Giả bảo làm chân, chân cũng giả

ĐĂNG QUANG 28/08/2022 06:46

Mạng xã hội đúng là… cái chợ. Vô đó có đủ thứ loại tin tức, thật giả, giả thật rất phức tạp. Thành phần đưa tin lên mạng cũng đủ hạng người.

Một video clip ghi chuyện cúng dường, làm nổi lên trận cuồng phong trên mạng bình luận về đạo đức sư thật - sư giả, kể cả sư sãi cũng loạn đả tranh cãi. Một tin nhắn của cặp tình nhân vụng trộm cũng làm nên mây mưa vì chuyện “lòng xào dưa” trên cõi phây (facebook).

Lại có người tự đưa hàng loạt chức danh, học hàm, học vị, đủ thứ bằng cấp đại học, học viện để quảng cáo, nhận tư vấn từ kinh tế, giáo dục, khởi nghiệp đến… thuốc và thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý (?).

Những chuyện đó, tưởng ồn ào một lúc rồi im, nhưng thực tế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường an ninh và quản lý trật tự xã hội.

Có những vụ việc luôn nóng, còn ảnh hưởng thường xuyên và lâu dài cho sinh hoạt đời sống nhiều người. Như chuyện làm giấy tờ (chắc là giả như thật). Dễ dàng thấy các trang quảng cáo tung ra trên facebook, YouTube vô số chiêu trò câu khách làm nhiều loại giấy tờ, từ hộ chiếu, bằng lái xe, bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm ngân hàng…

Đó là chưa nói các hành vi lường gạt như vụ Bảo hiểm Việt Nam vừa cảnh báo (Báo Quảng Nam cũng đưa tin) là có trang facebook lừa đảo với quảng cáo rằng “Cung cấp dịch vụ Giải ngân trước hạn. 1- Làm lại sổ BHXH. 2- Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”.

Ở phía khác là ba cái vụ tín dụng đen rao loạn cào cào, cho vay nóng mà không cần giấy tờ gì nhiều, chỉ cái căn cước và số điện thoại là đủ, để rồi bóp hầu người ta (!). Quảng cáo bán hàng trực tuyến cũng tạo ra đường dây lừa đảo, rao một đàng bán hàng một nẻo...   

Tại sao là có cái sự giả - thật bát nháo đến thế? Hẳn có nhiều nguyên nhân. Người ta hay nói cái thời loạn giá trị, lệch lạc chuẩn mực đạo lý sinh ra thế. Nhưng vấn đề suy thoái giá trị đạo đức xã hội mới là chuyện đáng nói, là gốc rễ. Có sư sãi tham sân si quá độ, cán bộ vạ mồm vạ miệng đến chuyện sinh hoạt riêng tư, đều tung hê hết lên mạng.

Còn nạn giấy tờ giả, không chỉ do tội phạm gây ra mà một phần từ nhu cầu xã hội. Đi làm giấy tờ phiền nhiễu quá thì sinh ra “cò”, làm giấy thật và cả làm giấy giả. Nền hành chính còn sính bằng cấp, “tin giấy hơn tin người” cũng vô tình kích thích tội phạm làm giấy tờ giả nảy sinh.

Cũng nhân chuyện giấy tờ mà bàn thêm sự nhiêu khê, phiền toái. Như một tờ báo phản ánh, rằng có hai vợ chồng già muốn bán nhà phải đi làm lại giấy đăng ký kết hôn. Muốn làm giấy này phải có giấy khai sinh gốc. Khổ nổi ông bà lại mất giấy tờ nên chỗ đang ở bảo phải về quê cũ làm khai sinh thì gặp rắc rối khi xác định nơi sinh, quê quán, nguyên quán…

Giấy tờ phục vụ giao dịch bình thường đã thế, huống chi nhiều loại hồ sơ thủ tục khác. Chẳng hạn hồ sơ đầu tư cho một dự án công trình chỉ là hạng nhỏ thôi (chừng dăm tỷ đồng) có khi mất cả năm để làm đủ thứ giấy tờ. Cho nên không ít cơ quan, ban ngành và cả doanh nghiệp nữa, cũng tìm đối tác ủy thác việc lo hồ sơ thủ tục đầu tư. Đâm ra mọi việc cứ ì ạch, tiến độ giải ngân thì kêu gào rát họng mà vẫn như rùa bò.  

Trong nhiều trường hợp “giả bảo làm chân” là việc làm giả như thật, lừa đảo, trục lợi. Còn “chân cũng giả” đó là chuyện mua dây buộc mình, nhất là nạn giấy tờ, hồ sơ thủ tục còn gây phiền phức dù việc hô hào chuyển đổi số với “văn phòng không giấy” đã triển khai mấy năm rồi.

Nhìn góc độ kiểm soát xã hội, báo chí và truyền thông mạng là cái “chợ tin” làm nổi lên bao sự thật - giả, vậy nên cần có bộ lọc tốt để thức nhận đúng giá trị chân thiện mà điều chỉnh hành vi và quản lý an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giả bảo làm chân, chân cũng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO