra yêu sách áp dụng theo giá đất phê duyệt cho năm 2015. Họ đưa ra lý do cuối năm 2014 chưa có đất TĐC nên đòi hỏi phải được giải quyết theo thực tế. Tại Phú Ninh, ngoài xã Tam Đại có 5 suất đầu tư chưa nhận tiền thì còn đến 46 hộ không đồng ý theo giá trị đã áp và phê duyệt. Huyện còn 96 gia đình chưa tháo dỡ nhà cửa (50 hộ nhận tiền)... Núi Thành hiện còn nan giải về vận động 118 hồ sơ chưa nhận tiền. Đơn cử tại xã Tam Mỹ Tây, có 8 trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp trước quy hoạch, đang bức xúc về chỗ ở và cũng chưa có nhà nơi khác. Dù phương án đền bù, hỗ trợ nhà ở đã được phê duyệt, các hộ này không thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng vì không được hỗ trợ về đất.
Tập trung tháo gỡ
Tại cuộc họp giao ban, huyện Phú Ninh đề nghị chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạo nhà thầu nạo vét, hoàn trả hệ thống mương bị bồi lấp, hư hỏng do quá trình thi công gây ra để nông dân chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Chủ đầu tư sớm bố trí vốn GPMB nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động chi trả khi người dân đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. |
Để tháo gỡ một số vướng mắc trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung đề xuất tỉnh có giải pháp nhanh chóng định giá đất thô cụ thể để các hộ liên quan mới có cơ sở nộp tiền sử dụng đất. Liên quan đến nhà thờ họ Diệp (xã Tam Xuân 1), người dân đề nghị được xem xét TĐC, hoặc nhận suất đầu tư hạ tầng. Vì lẽ đó, Núi Thành kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết cho trường hợp cá biệt này. Tại xã Tam Mỹ Đông, có 21 trường hợp bị giải tỏa đất ở nhưng không có nhà ở trên đất. Các hộ trên đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định, người dân chỉ được bồi thường về đất song không được bố trí đất TĐC. Vậy nhưng, số tiền bồi thường về đất ở quá thấp nên không đủ để bà con mua đất và làm nhà ở nơi khác. Huyện kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ 1 suất đầu tư hạ tầng, tương đương diện tích đất ở bị thu hồi. Đối với 8 trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp trước quy hoạch, Núi Thành cũng đề xuất cấp trên hỗ trợ 50% suất đầu tư hạ tầng.
UBND huyện Phú Ninh cho biết đã chỉ đạo kiểm tra hồ sơ pháp lý và sẽ giải quyết dứt điểm trước ngày 15.12 về những trường hợp có đơn xin công nhận lại hạn mức đất ở xã Tam Đại, qua đó tạo điều kiện cho bà con sớm nhận suất đầu tư hạ tầng. Trước ngày 26.11, Phú Ninh sẽ tổ chức cho 5 hộ/7 lô ở xã Tam Thái bốc thăm TĐC và bàn giao đất. Đối với 46 gia đình có đất ở chưa nhận tiền, huyện tiếp tục tổ chức đối thoại, vận động mời chi trả trong tháng 11 và tháng 12 năm nay. Phú Ninh đề nghị các bên tham mưu UBND tỉnh giải quyết trường hợp một số hộ bị ảnh hưởng một phần ngôi nhà, diện tích còn lại nhỏ hơn 100m2 và dân kiến nghị được bồi thường luôn, đồng thời xin bố trí đất TĐC. Đề xuất hướng tháo gỡ 25 hộ dứt khoát không chịu nhận tiền ở xã Điện Thọ, Điện Bàn kiến nghị lãnh đạo tỉnh bổ sung chỉ số trượt giá tương thích theo quyết định phê duyệt đơn giá đất của năm 2015. Tuy nhiên, ý kiến trên không nhận được sự đồng tình từ phía đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở TN-MT bởi sẽ tạo “tiền lệ” không tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đồng ý chủ trương nhiều vấn đề. Cạnh đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu UBND huyện Núi Thành sớm gửi văn bản về xác định giá đất thô cho Sở TN-MT để thẩm định và tham mưu ngay cho UBND tỉnh phê duyệt để địa phương có cơ sở thực hiện. Về nhà thờ họ Diệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng khẳng định nhà thờ nằm trong đất ở và đã được đền bù theo đất ở thì không có lý do gì bồi thường thêm nữa. Trường hợp 8 gia đình làm nhà trên đất nông nghiệp, địa phương phải xác định cho kỹ họ đã bị lập biên bản vi phạm hành chính chưa, rồi mới tính đến chuyện “xét thấy” cần hỗ trợ. Chỉ đạo liên quan đến đề xuất gây tranh cãi nhiều nhất tại cuộc họp từ phía Điện Bàn, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu thị xã tiếp tục giải thích, tuyên truyền. Phân tích, chỉ rõ cho bà con thấy được ưu điểm của quyết định cũ so với quyết định mới và vận động người dân nhận tiền...
CÔNG TÚ