Có lời hẹn nào ở phía trước?

PHAN HOÀNG 10/10/2021 05:59

Thường, khi qua địa phận tỉnh nào huyện nào đó, bạn sẽ thấy lời chào “Tạm biệt, hẹn gặp lại...!”. Trong dòng hàng ngàn người theo đường Hồ Chí Minh, qua đèo Lò Xo trên địa phận Quảng Nam, có mấy ai dám ngoái đầu nhìn lại? Trong dòng người chao chát rời khỏi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai suốt tuần qua, người đi bộ, kẻ xe đạp, xe máy, mang vác, đùm níu nhau đi, có ai mong hẹn gặp lại?

“Ra đi là sự đã liều/Mưa mai chẳng quản, nắng chiều cũng cam”.

Họ tạm biệt và có hẹn gặp lại Sài Gòn không? Rời đi, lúc này, trong ngắn hạn, chắc là không hẹn. Vài năm sau, cơn kinh hoàng phai lạt, trí nhớ được thay dần bởi đùn đẩy cơm gạo, có thể, rồi họ sẽ lại ra đi, như chưa từng có cuộc di tản về quê xứ hôm nay. Vậy thì đất quê mênh mông, có gì để giữ họ lại? Có lời hẹn nào ở phía trước dành cho họ?

Quê nhà, về thu xếp lại đời mình, đời con cái mình kiểu gì đây? Tôi đoán, chưa ai nghĩ được đến đó. Cứ về được đã. Sống được đã. Còn những tính toán dài hơi hơn, chính quyền phải lo.

Như, với con số mới nhất: ước đoán có 3,5 triệu người cả nước làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trong đó khoảng 2,1 triệu người muốn về quê; thì phải đặt vấn đề ngay từ bây giờ, là kiến thiết lại nông thôn. Nông thôn mới là gì nếu không phải là cư dân sống được ở đó, chọn nông thôn gửi đời mình, đời con cháu mình, chứ không phải bán sức lao động ở xứ người.

Với Quảng Nam, hiện tại không nóng như các đợt về trước; nhưng trong hơn 5.000 người Quảng từ các tỉnh thành phía nam về, ngoại trừ đối tượng không trong độ tuổi lao động, thì đến nay, chỉ rất ít người vào nhà máy, lao động tự do thì xoay trở trên mảnh vườn mảnh ruộng. Tựu trung, số người có thu nhập không nhiều.

Ngay từ chuyến đầu tiên đón người về, lãnh đạo tỉnh đã cam kết, rằng tỉnh sẽ lo việc làm nếu công dân có nhu cầu, đáp ứng được thị trường lao động. Người đứng đầu tỉnh đã giao các sở ngành, địa phương thống kê cụ thể số lao động có hộ khẩu thường trú tại Quảng Nam trở về từ vùng dịch Covid-19 (không quay trở lại các tỉnh, thành phố sau khi hết dịch) để nắm nhu cầu cần việc làm, tổng hợp số lượng, đề xuất kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.9.

Thời hạn qua lâu rồi, mà vẫn chưa thể có con số cụ thể để tính toán phương án phù hợp. Việc thống kê ở các địa phương đang rất chậm. Bao nhiêu người về, huyện nào huyện đó nằm lòng danh sách, địa chỉ, hoàn cảnh; nhưng tại sao lại chưa thống kê được? Giả sử những công dân trở về đó, họ có hẹn trở lại Sài Gòn, thì dẫu gì cũng phải có được thông tin cụ thể.

Với 15.000 vị trí việc làm được niêm yết trên sàn giao dịch việc làm online của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thì cơ hội là khá nhiều cho những lao động trở về muốn ở lại đất quê. Vậy nên, nếu các địa phương không xăn tay áo, thì lời hứa của lãnh đạo tỉnh với công dân sẽ thành hứa hão.

Tỉnh ủy Quảng Nam cũng vừa ban hành Kết luận về việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tỉnh chọn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Định hướng đã có, việc tiếp theo bây giờ là chuyển trọng tâm kinh tế ở vùng nông thôn như thế nào, để đó thực sự là NHÀ, và không còn các cuộc dịch chuyển thiếu tương lai bền vững ra phố.

Những người ly hương, nay cùng đường mới quay về. Thì quê hương có là chùm khế ngọt hay không, có cho thấy lối thoát trên đất quê hay không, sẽ trả lời cho việc, họ về, rồi có đi nữa không?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có lời hẹn nào ở phía trước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO