Chưa có thống kê đầy đủ về số người được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Chính phủ, nhưng có thể thấy rõ sự quan tâm mong mỏi từ phía người dân. Khó khăn chất chồng vì dịch Covid-19, người dân kỳ vọng rất nhiều gói hỗ trợ này - đặc biệt là lao động tự do, những người bị tác động sâu nhất. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều băn khoăn về cơ chế, cách triển khai thực hiện ở cơ sở.
NGƯỜI DÂN KỲ VỌNG
Những khốn khó bủa vây lấy người dân từ tác động của dịch Covid-19. “Mỗi nhà mỗi cảnh”, song vẫn là sự bôn ba xoay trở giữa mùa dịch, nhất là những người vốn “yếu thế” trong xã hội. Điều đó lý giải cho sự kỳ vọng đặc biệt lớn của những lao động tự do, thời vụ hoặc bấp bênh... về gói an sinh xã hội của Chính phủ sắp tới.
Khó khăn chất chồng
Dịch Covid-19 và trước đó là Nghị định 100 đã tạo ra sự ảm đạm cho các nhà hàng, quán ăn. Bà Trần Thị Phước (56 tuổi, khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), một người chuyên bỏ sỉ gà, vịt cho các nhà hàng bắt đầu gặp khó. Bước vào cao điểm dịch, bà thất nghiệp.
Chồng bà Phước, ông Tôn Thất Thông, hành nghề xe ôm, thu nhập bấp bênh, lại thêm dịch bệnh, các phương tiện công cộng được lệnh nghỉ, ông cũng chẳng còn khách để mà chờ đợi. Thêm một người trong gia đình bà Phước không có việc làm. Phía sau ông bà, là đại gia đình con, cháu chung cảnh ngộ, bởi nhiều người trong số họ là lao động thời vụ. Hệ quả của dịch bệnh, là hơn chục miệng ăn giờ trông chờ vào những thùng sữa chua tự làm mà bà Phước mang ra chợ bán mỗi ngày.
Người đàn bà ấy góp nhặt từng đồng tiền lẻ để đắp đổi cuộc sống. Tiếng thở dài nhiều hơn, các con bà Phước phụ thêm mẹ việc bán online, đi “ship” từng gói sữa chua giá từ 1 - 2 nghìn đồng. Ông Thông còn phải chăm mẹ ruột của mình bị ốm, vẫn đang điều trị nội trú tại bệnh viện.
Bà Phước nói, có nghe thông tin về gói trợ cấp an sinh xã hội của Chính phủ, và vẫn chờ đợi, song chưa có thông tin gì từ phía chính quyền. UBND phường đã ưu tiên dành một suất quà gồm gạo, mì tôm và một số nhu yếu phẩm cho gia đình bà.
“Tôi vẫn hy vọng gia đình mình được nhận trợ cấp, sẽ vơi bớt đi phần nào những khó khăn hiện tại. Bình thường thì cũng còn đồng ra đồng vào, dành dụm lo cho con cháu. Bây giờ, đã hơn hai tháng ròng thất nghiệp, cái ăn đã là nỗi lo rồi, chưa nói gì đến ốm đau, bệnh tật. Muốn tìm một công việc thời vụ cũng đâu phải dễ, quán xá đều đóng cửa, các dịch vụ nghỉ hết, chạy xe ôm còn không có khách huống hồ gì tìm việc” - bà Phước không giấu tiếng thở dài.
Trường hợp của bà Phước không là cá biệt. Anh Nguyễn Đức Vinh (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), lái xe khách cho một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến miền núi vẫn phải nghỉ hẳn ở nhà, chờ gỡ bỏ hạn chế các phương tiện công cộng. Từ chỗ là trụ cột về kinh tế trong gia đình, anh Vinh thành… nội trợ, ở nhà trông con vì trường học đã đóng cửa.
“Tiền vay ngân hàng, tiền điện, nước, chi phí gia đình… trở thành gánh nặng. Chưa bao giờ tôi thấy chuyện tiền gạo áo cơm trở thành áp lực lớn như bây giờ, khi chỉ còn vợ tôi là giữ được việc, mà thu nhập cũng đã giảm sút đi khá nhiều so với trước đây. Chúng tôi vẫn đang cố gắng cầm cự, thật sự… đuối” - anh Vinh nói.
Trông chờ “phao cứu sinh”
Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được xem là “phao cứu sinh” giúp hàng triệu lao động chống chọi thời dịch bệnh. Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho hay, ngoài lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, gói an sinh xã hội từ Nghị quyết này còn hỗ trợ cho người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo…, kể cả nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động cũng được hỗ trợ.
Ông Huỳnh Hải Sơn (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, là hộ cận nghèo, bản thân là người khuyết tật, chi phí sinh hoạt và lo cho hai con đang học phổ thông và đại học là quá sức với gia đình ông khi vợ đang bị thất nghiệp bởi công ty tạm dừng hoạt động. Phường đã có những hoạt động hỗ trợ tạm thời cho gia đình ông giữa mùa dịch, từ việc vận động các tấm lòng hảo tâm, song món quà khiêm tốn ấy không đủ để xóa đi nỗi lo đang đầy dần lên từng ngày.
“Bí quá, bà vợ đi xin làm thời vụ khắp nơi, ai kêu gì làm nấy. Nhưng bữa được bữa không, lao động phổ thông mùa này cũng khó kiếm việc. Nếu hai đứa con đi học trở lại, chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Qua thông tin đại chúng, tôi có biết đến gói an sinh xã hội của Chính phủ và đang rất mong chờ. Với nhiều người, có thể số tiền đó không là bao, nhưng với những người như chúng tôi, quả thật nó sẽ giúp được rất nhiều” - ông Sơn nói.
Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho hay, những ngày qua, địa phương đã lập 4 tổ khảo sát, lấy thông tin về các trường hợp người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo văn bản chỉ đạo số 555 của UBND thành phố và công văn số 535 của Sở LĐ-TB&XH. “Việc thu thập thông tin gặp một số khó khăn do giãn cách xã hội, tuy nhiên chúng tôi đã linh động liên lạc với từng hộ qua điện thoại để nắm tình hình chung, sau đó phối hợp với từng khối phố để xác nhận, tổng hợp. Qua thống kê sơ bộ, có khoảng 970 lao động với khoảng 400 hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng” - ông Phan Văn Ngọc thông tin.
BĂN KHOĂN CHUYỆN THỰC THI
Đối tượng lao động tự do được xem là bị ảnh hưởng lớn nhất, sâu nhất bởi tác động của đại dịch, nhưng văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhóm đối tượng này để hỗ trợ vẫn chưa được ban hành đến tận cơ sở. Nhiều địa phương đặt vấn đề về việc kiểm soát để vừa đảm bảo công bằng, vừa tránh trục lợi chính sách liên quan đến gói an sinh xã hội.
Khó cho cơ sở
Chia sẻ về công tác triển khai thực hiện gói an sinh xã hội ở cơ sở, ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh nói, cái khó hiện nay là vẫn chưa thống nhất đối tượng hỗ trợ thuộc diện lao động tự do, bởi văn bản cụ thể hướng dẫn cho từng địa phương chưa được ban hành.
“Chúng tôi mới chỉ rà soát, thống kê số lượng lao động bị ảnh hưởng dựa trên nhóm đối tượng được thông báo tạm dừng hoạt động do dịch. Riêng về lao động tự do, địa phương vẫn rà soát dựa trên khai báo của các gia đình song đang chờ chỉ đạo. Chúng tôi đề nghị cần có sự thống nhất chung, có tiêu chí cụ thể để xác định đối tượng, trên cơ sở đó có thông báo kịp thời cho người dân. Những ngày vừa qua, rất nhiều người là xe ôm, bốc vác, người làm việc tại các cơ sở ăn uống, dịch vụ không có hợp đồng lao động cũng đến phường để hỏi về chính sách này. Theo tôi, nên sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, vừa để làm cơ sở cho địa phương thực hiện, vừa có tiêu chí để tránh sự trùng lắp. Việc khai báo của nhóm đối tượng là lao động tự do nên căn cứ trên địa bàn họ làm việc thay vì rà soát theo hộ khẩu, sẽ dễ dẫn đến bất cập. Tôi ví dụ, người dân khai báo hành nghề xe ôm thì nên để địa phương nơi họ hoạt động xe ôm xác nhận, thay vì yêu cầu chính quyền nơi cư trú cử người đi xác minh. Rất nhiều lao động tự do có hộ khẩu trên địa bàn phường Tân Thạnh song lại làm việc ở phường khác, thậm chí ở các huyện khác như Phú Ninh, Núi Thành…” - ông Ngọc nêu vấn đề.
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh mới đây, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Nguyễn Hồng Quang nói, khả năng chịu đựng của một bộ phận người dân “yếu thế” là có mức độ, hiện nay họ gặp rất nhiều khó khăn. “Nhiều gia đình rất vất vả, cần sự hỗ trợ kịp thời. Địa phương đã nỗ lực kêu gọi, vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ trước mắt. Việc đối ứng ngân sách, kể cả ngân sách dự phòng gần như là không thể do hụt thu mạnh và nhiều tác động từ dịch bệnh, do đó cần sự hỗ trợ, đặc biệt là từ gói an sinh xã hội để giúp dân” - ông Quang cho hay.
Rà soát, tránh trùng lắp
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, đối tượng yếu thế đang là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, cần có giải pháp hỗ trợ ngay trong khi chờ gói an sinh xã hội. “Tôi đề nghị cho phép địa phương sử dụng tất cả nguồn lực trong điều kiện được phép để giải quyết khó khăn cho người dân, đặc biệt đối tượng thụ hưởng ngay phải là những người đang “không có gì nấu ăn”, những người yếu thế, lao động tự do bị mất việc” - ông Minh nhấn mạnh.
Thông tin từ ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, theo khảo sát sơ bộ của ngành, trong số 8 nhóm cần hỗ trợ, toàn tỉnh có khoảng 366.000 người, với kinh phí hỗ trợ ước tính 695 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 208 tỷ.
“Sở đã gửi văn bản hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát để tránh trùng lặp và lập trước danh sách một số đối tượng. Hiện nay, theo nguyên tắc mỗi người chỉ nhận một suất hỗ trợ, nên cần có sự rà soát để chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, không bỏ sót đối tượng nhưng đảm bảo không trục lợi từ chính sách. Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và trợ cấp xã hội trong cộng đồng đã có danh sách từ các địa phương, sẽ dễ rà soát và có thể hỗ trợ ngay sau khi gói an sinh xã hội được cấp về. Cái khó hiện nay là lao động tự do, sở cũng vẫn cho rà soát trước và đang chờ ý kiến chỉ đạo cũng như các hướng dẫn từ cấp trên. Hiện chưa thể triển khai cho nhóm đối tượng này vì đây là nguồn ngân sách, phải đúng quy trình của tài chính. Về việc xác định đối tượng lao động tự do, chắc chắn sẽ gặp khó. Chúng tôi vẫn đang tính cách làm và sẽ có hướng dẫn gửi cho các địa phương để thực hiện” - ông Chiến nói.
KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Chính quyền và cả cộng đồng đang đồng hành để kịp thời gỡ khó trước mắt cho những hoàn cảnh nghèo ngặt, yếu thế. Nhiều việc làm ý nghĩa thể hiện tinh thần tương thân tương ái, không ai bị bỏ lại phía sau giữa vòng vây đại dịch Covid-19.
Đi sau một số địa phương trong cả nước, song “ATM gạo” vẫn xuất hiện rất kịp thời tại Quảng Nam. Từ 21.4, chương trình phát gạo hỗ trợ đã đến với đông đảo những người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành. Hàng trăm người dân đã tìm đến hai “ATM gạo” tại số 56 đường Trần Cao Vân và số 28 Trần Phú (TP.Tam Kỳ) để nhận gạo miễn phí. Đây là hoạt động do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với CLB Doanh nhân trẻ Quảng Nam và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức. Từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, gạo sẽ được phát cho bà con có nhu cầu với số lượng 3kg/người/lần/ngày. Rất nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị, xã hội đã cùng chung tay để chia sẻ, lan tỏa thêm nghĩa cử cao đẹp mùa dịch.
Dự kiến, số lượng gạo phát cho bà con lên đến khoảng 100 tấn và đang tiếp tục kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ để duy trì trong vòng một tháng và có thể kéo dài thêm tùy theo diễn biến của dịch Covid-19. Tại mỗi điểm phát, các đơn vị cũng bố trí giữ xe miễn phí, hướng dẫn bà con xếp hàng đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m và phát dung dịch sát khuẩn, phát khẩu trang cho người dân có nhu cầu. Riêng người già, người khuyết tật, trẻ em có làn đường ưu tiên và được các thanh niên mang gạo trao tận tay. Những người không thể đến ATM thì đơn vị cho chuyển gạo đến tận nhà. Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) xúc động chia sẻ, 3kg không nhiều, nhưng thực sự là một món quà quý với người nghèo. “Đã nhiều ngày rồi tôi không kiếm được tiền, gia đình ngày càng khó khăn. Trong lúc này, sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhà hảo tâm là sức mạnh để chúng tôi tiếp tục đứng vững, vượt qua những áp lực trong mùa dịch. Chúng tôi thấy rất ấm lòng” - bà Hoa tâm sự.
Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết, kinh phí chương trình ATM “hạt gạo yêu thương” được huy động từ Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đóng góp cùng với một số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp nhận thêm các nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm gửi tặng.
“Chúng tôi đang mở rộng chương trình ATM gạo đến các địa phương khó khăn, miền núi. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là một sự động viên để an ủi, giúp nhiều người dân vơi bớt đi phần nào khốn khó do dịch Covid-19. Thông điệp “lá lành đùm lá rách” và sự đoàn kết cũng được lan tỏa đi từ những hạt gạo đầy tình cảm và trách nhiệm với cộng đồng của các tổ chức, cá nhân, chung tay chống lại dịch bệnh” - ông Hùng thông tin.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, qua kênh Mặt trận tỉnh, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ kinh phí, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống dịch. Riêng ở các khu cách ly, công tác xã hội hóa nhiều nơi vượt mức nhu cầu phục vụ. Tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí cho hội đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh để kịp thời giúp hàng trăm đồng bào Quảng Nam gặp khó do không có việc làm.
“Nhiều việc làm rất cảm động, cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của đồng bào. Rất nhiều cá nhân ủng hộ từng khoản tiền tiết kiệm, dành dụm để phục vụ phòng chống dịch. Từ sự giúp đỡ của cộng đồng, chúng tôi đã chuyển ngay cho các đơn vị, địa phương sau khi tiếp nhận để phục vụ phòng chống dịch. Có thể nói, giữa đại dịch, cộng đồng đã xích lại, san sẻ, cùng dìu nhau vượt qua khó khăn và không ai bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh. Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, gói hỗ trợ vẫn chưa đến được tay người dân thì những nghĩa cử này là việc làm cần kíp, đặc biệt là cho những người yếu thế, lao động có thu nhập bấp bênh, mất việc do dịch bệnh” - ông Ca nhấn mạnh.
“HỖ TRỢ NHANH NHẤT NHƯNG THẬN TRỌNG”
Ông Huỳnh Tấn Triều – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các ban ngành, tranh thủ nhiều nguồn lực. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam đã phân phát khoảng 1.200 suất quà cho người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh, mỗi suất gồm 10 ký gạo và 100 nghìn đồng. Đối với những người khiếm thị trên địa bàn tỉnh, từ nguồn vận động của các tổ chức từ thiện, Sở LĐ-TB&XH cũng đã trao quà hỗ trợ với mức bình quân 300 nghìn đồng/người cho hơn 110 người và đang tiếp tục thực hiện. Sở cũng đã đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành hỗ trợ thêm cho đối tượng thanh niên xung phong.
Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Trung ương, khi có hướng dẫn chính thức của Chính phủ, việc triển khai thực hiện sẽ được tiến hành theo tiêu chí vừa tranh thủ hỗ trợ nhanh nhất cho người dân bị ảnh hưởng, nhưng cũng phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, tránh trùng lắp. UBND tỉnh cũng đã giao sở chủ động làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động rà soát số lượng đối tượng được hỗ trợ, đặc biệt là đối tượng là người lao động tự do và xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ để kịp thời triển khai thực hiện chi hỗ trợ ngay sau khi Bộ LĐ-TB&XH ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ngày 24.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã chủ trì buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH để nghe báo cáo về việc triển khai Nghị quyết 42. Những chỉ đạo của UBND tỉnh tại cuộc họp này sẽ là cơ sở quan trọng để ban hành kế hoạch, triển khai về cơ sở, với tinh thần tranh thủ nguồn lực để có thể giúp người dân được nhận đúng, đủ số tiền hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”.