Gỡ vướng mặt bằng thi công quốc lộ 14E: Cần quyết liệt hơn nữa

CÔNG TÚ 09/10/2023 07:17

Các địa phương có dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đi qua còn gặp nhiều “nút thắt” giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu quyết liệt và tập trung hơn nữa để khai thông mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu thi công.

Lãnh đạo Tỉnh ủy đề nghị cả hệ thống chính trị huyện Hiệp Đức quyết liệt hơn nữa, tập trung hơn nữa cho GPMB dự án QL14E. Ảnh: CT
Lãnh đạo Tỉnh ủy đề nghị cả hệ thống chính trị huyện Hiệp Đức quyết liệt hơn nữa, tập trung hơn nữa cho GPMB dự án QL14E. Ảnh: CT

Nhiều “nút thắt”

Cầu vượt qua đường sắt (địa phận xã Bình Quý, Thăng Bình) là một hạng mục quan trọng của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 14E. Đây là vị trí mà Cục Đường bộ Việt Nam (chủ đầu tư) và Ban Quản lý dự án 4 (đại diện chủ đầu tư) thường xuyên đề xuất Quảng Nam ưu tiên giải phòng mặt bằng (GPMB) trước, vì quá trình thi công dài.

Nhưng muốn có mặt bằng, Thăng Bình phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, trong đó bố trí đất tái định cư (TĐC) cho các hộ dân bị giải tỏa nhà cửa. Địa phương dự kiến bố trí TĐC tại khu dân cư tổ 3, 4 thôn Quý Thạnh (xã Bình Quý), đã đầu tư xong hạ tầng và được cấp thẩm quyền thống nhất cho đấu nối vào QL14E.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Võ Văn Hùng cho biết, dự án khu dân cư tổ 3, tổ 4 triển khai từ năm 2018, vậy nên không có báo cáo tác động môi trường. Theo quy định mới, địa phương phải lập hồ sơ báo cáo tác động môi trường, trình phê duyệt rồi mới làm hệ thống thu gom, xử lý nước thải…, mất nhiều thời gian.

Chính quyền huyện Hiệp Đức cho hay vẫn gặp khó khi xác định nguồn gốc đất 5% (đất công ích do Nhà nước quản lý). Việc kiểm đếm chưa hoàn thành tại 42 hộ dân, do người dân không có ở địa phương.

Giống như Hiệp Đức, huyện Phước Sơn cũng chưa tìm được phương án tháo gỡ “nút thắt” về xác định nguồn gốc đất 5%. Diện tích đất giao khoán theo Dự án 327, Dự án 661 của lâm trường trước đây hiện cũng không có hồ sơ, vị trí giao cụ thể.

Công tác quy chủ theo bản đồ đo đạc đất lâm nghiệp thuộc Đề án 102 đo đạc cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp trước đây không đúng với chủ sử dụng thực tế theo xác nhận của khu dân cư.

Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Lê Quang Trung chia sẻ, điều này dẫn đến sự không trùng khớp giữa hồ sơ pháp lý và ý kiến xác nhận của khu dân cư. Cho nên, hội đồng tư vấn đất đai cấp xã rất lúng túng khi xác nhận nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất lâm nghiệp của người dân.

Quyết liệt hơn nữa

Những tồn tại khiến việc GPMB gặp trở ngại đã được các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn báo cáo tại cuộc làm việc với đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cải tạo, nâng cấp QL14E vào ngày 6/10 vừa qua.

Ngoài tuyên truyền vận động, Thăng Bình đang khẩn trương thực hiện các bước thủ tục pháp lý tiếp theo, để hiện nay gần như hoàn tất thông báo thu hồi đất; trước ngày 15/10/2023 sẽ phê duyệt đủ các loại giá để áp giá đối với đất ở tại 2 xã còn lại là Bình Quý, Bình Lãnh.

Bí thư Huyện ủy Thăng Bình Phan Công Vỹ cho biết, ưu tiên khai thông mặt bằng để xây dựng cầu vượt qua đường sắt, địa phương đã dẫn người dân bị ảnh hưởng ra tham khảo thực tế tại cầu Phong Thử (trên tuyến ĐT609, qua xã Điện Thọ, Điện Bàn) để tận mắt chứng kiến và hình dung sau này khu vực mình đang sinh sống sẽ như thế nào.

Huyện còn quyết định điều chuyển cán bộ địa chính từ xã khác đến để hỗ trợ cho 4 xã có công trình đi qua (Bình Quý, Bình Định Bắc, Bình Trị, Bình Lãnh). Phấn đấu đến ngày 31/12/2023, Thăng Bình sẽ giải ngân 31,5 tỷ đồng. Đại diện xã Bình Quý cho biết thêm, trong tuần này sẽ lấy phiếu thăm dò của người dân đoạn cầu vượt về nguyện vọng đến nơi TĐC mới, hay ở lại tại chỗ (nếu đảm bảo an toàn).

Đánh giá cao sự chuyển biến thiên về chất lượng công việc của Thăng Bình, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị cần tiếp tục vận động để thi công những đoạn mương hở, nằm ngoài tường rào nhà dân.

Huyện phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ đánh giá tác động môi trường của khu dân cư tổ 3, 4 thôn Quý Thạnh, chậm nhất trước ngày 15/11; đồng thời yêu cầu Sở TN-MT sau khi nhận được hồ sơ thì ưu tiên thẩm định, phê duyệt hoàn thành trong tháng 11 năm nay.

Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn khảo sát, kiểm tra thật kỹ từng trường hợp rồi tổng hợp đề xuất về Sở TN-MT để hướng dẫn cách xác định nguồn gốc đất 5%.

Đối với Hiệp Đức, đồng chí Lê Văn Dũng lưu ý huyện còn chậm trong xác nhận nguồn gốc đất, phê duyệt giá đất, lên phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Do đó, địa phương phải tập trung khắc phục tồn tại, đẩy nhanh tiến độ những phần việc nêu trên.

Liên quan đến xác định nguồn gốc đất đai theo Dự án 327, Dự án 661, lãnh đạo Tỉnh ủy đề nghị Phước Sơn rút kinh nghiệm, UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện khẩn trương phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh phô tô hồ sơ có liên quan để có cơ sở tiến hành những bước tiếp theo. Giao cho Sở TN-MT hướng dẫn cụ thể cho địa phương về xác nhận tình trạng pháp lý đất theo Đề án 102.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng mặt bằng thi công quốc lộ 14E: Cần quyết liệt hơn nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO