Chuyện đầu tuần

Góc đời thường của “bản hùng ca”

HỨA XUYÊN HUỲNH 24/02/2025 08:29

Khi được hỏi về niềm ao ước nào đó trong nghề, vị nữ trưởng khoa của một bệnh viện ung bướu nghĩ ngay đến chiếc máy xạ trị mới để điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân. Một điều ước không hề khô cứng như máy móc và khiến nhiều người chùng lòng…

Ngồi trong khán phòng theo dõi chương trình giao lưu với cán bộ ngành y, tôi ngạc nhiên khi nghe thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hằng (Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) chia sẻ về ước mơ có chiếc máy xạ trị mới.

Chương trình giao lưu tri ân y bác sĩ, nhân viên ngành y tế chủ đề “Đồng hành vì sức khỏe cộng đồng” tại TP.Đà Nẵng hôm ấy (tối 14/2) có lẽ là sự kiện sớm nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Đã là năm thứ 3 chương trình được 3 cơ quan truyền thông gồm TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên, VOV miền Trung, VTV8 phối hợp tổ chức.

Hôm ấy, vị nữ trưởng khoa tâm sự rất thật rằng, không như đồng nghiệp nam (trưởng khoa ung bướu của một bệnh viện lớn) cùng tham gia tọa đàm vừa chia sẻ về những kế hoạch lớn, đã 5 năm nay bà chỉ mơ bệnh viện sớm có… máy xạ trị mới.

Hơn 10 năm trước, hệ thống xạ trị tại bệnh viện nơi vị nữ trưởng khoa này công tác là hệ thống hiện đại, nhưng theo thời gian máy móc kỹ thuật không tránh khỏi lỗi thời. Trong xạ trị hiện đại cũng như trong điều trị bệnh ung thư, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.

Ung thư, nếu điều trị khỏi, sẽ chỉ giống như bệnh mãn tính và người bệnh sẽ còn tiếp tục quay lại với cuộc sống. Là một bác sĩ, bà muốn có được máy xạ trị mới để có thể làm được nhiều kỹ thuật hơn, để nối dài sự sống và thay đổi chất lượng sống cho bệnh nhân.

Hôm ấy, không phải người dự khán nào cũng kịp nhớ hết những “thông số” liên quan mà vị nữ trưởng khoa nêu ra để diễn giải lý do tha thiết có được chiếc máy xạ trị mới. Thí dụ mô tả khối u như một quả cam, còn trường xạ trông giống như vỏ của quả cam và không kịp so sánh những vỏ quả cam trong xạ trị hiện đại, với thiết bị tân tiến sẽ cần thiết đến nào…

Nhưng tôi biết sẽ có một điều đọng lại rất lâu: lý do của “lý do tha thiết” có máy mới. Một sự thôi thúc đến từ bên trong, để làm sao sớm cắt cơn đau và chữa dứt căn bệnh.

Có một sự thôi thúc khác đến từ bệnh nhân. “Thái độ!”, một người quen ở Quảng Nam quả quyết như vậy khi tôi dọ hỏi điều đầu tiên anh nghĩ về các y bác sĩ.

Người này vừa chữa khỏi bệnh u tuyến giáp. Mẹ của anh cũng từng nghi mắc bệnh ung thư, và phải rất lâu mới cởi bỏ được gánh nặng tâm lý. Là người trong cuộc, anh ấy nhận ra trong quá trình điều trị, cách thức truyền tải thông tin rất quan trọng. Tâm lý bệnh nhân luôn không vững vàng khi đối diện bệnh tật. Những lúc như thế, thái độ ân cần sẻ chia của y bác sĩ còn hơn cả liều thuốc…

Trong Lời thề Hippocrates, sau cam kết về chuyện truyền nghề và trước lời nguyện không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, cũng thấy có một xác tín liên quan đến thái độ: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay được tổ chức quy mô toàn quốc vào tối 26/2, với chủ đề “Bản hùng ca Người chiến sĩ áo trắng”. Chỉ có “bản hùng ca” mới đủ sức diễn tả hết chặng đường gian khó nhưng đầy vinh quang của ngành y tế sau 7 thập niên làm theo lời Bác Hồ. “Bản hùng ca” ấy tiếp tục được nối dài bởi những chương rất đời thường, bởi những mơ ước rất thực tế…

Nếu nhìn ra những thao thức thường nhật của người chiến sĩ áo trắng, dù chỉ là một vài lát cắt nhỏ, xem như cộng đồng cũng đã thể hiện tâm tình biết ơn dịp 27/2.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góc đời thường của “bản hùng ca”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO