Môi trường đầu tư Quảng Nam đã dần được cải thiện, nhưng nhiều cơ chế chính sách đã trở nên lỗi thời. Nhiều doanh nghiệp (DN) mong muốn chính quyền và cơ quan quản lý thay đổi chính sách, sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả, hợp lý và chuyển hướng đầu tư cho đúng tầm vóc của vùng đất mở đầy tiềm năng.
Vẫn còn vướng
Mười lăm năm qua, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã phát triển rất nhanh về số và chất lượng. Theo một thống kê của Sở KH&ĐT, từ năm 2002 - 2013, số lượng DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập ngày càng tăng với tốc độ tăng bình quân 18,5%/năm; số vốn đăng ký tăng bình quân 40,7%/năm. Bình quân hằng năm có 475 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 2.105 tỷ đồng/năm. Cục Thuế tỉnh cho rằng đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân vượt xa các khu vực kinh tế khác. Dự toán thu nội địa cho năm 2012 khoảng 4.800 tỷ đồng thì khu vực kinh tế tư nhân đã “góp” trên 2.731 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cả ba khu vực kinh tế khác (kinh tế nhà nước Trung ương, địa phương và FDI) gộp lại. Theo phân tích và dự báo của các nhà hoạch định chính sách kinh tế, đến năm 2015, số DN ở khu vực này tại Quảng Nam sẽ tăng lên con số 10.000. Nếu mỗi DN chỉ cần tuyển dụng 10 - 15 lao động thôi thì cũng đã tạo ra việc làm cho cả trăm ngàn lao động. Riêng con số này cũng đủ để thấy tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước. TRONG ẢNH: Phân xưởng cơ khí Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tuy nhiên, nhiều đại diện DN tư nhân đã nói thẳng trong các cuộc chuyện trò hoặc đối thoại với chính quyền, những khó khăn, thách thức không phải đến từ bên ngoài mà từ những chính sách chưa công bằng, chưa thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Kết quả PCI 2012 với vị trí 15/63 của Quảng Nam đã cho thấy vướng mắc lớn nhất của DN chính là đất đai, thuế và vốn vay: 55% DN cho rằng đã gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, 27,17% DN gặp khó khăn về việc tiếp cận mở rộng mặt bằng kinh doanh, 30,85% DN điều tra cho rằng thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp là công việc quan trọng trong hoạt động kinh doanh, 93,33% DN không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, 66,20% DN cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay với DN tư nhân luôn khó khăn hơn với DN nhà nước, 45,71% cho rằng thủ tục vay vốn rất phiền hà. Cũng tại cuộc điều tra này, 62,88% DN cho rằng chính quyền ở Quảng Nam đã rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, nhưng 20,69% DN lại cho rằng lãnh đạo tỉnh đã có những chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở cấp cơ sở và 57,30% DN cho rằng có những sáng kiến tốt ở cấp tỉnh nhưng khi thực thi ở các sở, ngành thì lại có vấn đề.
Hy vọng về một sự thay đổi
Phải thừa nhận rằng những gì đã đạt được ở khu vực kinh tế tư nhân từ trước tới nay là kết quả của những chính sách “cởi trói”, cải cách mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân. Vì thế, dù chưa hài lòng, song giới DN vẫn hy vọng về một sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư. Bởi những yêu cầu, chỉ thị từ phía Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam về việc hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân cho đến nay vẫn rất đúng đắn. Nếu được thực hiện tốt, chắc chắn sẽ giúp cho khu vực kinh tế này một khuôn mặt mới và tốt hơn.
Trung tá Trần Xuân Nghiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lũng Lô cho rằng cần cải thiện môi trường đầu tư. Nếu công tác giải phóng mặt bằng không hoàn tất thì không thể nào thành công dự án. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải nói Quảng Nam có tiềm năng nhưng hiện DN vẫn tiếp tục bơi lội trong khó khăn. Chính sách cần thay đổi. Cần tổ chức những cuộc đối thoại thường xuyên giải quyết những vấn đề cụ thể, mở ra cách đột phá, nâng chất lượng và năng lực bộ máy công quyền. Phía cơ quan quản lý, ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng chỉ số PCI đã giúp Quảng Nam nhìn rõ hơn về nền hành chính. Hạ tầng yếu kém, cơ chế chính sách điều hành thay đổi liên tục làm DN gặp khó. Muốn cải thiện chỉ số cần có giải pháp cụ thể cho hậu đầu tư, tập trung đầu mối thông qua quy trình một cửa liên thông hoàn thiện và mở rộng những cuộc đối thoại định kỳ để thu nhận ý kiến DN. Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, nếu không muốn dự án hay DN bị “đứng bánh” thì cần cơ chính sách vĩ mô ổn định. Không có cơ chế thoáng thì với lợi thế so sánh thấp như Quảng Nam sẽ mất hết cơ hội. Nếu cứ chờ Trung ương duyệt cơ chế thỏa thuận thì nhà đầu tư sẽ đi mất hết.
Chìa khóa cho tất cả kiến nghị trên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thì phải thay đổi cách tiếp cận từ “trên xuống” thành từ “dưới lên”. Chính quyền cần lắng nghe và đáp ứng các nhu cầu của DN bằng các chính sách thích hợp. Đây là điều sẽ tạo dựng nên một môi trường đầu tư kinh doanh tốt mà một nền kinh tế thị trường cạnh tranh cần làm.
NHẬT PHONG