Người tài và quan lộ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 12/06/2022 05:18

Vụ nâng giá kit xét nghiệm Covid từ Công ty Việt Á càng điều tra mở rộng càng kịch tính. Cho đến nay lãnh đạo hàng loạt CDC từ Nam ra Bắc đã xộ khám.

Chấn động hơn là vi phạm pháp luật của hàng loạt tướng tá ở Học viện Quân y, của các vụ trưởng, thứ trưởng các bộ liên quan. Mới đây nhất hai ông nguyên bộ trưởng (Khoa học & Công nghệ và Y tế) đã bị khai trừ Đảng và bị bắt. Nói không ngoa là Việt Á không làm ra kit mà đã sản xuất… “thuốc trừ sâu” làm cho cả bầy sâu quan tham gục ngã.

Dư luận ở Quảng Nam quan tâm nhiều về vụ này bởi liên quan đến Phan Quốc Việt, một “ông trùm” trẻ tuổi người Quảng tiếp nối con đường phạm tội như Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) kéo hàng loạt tướng tá vô tù.

Khi Việt bị bắt, nhiều người thắc mắc là tại sao một người trẻ tuổi lại cả gan và đủ sức làm chuyện động trời như vậy, tác giả bài này luôn chờ câu trả lời chính xác, đầy đủ. Nay có thể kết luận rằng chính quan tham là bệ đỡ chủ yếu làm tăng quy mô vụ này.

Quan tham đã tạo môi trường và dẫn dắt cho những người như Vũ Nhôm, Quốc Việt lún lầy sâu hơn vào tội lỗi. Quan tham mà càng có chức vụ lớn càng ăn đậm (nghe thấy tiền lót tay hàng mấy trăm tỷ đồng) thì vụ án càng phình to hậu quả.

Có cái chép miệng tiếc rẻ về những người trẻ tuổi như Việt, vốn xuất thân từ học trò giỏi trường chuyên, nếu biết dùng tài phụng sự cho con đường ngay chính, có ích cho đất nước thì đâu có chuyện tra tay vào còng.

Nhưng một luồng ý kiến khác phản biện rằng sao nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, tướng tá kinh qua trận mạc nhiều, dù lớn tuổi và đã trải đời, trải quan lộ nhiều năm trường cũng dính chàm, phạm tội. Vậy phải chăng cái tham do cá nhân nhưng phần lớn do cái tệ tham nhũng đã ăn sâu và có hệ thống trong cơ chế, bộ máy?

Nói vậy có thể đúng mà chưa trúng, cơ chế gì cũng do con người làm ra, có lổ hổng thì bịt, sửa, điều chỉnh chứ sao lại để vậy. Điều chỉnh bằng pháp luật công minh, vận hành bằng cơ chế kiểm soát chặt chẽ có lẽ là những vấn đề đáng quan tâm nhất trong bối cảnh “đốt lò” liên tục mà chưa hết sâu bọ.  

Một trăn trở khác đáng lưu ý là việc tuyển cử cán bộ và kiểm tra giám sát quan chức. Về nguyên lý tuyển cử cán bộ đều muốn trọng dụng nhân tài, dựa trên nguyên tắc đánh giá tài năng và phẩm chất đạo đức. Nhưng nhân tài vào quan lộ không phải ai cũng tiến bộ.

Có người nói chỉ người tài mới sử dụng được người tài. Vậy nên nếu vì tuyển cử cán bộ dựa vào “chủ nghĩa thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “bè phái cục bộ” thì đâu có đất cho người tài thực sự dụng võ.

Mặt khác, như Bác Hồ từng nói chọn cán bộ phải lấy đức làm gốc, lấy tài làm trọng, có đức không có tài làm việc gì cũng khó, có tài không có đức thì vô dụng. Cái đức gồm cả “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Nhìn lại những sai phạm của không ít cán bộ thời gian qua rõ là “một bộ phận không nhỏ” trong quan chức đi ngược chuyện “học và làm theo Bác”, suy thoái đạo đức nghiêm trọng mà vẫn chen chân được đến chức vụ cao, thì khâu tuyển cử, giám sát cán bộ không là vô can.

Không phải người tài nào cũng thích vào quan lộ, vào bộ máy nhà nước. Đó là một thực tế. Vậy nên cơ chế tuyển cử cán bộ cần phải đáp ứng được 4 tiêu chí: Hỗ trợ (phát hiện) nhân tài; Thu hút nhân tài; Bồi dưỡng nhân tài và Giữ được nhân tài. Đó cũng là hệ sinh thái để tạo ra môi trường cống hiến cho hiền tài.

Nếu môi trường làm việc nào nhiều quan tham thì người có tài mà tha hóa đạo đức cũng sẽ theo bầy. Còn người nào muốn giữ bản lĩnh tài đức thực sự sẽ tìm cách ra đi nếu không muốn bị loại, hoặc đau hơn là bị “vô thế” chịu đòn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người tài và quan lộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO