"Chân ga - chân phanh", nhìn quanh lo ngại

ĐĂNG QUANG 21/11/2021 06:07

Một cách nói ví von dễ cảm nhận trực quan: chân phanh là văn hóa, chân ga là kinh tế. Con đường phát triển đi tới phồn thịnh đều phải hài hòa và nhịp nhàng hai chân ấy.

Ngay những ngày đầu xây nền độc lập Hồ Chủ tịch đã chủ trương phải xóa “giặc đói” bằng tăng gia sản xuất kinh tế, đồng thời cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

Khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được hiểu tương tự như di sản văn hóa, bởi nội hàm có việc “cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.

Sắc lệnh 65/SL là tiền đề để Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Công cuộc bảo tồn văn hóa đã đạt được những thành tựu không nhỏ, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 7 di sản tư liệu thế giới, 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 215 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.581 di tích quốc gia, 10.755 di tích cấp tỉnh; 396 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 184 bảo tàng lưu giữ và trưng bày gần 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm...

Tuy vậy, nhìn quanh cách ứng xử với di tích, di sản văn hóa, đây đó vẫn còn hiện lên những mối lo ngại. Do cuốn hút theo các dự án phát triển kinh tế nên một số địa phương coi nhẹ phần hồn cốt của vùng đất, thậm chí xâm hại di tích, làm đứt gãy giá trị di sản (nhất là di sản phi vật thể).

Thử khảo xem phát triển vùng sẽ dễ hình dung. Phía đông, các khu du lịch đã lấn át nhiều làng chài cổ, những di tích tín ngưỡng, các hình thái sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Phía tây, các dự án thủy điện và sắp xếp dân cư đã xáo trộn cảnh quan, làm mai một bản sắc các tộc người khi biến làng nóc xưa theo mô thức “Kinh hóa”; các ngành nghề thủ công, không gian cồng chiêng thu hẹp.

Đặc biệt, do đô thị hóa, các thành phố “cựa quậy” rất dữ khi khai thác quỹ đất làm các công trình hạ tầng mà quên đi không gian cần có cho các di tích, di sản. Ví dụ gần đây là Đà Nẵng dự tính cho đấu giá một phần đất của Nghĩa trủng Phước Ninh làm bãi giữ xe bị dư luận phản đối.

Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Hùng đã kể lại một chuyện tương tự như vậy đối với thành Điện Hải, rằng “Khi tôi đòi trả lại đất ở phía bắc thành Điện Hải, đề nghị không xây Trung tâm lưu trữ, đã có sở đề nghị làm bãi đỗ xe. Tôi nói đất Đà Nẵng thiếu, nhưng không thiếu đến nỗi lấy đất thiêng làm bãi đỗ xe”.

Có lẽ luôn cần có những tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ di sản như vậy, và mới đây tại hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững” (do Cục Di sản văn hóa tổ chức) tiếp tục nghe thấy nhiều phản ánh lo ngại để giữ sự hài hòa giữa “chân ga” và “chân phanh”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chân ga - chân phanh", nhìn quanh lo ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO