(QNO) - Bây giờ ở phố, người ta cứ đi tìm món quê. Mà món quê ở phố cũng không còn khan hiếm như trước, thậm chí hàng hóa ba miền ngập tràn. Lẽ tất nhiên người miền nào thì sẽ am hiểu ẩm thực miền đó, từ cách chế biến, đến săn lùng các hàng quán ngon. Tỷ như người Quảng ở Sài Gòn không ai không biết chợ bà Hoa - nơi được xem là “linh hồn” của những người Quảng xa xứ. Dù vậy, nhiều người nhận xét “dù thức ăn bày bán tràn trề ra đó, nhưng không ngon như thời cách đây mấy chục năm!”.
Bếp quê là nơi lưu giữ ký ức những món ăn của mẹ. Ảnh: Internet |
Về chuyện món ngon thì phải kể đến mấy bà mẹ quê thời bao cấp. Đất nước trong giai đoạn khó khăn chung nên có được cái ăn đã khó, nhưng bữa cơm mẹ nấu vẫn được cải thiện một cách hết sức ngoạn mục. Nói ngoạn mục là vì mấy bà mẹ thời nay cứ than thở ra chợ chẳng biết mua gì, dù tiền trong túi rủng rỉnh. Thời ấy dù còn nghèo nhưng mẹ tôi vẫn có đủ các món canh, xào, mặn cho cả nhà; và có lẽ bữa cơm ngon còn là bữa cơm của tình thâm, của sự góp sức, yêu thương, sum vầy.
Đi làm về dù muộn, mẹ ưu tiên bắc nồi cơm trước, rồi ra vườn hái mớ rau, khi thì bù ngót, mùng tơi, hay rau muống, rau lang. Mẹ dạo một vòng ngoài vườn, mang vào một nhúm rau trên tay. Nhìn nhúm rau tưởng ít ỏi, vậy mà khi mẹ xòe ra thì đầy cả rổ. Rau nhà trồng, toàn hái đọt non, nên dù món canh rau có khi chỉ nấu với chút dầu ăn, với miếng hành phi cho thơm, vẫn cứ ngon từ vị mát lành, non tơ ấy. Hoặc bữa nào anh hai xúc được mớ tép thì bữa canh hôm ấy ngon tuyệt cú mèo. Món mặn thì có khi chiên hoặc luộc mấy quả trứng lấy từ ổ gà còn nóng hâm hấp. Vào mùa mưa, món mặn thường là cá đồng ba thả lưới, mùa nắng thì mua của mấy cô hàng cá chở từ biển Hội An lên; thịt thì thỉnh thoảng mới có. Rau muống, rau lang đầy vườn, bầu bí cũng lúc lỉu, hết xào rồi luộc hay nấu canh.
Nhớ khi mẹ vào bếp, bao giờ cũng có người phụ họa. Người làm mắm, người nhặt rau, rửa rau, có khi tranh nhau nêm nếm, rộn ràng cả gian bếp nhỏ. Đặc biệt mâm cơm gia đình bao giờ cũng đông đủ mọi thành viên. Người này gắp thức ăn cho người kia, rồi thì những câu chuyện đồng áng, chuyện học hành, chuyện xóm làng rộn ràng góc nhỏ. Hồi đó, làm gì cũng phải đợi đông đủ mới ngồi vào mâm cơm. Đợi chờ là trách nhiệm, nên người về muộn luôn ý thức đến giờ cơm phải tranh thủ về nhà. Bây giờ sống giữa đủ đầy, giữa bôn ba cuộc sống, mọi sự chờ đợi, chia sẻ công việc bếp núc, nhà cửa cũng ít nhiều “gấp khúc”.
Nhắc tới món ăn quê xứ, lại nhớ chợ quê ở phố, cái gì cũng có, bày bán cả những... nhớ thương. Món ăn quê ngấm vào máu, lan tỏa trong từng đường gân thớ thịt, để dù lạc loài giữa đất khách quê người, giọng quê vẫn cứ giữ, nếp quê vẫn mang theo, bao kỷ niệm vẫn chất chứa trong lòng. Cũng chẳng ngạc nhiên khi người quê ở phố, ai cũng muốn được tiếp tế thức ăn, dù chỉ là hủ mắm cái, mớ tỏi, thậm chí ngay cả rau xanh cũng mang vào. Thưởng thức món quê giữa thênh thang xứ người để thấy như mình vẫn đang sống giữa lòng đất mẹ. Và dù cuộc sống có đủ đầy hơn trước, nhưng tin rằng ai cũng dành một góc tâm hồn để nhớ từng món ăn mẹ nấu năm nào.
KHÁNH THI