Trăn trở với khoảng trống

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/08/2022 07:15

Ta là ai và từ đâu đến là câu hỏi dằn vặt loài người xưa nay. Không có lời giải đáp trọn vẹn! Và tồn tại sự trăn trở với khoảng trống tri thức lịch sử, văn hóa khó thể lấp đầy.

Ví như xứ Quảng được chính sử ghi chép danh xưng trên bản đồ Đại Việt đã hơn 550 năm, nhưng quốc sử và gia sử có độ chênh rất lớn về cách tính thời gian. Bởi thử chia bình quân 25 năm/thế hệ, thì ít ra đệ thế được ghi chép trong phả chí, gia phả các dòng tộc phải là 22 đời.

Nhưng thực tế, không ít tộc họ chỉ ghi gia phả chưa quá 15-18 đệ thế, vậy khoảng trống dài hàng thế kỷ đó các dòng họ “bắc địa tùng vương” theo vua Lê Thánh Tông hay chúa Nguyễn Hoàng vào Nam có nhiều đoạn bị ngắt quãng.

Có thể lý giải là do chiến tranh ly loạn, phả chí, gia phả trải qua nhiều đời thất lạc phải dựng lại. Hoặc giả vì thiên tai, mối mọt đã vùi chôn bao nhiêu di cảo tư liệu dòng họ vào cát bụi, để lại khoảng trống vô minh. Dù do nguyên nhân nào thì việc minh định lịch sử dòng họ và vùng đất thật khó tỏ tường mọi cội rễ.

Vì có những khoảng trống lịch sử, văn hóa, nên diễn ra những cuộc đi tìm cội nguồn không ngừng nghỉ khi các di sản, di tích được khảo cổ, khảo cứu, nhằm truy nguyên phát tích của một tộc người, một nền văn minh, văn hóa đã và sẽ để ngỏ cho các lĩnh vực khác nhau.

Chẳng hạn ở lĩnh vực ngôn ngữ, liên quan giọng nói của người Quảng, việc tìm cách lý giải sự đặc trưng vấp phải những khoảng trống tri thức, nên tranh luận học thuật chưa có hồi kết.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi tồn tại ít nhất hai giả thuyết đang tiếp tục dậy sóng trên truyền thông báo chí và mạng xã hội thời gian qua là nguồn cội giọng Quảng, rằng là do người Chàm ở lại học nói tiếng Việt hay các bậc tiền nhân người Việt mang từ xứ Thanh – Nghệ Tĩnh vào đây rồi bị biến đổi?

Thử mở rộng thêm về chủ đề giọng Quảng, chúng ta lại thấy ngày nay đâu chỉ có bộ phận người Kinh nói tiếng Việt mà còn có các cộng đồng cũng khá đông người đồng bào dân tộc thiểu số nữa. Hãy nghe người Cơ Tu, Xê Đăng, Ca Dong, Co… nói tiếng Việt sẽ lại thấy sự biến đổi về âm vị, thanh điệu, từ vựng.

Hãy thử hình dung trăm năm nữa, giọng Quảng của người miền núi sẽ biến đổi như thế nào với những biến động xã hội, dân cư, văn hóa? Vậy 500 năm trước đến 500 năm sau, sự thể thế nào khó ai hình dung hết.

Thông tin thêm, ở Quảng Nam vừa nghiệm thu một đề tài khoa học khảo sát tình hình sử dụng tiếng Co và biên soạn từ điển tiếng Co, đọc báo cáo thấy nhiều điều rất bổ ích không chỉ ở góc độ ngôn ngữ học mà còn về lịch sử, nhân học, dân tộc học…

Các trí thức người Co đều tỏ bày mong muốn giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình để bảo tồn bản sắc văn hóa dù giờ đây con em họ phải học nói tiếng Việt hàng ngày.

Tuy nhiên về giáo dục lại có một khoảng trống đáng suy nghĩ khi các chuyên gia nghiên cứu tiếng Co đã ghi lại là “trong quá trình học sinh Co sử dụng song ngữ Việt - Co để giao tiếp đã xảy ra hiện tượng “trộn” giữa hai ngôn ngữ này... Cũng có khi là phát âm tiếng Việt theo kiểu của tiếng Co”...

Về phía giáo viên phần lớn là người ở vùng khác đến công tác hoặc phần nhiều là người Kinh (ít giáo viên người Co) chưa thông thạo tiếng Co nên khó truyền đạt, giải thích bài vở cặn kẽ cho học sinh - “Điều này dẫn đến tình trạng có những học sinh bị rỗng kiến thức”.

Khi bị “rỗng kiến thức”, nhất là hiểu biết về tiếng nói, ngôn ngữ thì rồi việc trao truyền tri thức về lịch sử, văn hóa cũng sẽ bị hạn chế không ít. Điều đó không chỉ xảy ra với cộng đồng người Co mà còn ở các tộc người khác trên vùng cao xứ Quảng, là khoảng trống đầy trăn trở.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăn trở với khoảng trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO