Nhấm nháp hương vị tết mùng Năm

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/06/2022 08:42

Mặt trời sắp lên đỉnh Đoan Ngọ. Nắng rót dải mật vàng sóng sánh. Mít ươm chín cây. Đẫm đầy hương vị các loại lá… Thế là tết mùng Năm đến.

Xưa, người ta chờ cái tết này như là quãng nghỉ giải lao giữa năm sau thu hoạch mùa lúa đông xuân và đã xuống giống vụ hè thu. Qua hẳn đận giáp hạt, nếp mùa thơm tho đem gói bánh ú tro; bát đường “ông che” cất đã lâu thêm đậu ván, đậu đen nấu chè; có con vịt để dành nấu nhưn bún măng…

Những thức quà ăn uống thực sự đơn sơ nhưng mà người người chờ đợi. Hương vị tết ngon hay dở là ở nỗi chờ đợi, càng da diết đầm ấm với gặp gỡ chung vui gia đình càng thấm hương tình.

Nay, tết có vẻ nhạt đi vì nỗi chờ hương vị ẩm thực ít riết róng. Bởi cái ăn đâu còn khao khát quá đỗi. Các thứ bánh trái cũng chẳng đợi mùa, quanh năm đều có. Quán xá ê hề vịt gà, thịt thà, mực cá các loại nhậu nhẹt thường luôn. Sự thèm thuồng và nỗi chờ không như ngày cam khổ xưa xa, nên tết mùng Năm có lẽ như cảm giác “đêm chưa nằm đã sáng”. Vậy hương vị tết còn gì?

Còn đấy những hoài niệm, những thương khó, những mối dây ràng rịt tập tục, tín ngưỡng. Hương vị tết, dường như luôn bắt đầu từ nỗi thương cha nhớ mẹ, lòng biết ơn tiên tổ tác tạo nhân duyên, khai canh, khai cơ truyền đời qua nhiều thế hệ.

Cho nên mỗi dịp tết, dù cuộc sống biến chuyển ra sao thì sự kính tín với gia tiên cũng tìm cách thể hiện bằng lễ vật, hương hoa, mà câu mở đầu thường là “xưa bày nay bắt chước”. Nhớ hồi ông bà còn nghèo, thì dâng đĩa bánh ú tro cũng gọi là của ít lòng nhiều mong cho chữ hiếu vuông tròn.

Thế là còn từ trong tâm thức hướng về nguồn cội. Và thiệt tội cho những phận người không may đứt bóng quá khứ truyền thống đã in sâu trong nếp ứng xử cận nhân tình. Càng thấy vì sao cuộc sống dù đã đầy cao lương mỹ vị mà bao gia đình vẫn muốn tìm những dư ba xưa xa với thức quà giản dị, đơn sơ, thơm thảo.

Thú vị hơn là nhờ thế mà rảo qua các làng nghề truyền thống làm bánh tết thấy ấm áp những ngọn lửa. Như chuyện ở làng Hoán Mỹ (khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) có khoảng 70 hộ giữ nghề làm bánh ú tro, không chỉ phục vụ cho tết Đoan Ngọ - Mùng Năm, mà còn cho rằm, mùng Một hàng tháng.

Đợt tết gói không kịp thì thuê thêm người gói bánh, đến hàng trăm nhân công làm thâu đêm suốt sáng cho kịp hàng đi Hội An, Đà Nẵng, khắp Quảng Nam đến các miền xa nữa.

Thợ làm bánh ú tro ở Ái Nghĩa (Đại Lộc) nhiều lứa tuổi, nhưng những người ở lớp già đã “thất thập cổ lai hy” có thâm niên nghề như các ông bà Hà Thị Bảy, Nguyễn Thị Vân, Trần Phước Dũng, Lê Phước Thiện… tiếp tục trao truyền dẫn nghiệp cho con cháu thế hệ trẻ tiếp bước. Nhờ vậy, làng bánh đỏ lửa, dù sinh kế không thể làm giàu nhanh, giàu to cũng đủ lo cho cuộc sống thường nhật.

Từ chiếc bánh ú tro thơm tho, đượm hương tro mè ủ nếp… mùi vị tết mùng Năm dẫn dụ người ta đi vào thế giới cảm xúc của tình cảm yêu thương quê nhà hơn là các loại bánh công nghiệp. Tết, chính là chỗ hương vị đó.

Có bao nhiêu thứ nghề truyền thống còn sống được như nghề làm bánh ú tro? Sẽ khó kể hết được. Ở Đà Nẵng có khô mè bà Liễu. Tam Kỳ có bánh chưng bà Ba Hội. Hội An có bánh vạc, bánh ít. Mít Tiên Phước chừ không chỉ dành kho cá chuồn mà làm ra nhiều thứ... Nghề truyền thống muốn sống được hẳn phải dần nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, nắm bắt thị trường, có lực lượng lao động trao truyền qua các thế hệ.

Làm được thế là hương vị cho tết cho các làng nghề vẫn còn.

Để những cái tết sẽ luôn là tết vui.

Và vẫn đợi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhấm nháp hương vị tết mùng Năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO