Mừng, nhưng chưa an lạc!

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/07/2021 06:29

Mừng với báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết nước ta đạt tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm trước (1,82%). Tổng cục Thống kê cũng đánh giá đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mừng nữa là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021.

Mừng và khá bất ngờ với Quảng Nam khi đạt tốc độ tăng trưởng GRDP lên tới 11,7%! Với con số đó, Quảng Nam là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là 1 trong 9 tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số và đứng thứ 5 cả nước.

Ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm là 13.475 tỷ đồng, đạt 69,6% so dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 61% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 9.382 tỷ đồng (không bao gồm thu xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất), đạt 64,8% so dự toán và tăng 69% so với cùng kỳ.

Mừng nhưng sao lại nói chưa thể an lạc? Bởi vì tình hình xao xác nhân tâm do dịch Covid vẫn còn hoành hành, nhiều ngành kinh tế điêu đứng. Đầu tàu công nghiệp của cả nước là TP.Hồ Chí Minh đang phải gồng mình chống chịu tổn thương vì dịch bệnh. Còn Quảng Nam, ở giữa hai đầu Đà Nẵng và Quảng Ngãi cũng đang thu mình phòng thủ.

Đi sâu vào phân tích nguồn thu của Quảng Nam, thì như mọi năm Thaco vẫn dẫn đầu, với 5.490 tỷ đồng. Trong khi đó, do dịch vây bủa, giãn cách xã hội nên sản lượng tiêu thụ bia giảm, số thu cho ngân sách từ nhà máy bia Heineken chỉ đạt 39% kế hoạch (432/1.100 tỷ đồng), chỉ bằng 73% so cùng kỳ.

Đáng lo hơn là tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp. Trên phạm vi cả nước, trong 6 tháng đầu năm nay có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020 (cụ thể: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%).

Như vậy, trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn ở Quảng Nam, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, 80% doanh nghiệp giảm doanh thu, 70% gặp khó khăn lưu thông hàng hóa, 60% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu.

Doanh nghiệp khó khăn, nhiều cơ sở giải thể hay đóng cửa thì ngay lập tức ảnh hưởng việc làm và lao động. Ước tính cả nước, tỷ lệ thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) thất nghiệp trong 6 tháng là 7,45%.

Đấy là chưa kể cùng với ngành dịch vụ du lịch tê liệt, giãn cách xã hội nhiều nơi, làm cho lao động trong nhiều ngành phải bất đắc dĩ “ngồi chơi xơi nước”. Cho nên tăng trưởng chung của GDP là thế nhưng thu nhập của nhiều người có thể bằng không, hoặc ăn vào vốn tích lũy, lấy gì mà hoan hỉ, an lạc?

Doanh nghiệp cũng là lực lượng chính để đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên thực tế nước ta nhập siêu đến 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD).

Rõ ràng là cần phải nhanh chóng tìm cách giữ “nồi cơm bát gạo”. Trước mắt, cần kiểm soát tốt dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Vừa rồi Quảng Nam đã ưu tiên dành 3 nghìn liều vắc xin cho Thaco tiêm phòng Covid, đó cũng là cách hỗ trợ hay, bởi nếu để doanh nghiệp này “hắt hơi sổ mũi” là kinh tế Quảng Nam chao đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mừng, nhưng chưa an lạc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO