Bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 6.2018, công tác thu thập dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh đang vào giai đoạn gấp rút để đảm bảo tiến độ đề ra. Những vướng mắc nảy sinh đã và đang được khắc phục bằng nhiều giải pháp.
Tiến độ thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh đang được đảm bảo. Ảnh: T.C |
TRIỂN KHAI ĐỒNG LOẠT
Thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến dữ liệu dân cư (gọi tắt là Đề án 896), các địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh để triển khai trên địa bàn. Tiến độ thực hiện đang được đẩy nhanh.
Chủ động lập kế hoạch
Tháng 5.2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) cho đại diện các sở, ngành, địa phương. Sau hội nghị, công tác tổ chức thực hiện được tập trung, với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31.12.2018.
Với 1,7 triệu người phải kê khai thông tin cá nhân và gia đình phục vụ cho việc thu thập dữ liệu, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và tiến hành các bước tiếp theo. Thượng tá Tô Dụng - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh, cho hay, là đơn vị chủ công trong việc tập huấn, tổ chức thực hiện công tác thu thập CSDLQGVDC trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã sớm nghiên cứu các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ hướng dẫn công an các huyện, thành phố và công an xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai việc thu thập CSDLQGVDC. Đến nay, 18/18 huyện, thị xã, thành phố đều đã và đang gấp rút thực hiện, trong đó có nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành. “Sau khi có chỉ đạo của Bộ Công an, chúng tôi đã tổ chức nhận, phát phiếu về cho công an các địa phương. Trước đó, việc tập huấn cho các đội nghiệp vụ, lực lượng tăng cường đã được đơn vị tổ chức để kịp thời hướng dẫn, giải thích, trang bị các kiến thức liên quan. Các sở, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác này, từ đó triển khai thực hiện khá nghiêm túc” - Thượng tá Dụng nói.
Tính đến cuối tháng 10.2018, toàn tỉnh đã tiến hành thu thập hơn 70% số phiếu dữ liệu. Trong đó, có bốn địa phương đã tổ chức thu thập hơn 90% phiếu dữ liệu, gồm Đại Lộc, TP.Hội An, Duy Xuyên và Quế Sơn. Thiếu tá Nguyễn Văn Ánh - Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý cư trú, cấp, quản lý CMND và giấy tờ đi lại khác (Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH) chia sẻ, đội đã thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ phụ trách 6 địa phương để tư vấn, hướng dẫn và đôn đốc công tác thu thập. “Các tổ công tác này có nhiệm vụ phối hợp với Công an các địa phương tham mưu ban hành kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, những vướng mắc nảy sinh được kịp thời ghi nhận, tổng hợp báo cáo để có hướng chỉ đạo kịp thời, với mục tiêu đảm bảo tiến độ đề ra” - Thiếu tá Ánh cho biết.
Tăng cường phối hợp
Thông qua các kênh truyền thông và nhiều diễn đàn hội họp, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác thu thập CSDLQGVDC phát huy được hiệu quả nhất định. Sau khi thông tin, công an xã, phường, thị trấn sẽ là đơn vị tổ chức phát phiếu mẫu, hướng dẫn người dân kê khai. Mọi công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đều được kê khai phiếu thu thập bằng hai hình thức: mời công dân về nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc đến tận nơi cư trú để phát phiếu. Riêng những trường hợp đi khỏi địa phương hoặc không rõ nơi cư trú, Công an địa phương sẽ lập danh sách riêng để chờ công dân kê khai hoặc hướng dẫn gia đình kê khai hộ. “Xác định đây là chương trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể có liên quan để cùng tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đơn vị có sự liên hệ chặt chẽ với ngành tư pháp để bổ sung, cập nhật thông tin, kịp thời điều chỉnh khi có sai sót nhằm giúp công dân kê khai thuận lợi, chính xác nhất” - Thượng tá Dụng nói thêm.
Ông Đặng Văn Đào - Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, do nhiều vấn đề nảy sinh từ lịch sử đăng ký hộ tịch thời trước, khối lượng công việc của ngành tư pháp liên quan đến việc kê khai thông tin CSDLQGVDC tăng đột biến. Công dân có nhu cầu đăng ký khai sinh, điều chỉnh thông tin liên quan đến hộ tịch để cung cấp thông tin đầu vào cho việc kê khai ngày càng tăng. “Nắm bắt được vấn đề này, chúng tôi cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời chỉ đạo ngành tư pháp địa phương ưu tiên cho công tác này, đảm bảo tiến độ đề ra theo kế hoạch của tỉnh” - ông Đào nhấn mạnh.
LINH HOẠT XỬ LÝ
Qua việc thu thập CSDLQGVDC, những tồn tại, bất cập liên quan đến thông tin của người dân bắt đầu bộc lộ. Để đảm bảo thực hiện tốt chủ trương lớn này, nhiều địa phương đã có cách làm linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng, “gánh vác” thay những phiền toái mà người dân đã gặp phải.
Nhờ chủ động lên kế hoạch, triển khai tập huấn kịp thời, nhiều địa phương thực hiện khá tốt việc thu thập thông tin dân cư. |
Kịp thời bổ sung thông tin
Ghi nhận từ nhiều địa phương cho thấy, việc thực hiện thu thập dữ liệu được thực hiện khá chặt chẽ, phù hợp với đặc thù. Tại TP.Hội An, Công an đến tận nhà phát thông báo kèm theo một bảng hướng dẫn chi tiết việc kê khai cùng với một bản khai mẫu cho công dân khai dữ liệu thông tin. Sau đó, người dân được mời đến nhà văn hóa thôn để kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, khi thông tin đúng và chuẩn xác thì được hướng dẫn điền vào phiếu thu thập dữ liệu chính. Trung tá Nguyễn Thành Long - Đội trưởng đội QLHC về TTXH Công an TP.Hội An cho hay, quy trình này được thực hiện nghiêm ngặt, ngoài các thành viên ban chỉ đạo, còn có sự tham gia của các hội, đoàn thể ở cơ sở để hướng dẫn, tư vấn người dân kê khai. Việc tổ chức kiểu “cuốn chiếu” này giúp cho công tác triển khai được thuận lợi hơn, vừa kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề nảy sinh. Như trường hợp của cha con ông M., Đội QLHC về TTXH Công an TP.Hội An đã phối hợp với Công an phường hướng dẫn ông M. làm đơn, tìm nhân chứng xác nhận, liên hệ UBND xã, phường hỗ trợ các thủ tục quy định để làm hộ khẩu, cấp giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan cho gia đình ông M. Thượng úy Lê Văn Hiếu - Cảnh sát khu vực phường Cẩm Phô là người đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ và liên hệ Công an TP.Hội An tổ chức tra cứu, xác minh, từ đó cấp lại giấy tờ cho cha con ông M. và hướng dẫn kê khai. “Trong quá trình thu thập dữ liệu, chúng tôi đã tổ chức xác minh, hướng dẫn, hỗ trợ hơn 30 trường hợp người dân được đăng ký hộ khẩu thường trú trở lại, làm lại tất cả giấy tờ liên quan để họ kê khai. Tư pháp các xã, phường cũng vào cuộc quyết liệt, giải quyết hàng trăm trường hợp liên quan đến hộ tịch mỗi tuần. Đội QLHC về TTXH phối hợp tập trung tra cứu hồ sơ, tàng thư, điều chỉnh thông tin kịp thời cho người dân tiện kê khai” - Trung tá Nguyễn Thành Long cho biết.
Một số vấn đề khi kê khai thông tin dân cư: Đối tượng thu thập thông tin dân cư là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hoặc đang sinh sống, lao động, học tập tại nước ngoài. - Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú nhưng đi vắng khỏi nơi cư trú thì thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm khai hộ. Căn cứ thông tin trong Sổ hộ khẩu để các thành viên trong hộ kê khai thông tin, Công an viên hoặc Cảnh sát khu vực sẽ kiểm tra đối chiếu hồ sơ, tài liệu quản lý để bổ sung những thông tin còn thiếu vào trong Phiếu thu thập thông tin dân cư của công dân. - Người đang kê khai thông tin cá nhân nhưng cha, mẹ đã chết thì vẫn phải kê khai trường thông tin của cha, mẹ theo quy định tại điều 9, Luật Căn Cước công dân. - Trường hợp trong hộ gia đình có người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì thông qua người đại diện hợp pháp hoặc thành viên khác trong hộ gia đình để khai hộ. - Đối với trường thông tin số định danh cá nhân: Công dân chỉ kê khai số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân. Trường hợp chưa cấp thẻ căn cước công dân thì công dân kê khai số CMND. Nếu công dân chưa được cấp CMND thì để trống trường thông tin. |
Đại tá Đinh Xuân Nghĩ - Trưởng Công an TP.Hội An thông tin, trong cuộc họp giao ban mỗi đầu tuần, Công an thành phố luôn yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo tiến độ thu thập CSDLQGVDC, những bất cập để tìm cách tháo gỡ. Một lãnh đạo của Công an thành phố được giao trách nhiệm trực tiếp phụ trách kiểm tra, đôn đốc Công an các xã, phường. Ba tổ công tác của Công an thành phố xuống cơ sở tham gia cùng Công an cấp dưới, làm từ địa bàn xã ít biến động về thường trú đến các phường đông dân cư, đến đâu dứt điểm đến đó. “Việc xác minh, bổ sung thông tin được cán bộ Công an chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tối đa cho người dân khi gặp vướng mắc. Ngành Tư pháp cũng phối hợp rất nhịp nhàng với chúng tôi để cấp, chỉnh sửa thông tin, giấy tờ phục vụ cho việc thu thập. Nhờ đó, tỷ lệ người dân kê khai phiếu đã đạt hơn 90%” - Đại tá Nghĩ nói.
Gấp rút hoàn thành
Đại tá Lê Quang Vịnh - Trưởng Công an huyện Nam Giang cho hay, đến nay, các xã trên địa bàn huyện đều đã triển khai thu thập CSDLQGVDC, với tỷ lệ phiếu đạt hơn 80%. “Với đặc thù miền núi, nhiều khu vực cách trở, trình độ của người dân còn hạn chế đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi đã sớm dự lường được việc này, tăng cường lực lượng hỗ trợ cho Đội QLHC về TTXH và Công an các xã. Hiện nay, nhiều cán bộ được cử đến tận từng nhà, từng bản làng để phát phiếu, hướng dẫn và kiểm tra, đối chiếu thông tin thu thập được, hoàn thành xong thì mới tiếp tục di chuyển qua địa bàn khác. Dù khá áp lực về con người cũng như tiến độ thực hiện, nhưng tất cả cũng phải đảm bảo tính chính xác về thông tin” - Đại tá Vịnh nói.
Tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My… Công an huyện đều tăng cường lực lượng để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Để giảm tải áp lực cho bộ phận tư pháp địa phương trong việc trích lục, bổ sung các thông tin, những vướng mắc về ngày tháng sinh được giải quyết bằng cách căn cứ vào sổ hộ khẩu, CMND, thẻ Đảng hoặc các giấy tờ có liên quan ghi nhận ngày tháng sinh. Trường hợp không có ngày tháng sinh, bộ phận Tư pháp sẽ thống nhất lấy ngày 1.1 làm ngày tháng sinh. Đối với người lớn tuổi, bộ phận tư pháp cũng sẽ linh hoạt tra cứu, hỗ trợ giúp cho công dân giảm bớt việc phải đi lại làm thủ tục đăng ký mới, điều chỉnh giấy tờ. Một số trường thông tin không bắt buộc sẽ được phép để trống, bổ sung sau.
Theo kế hoạch, việc thu thập dữ liệu phải hoàn thành trước 31.12, mốc thời gian khá gần và với tiến độ hiện tại, Phòng QLHC về TTXH nhận định sẽ cơ bản đảm bảo như dự kiến, kịp để quét dữ liệu chuyển về Cục QLHC về TTXH (Bộ Công an). “Thời gian qua, bà con cũng gặp khá nhiều phiền phức liên quan đến giấy tờ, do đó chủ trương này nhận được sự ủng hộ, đồng tình. Chúng tôi xác định từ nay đến cuối năm sẽ gấp rút thu thập ở các địa bàn cuối cùng, triển khai phương án rà soát, lên danh sách đối với các trường hợp chưa thu thập hoặc thu thập chưa hoàn chỉnh để có hướng giải quyết. Hệ thống CSDLQGVDC được xây dựng hoàn thiện sẽ phục vụ đắc lực trong công tác quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xóa bỏ tình trạng công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ cần thiết cho việc giải quyết công việc cá nhân, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử theo Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính” - Thượng tá Tô Dụng - Trưởng phòng QLHC về TTXH Công an tỉnh nhấn mạnh.
ÁP LỰC TIẾN ĐỘ
Không ít rắc rối nảy sinh khi triển khai thu thập CSDLQGVDC tại cơ sở. Việc đảm bảo tính chính xác trong quá trình thu thập đang là áp lực cho nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi, trong khi thời điểm phải hoàn thành đang cận kề.
Người dân được phát bản kê khai mẫu để điền, đối chiếu kiểm tra thông tin trước khi điền vào bản chính thức. Ảnh: T.C |
Nảy sinh vướng mắc
Ngày 1.8 vừa qua, TP.Hội An tổ chức triển khai hội nghị tập huấn thực hiện việc thu thập CSDLQGVDC, nhiều nội dung được cụ thể hóa dựa trên kế hoạch chung của tỉnh. Từ hội nghị này, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố cũng xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác ở khối phố, thôn. Không như một số địa phương khác, tại Hội An, việc thực hiện thu thập CSDLQGVDC được tổ chức từ các xã, Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố tăng cường lực lượng trợ giúp cho Công an ở cơ sở.
Tuy nhiên, không ít trường hợp khi kê khai gặp “vướng” vì người dân thiếu nhiều thông tin cá nhân, trong đó có các thông tin quan trọng buộc phải kê khai. Trường hợp ông Võ Đình M. (SN 1964) và con trai là Võ Đình T. (SN 1990) ở khối phố Lâm Sa, phường Cẩm Phô là một ví dụ. Sau năm 1975, ông M. tham gia xây dựng công trình đập Phú Ninh, hộ khẩu dạng “tập thể” ở đơn vị thi công công trình. Tuy nhiên, ông M. bị bệnh và quay về quê Hội An sinh sống, không cắt chuyển khẩu. Công trình hoàn thành, đơn vị giải thể, ông M. không quan tâm đến chuyện hồ sơ thủ tục nên vẫn sinh sống tại địa phương từ đó đến nay nhưng không có hộ khẩu, con ông M. không có giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký kết hôn để bổ sung thông tin về nhân thân. Khi Công an phường tổ chức thu thập thông tin CSDLQGVDC mới phát hiện ra trường hợp này. Tương tự, nhiều người lớn tuổi không nhớ rõ ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi đăng ký khai sinh, quê quán. Đặc biệt, ở các phường trung tâm, nhiều gia đình đã đi khỏi địa bàn nhưng vẫn còn hộ khẩu, lại không nằm trong trường hợp xóa đăng ký thường trú, ảnh hưởng đến tiến độ thu thập.
Theo bà Trần Thị Kim Phụng - Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp), rắc rối về hộ tịch ở các địa bàn, khiến cho thông tin đầu vào phục vụ thu thập CSDLQGVDC gặp nhiều khó khăn. “Công chức tư pháp về hộ tịch ở cơ sở khá vất vả, vì lực lượng khá mỏng, nhiều xã chỉ có từ 1 - 2 công chức phụ trách, nhưng mỗi tuần phải làm giấy khai sinh cho hàng trăm trường hợp để phục vụ cho việc thu thập dữ liệu. Chưa kể còn phải bổ sung giấy đăng ký kết hôn, sửa, điều chỉnh thông tin về ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi đăng ký khai sinh. Có trường hợp cùng một gia đình nhưng mỗi người mang một họ, việc xác minh, tra cứu rất vất vả. Chúng tôi cũng “dở khóc” nhiều trường hợp, ví dụ như ở Hội An, khi gia đình vừa mang giấy tờ đến để kê khai thì ngày hôm sau người kê khai đã… mất” - bà Phụng nói.
Miền núi gặp khó
Xã Ba (huyện Đông Giang) là một trong những địa phương đang gấp rút thực hiện việc thu thập CSDLQGVDC để kịp kế hoạch của toàn huyện. Chủ trương này được người dân khá ủng hộ. Tuy nhiên, khi nhận tờ khai mẫu, nhiều người mới bắt đầu đi tìm… thông tin của chính mình. Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, qua hai đợt đổi hộ khẩu, rất nhiều người thế hệ “8x” trở về trước bị thiếu thông tin về ngày tháng sinh. Những người cao tuổi hầu như không còn nhớ chính xác ngày tháng sinh, tên tuổi của cha mẹ. Tương tự, ở mục thành phần dân tộc, nhiều giấy tờ không thống nhất cách ký hiệu, ví dụ Cơ Tu, Ka Tu, K’tu… khiến cán bộ hướng dẫn cũng phải trích lục, lần giở các văn bản quy định để tìm cách ghi chính xác nhất.
“Trước đây, do việc khai hộ tịch chưa được chú trọng, nhiều gia đình không làm giấy khai sinh, khai tên và chữ đệm ở các giấy tờ khác nhau. Hoặc có trường hợp khai tên họ tùy thích nên anh em cùng một nhà có khi mang mỗi người một họ, họ của con không giống với họ của cha ruột hoặc mẹ ruột. Nhưng phổ biến nhất vẫn là việc không đăng ký kết hôn và thông tin trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu không trùng khớp. Phương án khắc phục được đưa ra là phối hợp với cán bộ tư pháp hoàn chỉnh, bổ sung các giấy tờ; thông tin còn thiếu sẽ được cán bộ Công an huyện lập danh sách để kịp thời tra cứu, bổ sung cho công dân. Chúng tôi chỉ đang băn khoăn việc thu thập “vét” đối với số người đã chuyển đi nơi khác nhưng chưa cắt khẩu sẽ được tiến hành ra sao, địa phương nơi có hộ khẩu hay nơi những người này sinh sống sẽ thực hiện việc thu thập” - ông Nghiêm bày tỏ.
Một khó khăn không nhỏ là sự cách trở về địa lý. Dân cư phân bố thưa thớt, nhiều người ở lại luôn trên rẫy, các gia đình già yếu không thể đến điểm tập trung để kê khai. Nhiều tháng nay, bộ phận thu thập CSDLQGVDC của Công an các huyện, xã phải bám bản, có khi ở lại hẳn trong thôn để làm xong rồi mới di chuyển qua địa bàn khác. “Những ngày này, cán bộ của Phòng QLHC về TTXH cũng đã về cơ sở, hỗ trợ tối đa cho việc phát phiếu, hướng dẫn kê khai và thu phiếu. Rất vất vả, nhưng để đảm bảo kịp tiến độ, chúng tôi cũng phải dốc hết sức cùng địa phương thực hiện. Tuy nhiên, thêm một cái khó nữa, là kinh phí cho việc này vẫn chưa đảm bảo, cán bộ ở cơ sở thường là cán bộ bán chuyên trách, lượng công việc khá lớn và nhiều áp lực nhưng chế độ hỗ trợ còn quá thấp” - Thượng tá Tô Dụng, Trưởng phòng QLHC về TTXH Công an tỉnh cho hay.
Thực hiện chuyên đề: THÀNH CÔNG