Gió lành

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/01/2022 08:09

Kết thúc năm cũ và bước vào năm mới - 2022, nghe thấy nhiều bản tin vui về kinh tế Việt Nam, trong đó nổi bật là xác lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.  

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%.

Dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song có tới 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức 2 con số (10 - 20%), cao hơn nhiều so với mục tiêu 4-5% ngành công thương đặt ra.

Có tiếng reo vui khi Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD!

Và có nỗi mừng với sự góp sức của các ngành, lĩnh vực, địa phương vào kết quả ấy. Như ở Quảng Nam, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỷ USD, tăng 16%.

Nhờ đâu mà trong bối cảnh dịch bệnh Covid tái bùng phát, nhiều địa phương trọng điểm cũng bị phong tỏa, lại có được kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khá như thế?

Phân tích từ các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong lưu thông, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, logistics.

Cùng lúc, phải ghi nhận nỗ lực phi thường của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thích ứng linh hoạt, duy trì sản xuất, tìm kiếm thị trường có đường sinh trong cửa tử. Nghĩa là biết cách đón ngọn gió lành trong khi gió độc do dịch bệnh, thiên tai hoành hành trên quy mô toàn cầu.  

Gió lành từ đâu đến? Chắc hẳn phải từ việc mở cửa rộng thêm vào hội nhập kinh tế thế giới, với các hiệp định thương mại thế hệ mới. Kim ngạch xuất khẩu tăng tốc là hiệu ứng sau khi Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, khu vực ASEAN, EU, Mỹ..., trong đó có những thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội này để mở cửa đưa hàng hóa xâm nhập các thị trường vốn khắt khe. Hãy thử nhìn vào thị trường mới sẽ rõ, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau một năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1.1.2021) và 7 tháng có hiệu lực chính thức (từ ngày 1.5.2021), trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh đã có những tăng trưởng tốt; tính trong 11 tháng, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD.

Từ kết quả năm 2021, nhìn tới triển vọng thương mại châu Á, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo cụ thể hơn là năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%.

Hy vọng, từ những cánh cửa hợp tác thương mại mở ra, và với việc kiểm soát dịch bệnh Covid ngày càng hiệu quả, cùng sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, địa phương và doanh nghiệp, ngọn gió lành sẽ tiếp tục đến với thương hiệu hàng hóa “Made in Vietnam”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió lành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO