Cúng tế, không cứ thế phải thế

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/03/2022 06:38

Sau lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên) vừa rồi dân mạng bàn tán xung quanh hình ảnh mâm lễ vật cúng có một nghé sống (trâu con) không xẻ thịt và bôi tiết (máu) đỏ cả thân mình.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một Facebooker cảm nhận hình ảnh ấy “nhìn ghê ghê”. Lại có người đề xuất “có thể làm thịt, cúng ra mâm, thay vì để nguyên con trâu, lại bôi tiết lên nhìn thấy hơi sợ sợ”.

Và có ý kiến thêm rằng “giá như lòng biết ơn được thể hiện bằng các phần lễ hội vui chơi hay cúng bái tưởng niệm là quý rồi. Đừng đem thân mạng loài vật máu me đầm đìa ra để trước điện thờ, trước mặt bá tánh đến chiêm lễ, tham quan thì tốt biết bao nhiêu”.

Tuy nhiên, lại có luồng ý kiến ngược chiều cho việc cúng tế như thế là bình thường, vật cúng tế là tiếp nối truyền thống mà người dân coi là tục lệ với niềm tin truyền thuyết lâu đời.

Trước những ý kiến trái chiều đó, lãnh đạo địa phương Duy Tân và Duy Xuyên cũng đã giải thích và nói rõ “tục lệ đã bỏ bớt rồi, giờ chỉ làm trâu rồi đem tới cúng tế thôi”, làm chỗ khác và đem tới cúng nên không phản cảm.

Chuyện này, theo thiển nghĩ của chúng tôi, tập tục tín ngưỡng đã ăn sâu vào truyền thống không dễ thay đổi ngay được. Dân gian quan niệm cúng tế là nghi thức dâng lễ vật lên thần linh, người đã khuất để tỏ lòng cung kính, tưởng nhớ.

Lễ cúng với quy mô gia đình nên vật cúng gia giảm thế nào cũng dễ, còn tế có quy mô lớn hơn thường gắn với cộng đồng. Do vậy, với đại tế như lễ Bà Thu Bồn, muốn thay vật cúng tế khác thì theo quan niệm tâm linh tín ngưỡng phải “xin lễ Bà” đàng hoàng và có sự thống nhất của dân làng chứ khó mà một mình ai quyết được.

Tuy vậy, ở góc nhìn khác, những đóng góp với sự thiện ý và hiểu biết cũng đáng nên lắng nghe. Bởi vì không cứ “xưa bày nay bắt chước” mà đi ngược trào lưu văn minh, hoặc giả có thể gây phản cảm với nhãn quan tiến bộ.

Thực tế  theo thời gian và quan niệm thay đổi, con người đã bỏ khá nhiều nghi lễ cổ xưa; vật hiến tế, cúng tế cũng khác, tùy biến, tùy thời. Như không hiến tế mạng người cho thần linh, ma quỷ; bớt nhiều cảnh đâm chém động vật một cách man rợ trong các lễ hội...

Vật cúng tế gắn với phục vụ ẩm thực “trước cúng sau cấp” cũng giản tiện bớt ở nơi nào đời sống không quá thèm khát, mà chỉ sắm sanh coi sao cho “đủ lễ” mà thôi.

Nói thêm về cúng tế, có lẽ bạn đọc nên tìm xem bài báo “Cúng tế có nghĩa gì?” của học giả Phan Khôi - một người Quảng nổi tiếng “hay cãi”, đăng trên Phụ nữ tân văn (Sài Gòn, số 170, ra ngày 29. 9.1932).

Trong bài này, học giả Phan Khôi đã phản biện rất sâu sắc những quan niệm sai lạc về cúng tế và vật cúng tế. Dẫn theo Vương Sung trong sách “Luận hoành”, ra đời cách đây hơn hai nghìn năm, Phan Khôi cho rằng cần thấy cái ý nghĩa tốt đẹp của cúng tế là để “báo bổn phản thỉ” - nói nôm na là đáp ơn cội gốc và trở lại ban đầu.

“Muôn vật gốc bởi trời, người ta gốc bởi tổ”, bày ra cúng tế để cho đừng quên cái gốc ấy. Vậy nên “nếu nói vì có ăn uống mà cúng tế thì sự tế trời tế đất thật rất là vô nghĩa. Trời đất có miệng đâu mà hòng ăn được?

Vả chăng, con người ta thân thể chỉ lớn bấy nhiêu mà mỗi khi ăn uống cơm canh ít nữa cũng phải mấy bát mới no; thì trời đất thinh thang như vậy, mà tế có một con bò, mấy mâm xôi, ăn sao cho no được? Thế thì biết rằng hẳn không phải vì sự ăn uống mà có cúng tế”.

Biện giải những quan niệm lạc hậu vì thấy chi sợ nấy nên người ta bày vẽ cúng tế quá nhiều chỉ để cầu phước, tránh họa, Phan Khôi khá xác đáng khuyên rằng “sự cúng tế chỉ là tại mình muốn hết lòng thành đó thôi, chớ quỷ thần nào có ăn uống gì đâu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cúng tế, không cứ thế phải thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO