Gỡ vướng về khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội

DIỄM LỆ 11/09/2019 11:22

Hôm qua 10.9, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp có buổi làm việc với tỉnh về việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Nhiều phát sinh từ thực tế đã được ngành chức năng của tỉnh kiến nghị đến đoàn kiểm tra.

Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp làm việc tại Quảng Nam. Ảnh: D.L
Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp làm việc tại Quảng Nam. Ảnh: D.L

Kiến nghị từ thực tế

Đến hết tháng 6.2019, toàn tỉnh có hơn 177 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 3.800 người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 158 nghìn người tham gia BHTN, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,3% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế đã nảy sinh nhiều khó khăn cần được cấp bộ, ngành ở Trung ương vào cuộc giải quyết. Ông Trần Quốc Quân - Phó Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Việc khởi kiện nợ BHXH quá khó khăn vì vướng mắc thủ tục. Từ khi chuyển chức năng khởi kiện qua tổ chức Công đoàn đã không khởi kiện được, vì thế nợ vẫn khó xử lý, xử phạt còn nhẹ không mang tính răn đe. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) vẫn còn chưa đóng đủ, đóng đúng cho người lao động khi quy định đóng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 1.2018 dựa trên thu nhập từ lương và các khoản thu nhập khác. Nhưng quy định thế nào là các khoản thu nhập khác vẫn còn rất nhập nhằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để căn cứ thực hiện. Ở tỉnh chỉ đóng cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút (có cộng thêm 7% nghề và 5% độc hại), chứ thực tế vẫn chưa đóng theo đúng thu nhập mà người lao động được hưởng”.

Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, trong thực tế rất ít DN đóng đúng, đóng đủ cho toàn bộ lao động. Chỉ khi thanh tra, kiểm tra mới phát hiện và đề nghị truy thu cho người lao động. Quy định của pháp luật vẫn còn những kẽ hở để DN lợi dụng trốn đóng, nợ đọng, chỉ vì mức xử phạt còn nhẹ, xử lý chưa đủ sức răn đe. Tại cuộc làm việc, ngành chức năng của tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành quy định về cơ chế giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ở các DN phá sản, bỏ trốn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; có chế tài xử lý mạnh đối với đơn vị vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, đặc biệt là hành vi nợ đọng kéo dài, trốn đóng; sớm ban hành hướng dẫn, khắc phục vướng mắc trong thủ tục khởi kiện đơn vị phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Tháo gỡ vướng mắc

Đối với những vướng mắc mà ngành chức năng của tỉnh kiến nghị, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) ghi nhận và cho biết những vướng mắc này cũng là thực trạng chung trong cả nước, các ngành vẫn đang nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật để từng bước tháo gỡ. Thực trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN đang diễn ra trong cả nước, nhiều nơi thành điểm nóng đình công, lãn công, ngưng việc tập thể. Vì thế ông Sơn đề nghị các ngành của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, BHXH đến người lao động và cả chủ sử dụng lao động. BHXH, BHYT, BHTN là chính sách an sinh, liên quan sát sườn đến đời sống người lao động nên rất dễ gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng khi có vấn đề xảy ra ở một đơn vị, DN nào đó. Vậy nên các ngành của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ hơn trong thực thi chính sách pháp luật.

Đối với vướng mắc về khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, đoàn kiểm tra cho biết vào ngày 15.8.2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05. Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự ở các Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Điều quan trọng của Nghị quyết 05 là xác định cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại. Như vậy, cả hai cơ quan là BHXH và tổ chức Công đoàn đều có thể kiến nghị khởi kiện hình sự đơn vị trốn đóng BHXH. Cụ thể, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ vướng về khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO