Cảm thức đôi điều từ lễ hội

NGUYỄN ĐIỆN NAM 12/02/2023 04:36

Mùa xuân, lễ hội ngập tràn nước Việt.

Không bàn về những lễ hội hiện đại mới hình thành, ở đây chỉ nói đôi điều cảm thức về lễ hội có nguồn gốc xa xưa truyền lại. Trong các lễ hội ấy, thể hiện nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và cả những điều minh triết về ứng xử nhân sinh.

Ví như bổ khuyết hiểu biết lịch sử một vùng đất, truyền thuyết vẫn bền bỉ sức sống trong tâm thức lễ hội mang dấu vết đời sống xa xưa. Ở xứ Quảng và nhiều vùng miền Nam chẳng hạn, tồn tại lễ hội cầu mùa tưởng vọng Thần Nông, hàm chứa lịch sử đời sống cư dân gắn với nền văn minh lúa nước, thường có lời cầu “mưa thuận gió hòa, lục súc thái đa, mùa màng tươi tốt”; hay lễ cúng “tá thổ” tạ ơn chủ đất xưa (Chàm) cho mượn đất mà sinh cơ lập nghiệp, nay xuân kỳ thu tế cầu an “tứ thời không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng”...  

Những “bổ khuyết lịch sử” từ trong các truyền thuyết làm nên linh hồn lễ hội, xây đắp cảm thức về nguồn cội dân tộc. Sẽ khó tìm trong sách giáo khoa môn lịch sử những câu chuyện về thủy tổ con Hồng cháu Lạc đẫm đầy tín thức thiêng liêng như khi quan sát, tìm hiểu về lễ hội Kinh Dương Vương ở xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Vào ngày 16 tháng Giêng, xuân  Quý Mão - 2023, lễ hội này được tổ chức với các nghi thức tế lễ truyền thống tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, chung quanh các di tích “Nam Bang Thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (miếu thờ ông Tổ nước Nam), “Bách Việt tổ” (Vua tổ nước Nam)… kể lại sự tích 4.902 năm Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước.

Dịp này người ta cũng nghe thuật lại truyền thuyết vào năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng.

Cảm thức lịch sử dân tộc, gắn với một triều đại oanh liệt - triều Trần đã có công lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy, điển hình tiêu biểu có thể kể các lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định, lễ hội đền Trần ở Thái Bình và lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh.

Nếu như ở Nam Định kể về câu chuyện phát tích của dòng họ Trần xuất thân dân chài lưới, gắn với sông nước, nơi hiện còn thờ 14 vị vua Trần và cả Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo; thì ở Thái Bình ghi dấu về nơi yên nghỉ các liệt tổ nhà Trần với khu lăng mộ và đền thờ.

Còn ở Yên Tử, ghi nhiều dấu tích, truyền thuyết về vị vua - phật đã khai sinh thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, cũng là vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông.

Đôi điều minh triết từ nhân sinh quan trong các truyền thuyết lễ hội, ngoài cảm thức tri ân cội nguồn dân tộc còn ở những câu chuyện, cách thế ứng xử văn hóa khá lý thú của cha ông xưa.

Chẳng hạn chung quanh lễ hội Yên Tử, kể về Phật hoàng Trần Nhân Tông, sẽ cảm nhận về chuyện ngay ở đỉnh cao quyền lực chính trị ngài đã nghĩ đến việc buông bỏ mọi thứ vướng bận bụi trần, hành đạo để chăm sóc niềm tin hướng thiện, nguyện cầu nền thái bình muôn thuở cho muôn dân.

Dường như bổ túc cho quan niệm tu thân, giữ mình trong sạch, ở cách Yên Tử không xa lại có lễ hội minh thề tổ chức tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng.

Nơi đây, giữa tháng Giêng hằng năm lại vang lên các lời thề, ẩn chứa bao điều về cách thế ứng xử độc đáo, rằng: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảm thức đôi điều từ lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO