Quản trị việc phòng bị trước kẻ giấu mặt

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/05/2021 06:20

Cuộc chiến phòng chống Covid sẽ còn trường kỳ. Chỉ cần lơ là phòng bị thì kẻ thù giấu mặt này sẽ tiêm kích ngay vào cộng đồng, mở toang những bất an, hoang mang lo lắng.

Từ lễ hội sông Hằng, Ấn Độ phải trả giá bằng cuộc siêu lây nhiễm Covid, cứ 4 giây thêm 1 người nhiễm, sau 40 giây 1 người tử vong.

Như ong vỡ tổ, châu Á có dấu hiệu tái bùng phát đợt dịch với số ca nhiễm tăng nhanh. Xung quanh Việt Nam báo động đỏ với Campuchia, Thái Lan, Lào, Indonesia, Philipines, nay có thêm ổ dịch mới ở một bệnh viện tại Singapore. Toàn thế giới nay có tới khoảng 155 triệu người nhiễm và gần 3,5 triệu người chết. Liệu chúng ta có “be bờ” được trong cơn nguy khi Covid bao vây như vậy?

Nhiều giả định đặt ra khi Việt Nam dự lường có thể chống chịu với phương án xử lý  khoảng 30 nghìn ca lây nhiễm. Nhưng nếu hơn số ấy thì sao?

Nếu những bệnh nhân cứ ào ào đi lây lan khắp chốn, nếu những rào chắn biên giới và khả năng phòng vệ trong cộng đồng bị vô hiệu, điều tồi tệ gì sẽ xảy ra khi hệ thống quản trị khủng hoảng quá tải?

Ai cũng mường tượng được. Đó có thể là mùa hè đỏ lửa thiêu đốt lòng người trong kiếp nạn mà đất Phật như Ấn Độ đã và đang trải. Nếu để Covid tái bùng phát dữ dội sẽ nhấn chìm mọi nỗ lực khôi phục kinh tế, kể cả ngưng trệ mọi hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế… và ta sẽ “khóc mùa hè mà khô cả đại dương”.

Vậy ở đây, nói ngay là công tác quản lý nhà nước và quản trị xã hội đều có vấn đề cần phải nhanh chóng khắc phục. Trước hết là chú ý vấn đề tâm sinh lý của con người tham gia hai hệ thống quản trị nói trên.

Sau thời gian dài thực hiện các đợt phòng chống dịch, trong đội ngũ cán bộ y tế và cả lực lượng chức năng tham gia phòng bị đối với Covid ít nhiều đều mang tâm lý căng thẳng, mệt mỏi. Nhu cầu nới giãn để “xả tress” là có và do đó bộc lộ những lỗ hổng trong quy trình giám sát. Mặt khác, tâm lý xã hội bị dồn nén như chiếc lò xo cứ đợi có dịp là bung ra, xả hơi với du lịch, làm ăn, sinh hoạt giao lưu cộng đồng...       

Tâm lý muốn giải tỏa bức bí không có lỗi gì. Lỗi ở hệ thống truyền thông chăng khi ào ào kêu gọi kích cầu du lịch, rồi lại cuống cuồng phòng chống dịch? Vì sao lực lượng giữ khu vực cách ly bệnh nhân Covid bỗng dưng lơi lỏng để cho người chạy trốn, người đi rông khắp chốn? Ai giám sát việc cách ly tiếp theo ở nhà bệnh nhân? Việc quản lý xuất/nhập cảnh thế nào để người Trung Quốc vào lưu trú trái phép trong khu dân cư?...

Hàng loạt câu hỏi ấy cho thấy nhiều lỗ hổng. Rõ ràng, người ta đã phòng chống dịch theo đợt, chống trả quyết liệt theo đợt nhưng chưa sẵn sàng tâm lý phải “sống chung” với dịch lâu dài.

Bây giờ những ngày xưa bình yên như mãi mơ tưởng không còn nữa. Trạng thái bình thường mới với sự hiện diện của Covid là thử thách mà loài người phải vượt qua. Không riêng Covid và chẳng thể trông đợi tiêm chủng vắc xin toàn dân là xong mà còn có thể phải đối phó nhiều bệnh dịch khác.

Do vậy việc quản trị để tránh khủng hoảng y tế, sức khỏe sẽ phải luôn đặt mục tiêu an toàn lên đầu, mà trước hết là quản trị việc phòng bị. Phòng bệnh hơn chữa bệnh không chỉ đúng cho ngành y mà còn với các lĩnh vực an ninh khác, từ biên giới tới trị an nội địa.  

Quảng Nam như “Việt Nam thu nhỏ”, nên tất cả tình huống mà nước ta đối mặt cũng có thể diễn ra tại đây, lúc này và về sau. Do vậy quản lý nhà nước và quản trị xã hội đòi hỏi phải luôn phòng bị những nguy cơ mất an ninh trên các lĩnh vực phi truyền thống mọi lúc mọi nơi mới có thể giữ bình yên để phát triển bền vững. Không thể để lặp lại các tình cảnh như “thả gà ra đuổi bắt”, hoặc “mất bò mới lo làm chuồng”!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản trị việc phòng bị trước kẻ giấu mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO